banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 10/2/2017
Cập nhật lúc 01:45 ngày 13/02/2017

Trên Dân trí 10/2 có bài phản ánh: Bộ Công Thương chưa phản hồi yêu cầu thu hồi Huân chương của Trịnh Xuân Thanh. Tác giả bài viết nhấn mạnh: Mặc dù Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) đã đốc thúc Bộ Công Thương có văn bản đề xuất thu hồi Bằng khen, Huân chương của ông Trịnh Xuân Thanh - nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nguyên Chủ tịch PVC - nhưng đến nay chưa nhận được hồi âm.

Theo quy định của Luật Thi đua Khen thưởng, quy trình để huỷ bỏ các quyết định khen thưởng, thu hồi Bằng khen, Huân chương cũng phải thực hiện “có lớp có lang”, trải qua các bước như lúc ban đầu đề xuất khen thưởng cho ông Trịnh Xuân Thanh.

Cụ thể, sau khi Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Công Thương có ý kiến đề xuất gửi tới Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương (Bộ Nội vụ) thì vấn đề mới được đưa ra Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương họp bàn, xem xét trước khi có ý kiến chính thức tới người có thẩm quyền ra các quyết định cuối cùng.

“Tuy nhiên đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được văn bản phản hồi từ Bộ Công Thương”, nguồn tin từ Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tiết lộ.

Thông tin 380 doanh nghiệp nhà nước “phớt lờ” công bố thông tin cũng được nhiều cơ quan báo chí đăng tải trong ngày. Theo phản ánh, Thủ tướng đã ra Nghị định 81 yêu cầu các doanh nghiệp nhà nước phải công bố thông tin định kỳ, song vẫn có hàng trăm doanh nghiệp không làm.

Đặc biệt, các công ty con do công ty mẹ nắm 100% vốn tại một số doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (5 doanh nghiệp), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (2 doanh nghiệp), Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (6 doanh nghiệp), Tập đoàn Cao su Việt Nam (4 doanh nghiệp) chưa thực hiện công bố thông tin theo quy định của Nghị định số 81.

Một số tổng công ty lớn như Thuốc lá, Công nghiệp Tàu thủy, Đầu tư Phát triển nhà và Đô thị...chưa thực hiện công bố báo cáo tài chính 2015. Đáng chú ý, trong số 41 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, hầu hết các doanh nghiệp đã thực hiện công bố thông tin theo quy định nhưng chưa thực hiện đầy đủ và đúng thời hạn.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánhBộ Công Thương kiến nghị công nhận tính pháp lý của giấy phép điện tử; Doanh nghiệp tự dán nhãn năng lượng cho sản phẩm; Bauxite lần đầu tiên có lãi lớn.

Thông tin cụ thể như sau:     

1. Bộ Công Thương kiến nghị công nhận tính pháp lý của giấy phép điện tử.


Bộ Công Thương đã kiến nghị Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ  Trương Hòa Bình và các bộ, ngành có liên quan một số nội dung trong lĩnh vực cải cách hành chính, thủ tục, điều kiện kinh doanh, giao dịch điện tử và chữ ký số. Trong đó, Bộ Công Thương cũng kiến nghị về công nhận tính pháp lý của giấy phép điện tử trong giao dịch điện tử.

Hiện nay, Bộ Công Thương đang quản lý 28/267 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, kiểm soát 130 dịch vụ hành chính công (tương đương với 447 TTHC từ cấp Trung ương đến cấp xã). Trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ, đơn giản hoá 39 TTHC, cắt giảm thời gian giải quyết TTHC. Đồng thời, cũng minh bạch hoá TTHC với việc các thủ tục, điều kiện được hiểu nhất quán, tránh tình trạng một quy định được giải thích khác nhau ở các cơ quan khác nhau, trong những thời điểm, hoàn cảnh khác nhau.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã triển khai 25 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 và tiếp tục triển khai thêm nhiều dịch vụ công trực tuyến khác. Đến nay, Bộ Công Thương trở thành bộ đầu tiên hoàn thành công tác chuẩn hoá TTHC. 

2. Doanh nghiệp tự dán nhãn năng lượng cho sản phẩm.

Thanh niên đưa tin, từ hôm nay 10.2, Thông tư 36/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương thay thế Thông tư 07/2012 về quy định dán nhãn năng lượng cho các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng bắt đầu có hiệu lực thi hành.

Quy định mới áp dụng hình thức để doanh nghiệp tự công bố mức hiệu suất năng lượng và dán nhãn năng lượng trên phương tiện thiết bị sản xuất, nhập khẩu và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm công bố và dán nhãn.

Đồng thời cho phép doanh nghiệp sử dụng kết quả thử nghiệm hiệu suất năng lượng một lần đối với mỗi model sản phẩm, áp dụng cho các tất cả các sản phẩm hàng hóa sản xuất trong nước cũng như các lô hàng nhập khẩu có cùng model, cùng nhà sản xuất, xuất xứ và cùng đặc tính kỹ thuật (không giới hạn thời gian hiệu lực của phiếu thử nghiệm).

Đặc biệt cho phép việc thử nghiệm dán nhãn năng lượng được thực hiện bởi các tổ chức thử nghiệm độc lập hoặc các phòng thử nghiệm của nhà sản xuất trong nước và nước ngoài.

3. Bauxite lần đầu tiên có lãi lớn.


Trên nhiều báo đưa tin: Thông tin từ Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, đến cuối năm 2016, Công ty Nhôm Lâm Đồng (Bauxite Tân Rai) đã sản xuất có lãi. Việc tiết giảm chi phí, trong khi giá Alumina trên thị trường tăng nên giá thành 1 tấn Alumina sản xuất ra hiện thấp hơn giá bán. Năm 2017, dự kiến Nhôm Lâm Đồng sẽ có lãi khoảng 100 tỷ đồng.

Hiện nay sản lượng Alumina sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó, Các khách hàng chính đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Thái Lan... xuất khẩu chiếm 97% sản lượng tiêu thụ. Cụ thể năm 2016 tiêu thụ tổng cộng 646.000 tấn Alumina quy đổi, trong đó xuất khẩu chiếm 626.500 tấn, thị trường nội địa chỉ có 19.500 tấn.

Tuy nhiên, nhận xét về thông tin này, một số chuyên gia cho rằng, còn có nhiều chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật quan trọng, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của dự án Alumina Tân Rai, chưa thấy công bố. Chẳng hạn như tiêu hao quặng bauxite, tiêu hao nước ngọt, tiêu hao than, tiêu hao nhiệt năng. Cùng với đó, chi phí khấu hao và lãi vay ngân hàng đối với bất kỳ dự án nào trong giai đoạn đầu đi vào vận hành thường rất lớn. Nếu nói dự án có hiệu quả, không còn lỗ nữa mà chưa tính các chi phí này là thiếu chính xác.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)