banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 17/2/2017
Cập nhật lúc 09:14 ngày 20/02/2017

Sự trở lại của cơ chế xin - cho là bài viết đáng chú ý đăng trên Đầu tư 17/2 bình luận: Có lẽ, khả năng doanh nghiệp tư nhân phải xin phép nếu muốn tham gia kinh doanh trong những ngành nghề mà Nhà nước giữ độc quyền không phải là giả thuyết của những người quá lo xa. Cơ chế xin - cho và tư duy quản lý hành chính nhà nước tưởng như đang trở thành quá khứ trong giới hoạch định chính sách lại trở lại nguyên vẹn hình hài.

Bài báo đặt dấu hỏi: “Với dự thảo Nghị định mới nhất về hàng hóa, dịch vụ, địa bàn thực hiện độc quyền Nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương đang tiếp tục dọn đường để doanh nghiệp “đi xin” được làm ăn?”.

Bài viết phản ánh: Thậm chí, trong nguyên tắc thực hiện độc quyền nhà nước trong hoạt động thương mại, Bộ Công Thương còn đưa vào ý “các thành phần kinh tế khác không có nhu cầu và khả năng tham gia”. Giới đầu tư kinh doanh và cả giới nghiên cứu bất bình, vì nguyên tắc mang nặng tư duy áp đặt hành chính nhà nước này. Với nguyên tắc này, độc quyền nhà nước đã được biến thành độc quyền doanh nghiệp nhà nước. Doanh nghiệp tư nhân muốn làm thì phải chứng minh có nhu cầu và đủ khả năng, nghĩa là phải đi xin để có quyền kinh doanh mà Hiến pháp 2013 đã xác định. Lúc này, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần một thông điệp thực sự rõ ràng để giải tỏa các mối lo…  

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Tương lai của TPP sẽ được quyết định vào tháng 5 tới; Thêm một công ty chấm dứt bán hàng đa cấp trên toàn quốc; Doanh nghiệp nhà nước lờ báo cáo thông tin: Đề xuất cách chức, xử lý hình sự người đứng đầu.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Tương lai của TPP sẽ được quyết định vào tháng 5 tới.


11 nước thành viên của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) dự kiến sẽ gặp mặt để quyết định về tương lai của TPP vào tháng 5 năm nay tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) được tổ chức tại Việt Nam. Ông Datuk Seri Mustapa Mohamed, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế và Công nghiệp Malaysia cho biết, những người đứng đầu của các nước thành viên TPP dự kiến sẽ gặp mặt trong Hội nghị Bộ trưởng thương mại để quyết định các bước hành động tiếp theo của TPP.

Ông Datuk Seri Mustapa Mohamed cho biết, Malaysia hiện đang chào đón mọi lời góp ý liên quan đến TPP, cho dù đó là việc xây dựng một hiệp định song phương hay hình thành một hiệp ước mới mà không có Mỹ. Tuy nhiên, quyết định cuối cùng sẽ phụ thuộc vào sự hiểu biết, tán thành lẫn nhau giữa các nước trong cuộc họp. Trước đó, ngày 23/1, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký một sắc lệnh rút Mỹ khỏi TPP sau 5 năm đàm phán. Do đó, 11 nước thành viên TPP hiện tại gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam.  

2. Thêm một công ty chấm dứt bán hàng đa cấp trên toàn quốc.

Báo chí đưa tin, ngày 16/2, Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương công bố về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại CNT Việt Nam,  trụ sở chính tại đường Trung Yên 9, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Phạm vi chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại CNT Việt Nam trên phạm vi toàn quốc; thời gian bắt đầu chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp từ ngày 6/9/2016.  

3. Doanh nghiệp nhà nước lờ báo cáo thông tin: Đề xuất cách chức, xử lý hình sự người đứng đầu.


Tiếp tục phản ánh về vấn đề này, Tiền phong đưa tin: Chính phủ đã có quy định (Nghị định 81/2015/NĐ-CP) yêu cầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) định kỳ công bố thông tin hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng nhiều DNNN phớt lờ thực hiện. Để xử lý tình trạng này, Bộ KH&ĐT đang đề xuất Chính phủ hình thức kỷ luật từ hạ bậc lương đến buộc thôi việc, thậm chí xử lý hình sự người đứng đầu doanh nghiệp (DN) không công bố thông tin (nếu DN khó khăn, thua lỗ).

Theo Bộ KH&ĐT, cả nước có 620 DNNN bắt buộc công bố thông tin và gửi báo cáo về Bộ tổng hợp gửi Chính phủ và đăng tải trên Cổng thông tin doanh nghiệp quốc gia. Tuy nhiên hết tháng 12/2016, mới có 38,8% DN gửi báo cáo. Còn tới 380 DN (chiếm 61,1%) không báo cáo, thuộc lĩnh vực như thủy nông, thủy lợi; công ty nông, lâm nghiệp;  xổ số kiến thiết của địa phương. Đặc biệt, các công ty con tại một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Tập đoàn Cao su Việt Nam chưa công bố thông tin.

LH (Nguồn VP Bộ CT)