banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 23/01/2017
Cập nhật lúc 02:37 ngày 24/01/2017

Nhập khẩu sắt thép Việt Nam cao nhất từ trước đến nay là thông tin được nhiều báo đăng tải trong ngày hôm nay (23/1). Thông tin được khai thác xung quanh số liệu xuất nhập khẩu chính thức năm 2016 của Tổng cục Hải quan quanh vừa công bố.

Theo đó, năm 2016, Việt Nam đã nhập khẩu 18,4 triệu tấn sắt thép, trị giá hơn 8 tỷ USD -  tăng 18,4% về lượng và 7,2% về trị giá so với năm trước 2015. Đáng chú ý, gần nửa  lượng thép nhập khẩu lại là các loại thép trong nước đã sản xuất được Điều này đã dấy lên lo ngại về cạnh tranh giữa thép trong nước và thép nhập khẩu giá rẻ.


Để ngăn cản tình trạng này, từ tháng 3/2017, Bộ Công thương đã ra quyết định áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam với mức thuế tự vệ lần lượt là 15,4% đối với thép dài và 23,3% đối với phôi thép. Nhưng điều này lại dẫn đến việc các doanh nghiệp áp mã nhập khẩu khác để lách luật tiếp tục nhập thép.

Thông tin Lãnh đạo Cty Vietrans “bị tố” nhiều sai phạm:Kết luận của Bộ Công Thương có phản ánh đúng thực tế vụ việc?được nhiều báo quan tâm, đăng tải. Sau khi nhiều cơ quan báo chí phản ánh vụ việc các cổ đông Công ty CP Giao nhận Kho vận Ngoại thương (Vietrans) tố cáo hàng loạt sai phạm của ông Thái Duy Long – Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Vietrans, Bộ Công Thương đã vào cuộc xác minh làm rõ và kết luận vụ việc. Trong đó, Bộ Công Thương để ông Long thôi giữ vị trí người đại diện phần vốn nhà nước tại Vietrans. Tuy nhiên, theo các cổ đông, bản kết luận có nhiều vấn đề mà họ vẫn chưa đồng tình và cho biết sẽ tiếp tục khiếu nại trong thời gian tới.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh:Muộn còn hơn không; Tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi; Chủ đầu tư khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đã đủ điều kiện để khai thác.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                        

1. Muộn còn hơn không.

Hà Nội mới đưa tin, chưa bao giờ vấn đề quản lý của cơ quan nhà nước với việc thiết lập trật tự, kỷ cương lại được đề cập, hối thúc mạnh mẽ như hiện tại. Tín hiệu đưa ra là, từ nay trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan quản lý gắn liền với từng cán bộ trong bộ máy công quyền sẽ phải được định vị, trên tinh thần “theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”...

Mới đây, dư luận đã đón nhận thông tin Bộ Công Thương công bố kết luận thanh tra dự án Nhà máy Đạm Ninh Bình. Theo đó, nhiều sai phạm về quản lý của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam được làm rõ, như phê duyệt điều chỉnh dự án trên cơ sở hiệu quả tài chính thấp, tiềm ẩn yếu tố rủi ro, công tác dự báo còn hạn chế; bổ nhiệm giám đốc ban quản lý dự án chưa tuân thủ quy định.

Sắp tới, cơ quan chức năng sẽ còn thanh tra, làm rõ sai phạm tại một số dự án khác và cái kết có thể dự báo là không “nhẹ” hơn trường hợp của Nhà máy Đạm Ninh Bình. Hồi chuông cảnh tỉnh đã rung lên, dù muộn nhưng còn hơn không. Hy vọng, bài học xương máu về tình trạng buông lỏng, vô trách nhiệm trong quản lý tài sản nhà nước sẽ không còn kéo dài và "sợi dây" rút kinh nghiệm sẽ không là câu cửa miệng của các đối tượng làm thất thoát tài sản công…

2. Tiếp tục bình ổn giá sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi.

Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch bình ổn giá các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng đến hết tháng 3 năm 2017.

Cơ quan quản lý giá có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị về giá tối đa và hồ sơ đăng ký giá để thực hiện rà soát chi phí hình thành giá tối đa, kiểm soát việc đăng ký giá theo quy định của pháp luật. Công khai mức giá tối đa sản phẩm sữa của tổ chức, các nhân thuộc diện đăng ký giá tại Bộ Công Thương.

Tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan chức năng của các Bộ, ngành, địa phương kiểm tra tình hình thực hiện giá tối đa và đăng ký giá đối với sản phẩm sữa. Trong phạm vi thẩm quyền xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vấn đề phát sinh, kịp thời để xuất các nội dung cần điều chỉnh cho phù hợp với diễn biến thị trường trong thời gian áp dụng bình ổn giá...

3. Chủ đầu tư khẳng định mỏ sắt Thạch Khê đã đủ điều kiện để khai thác.

Các bài viết đưa tin: Công ty CP Sắt Thạch Khê (TIC) vừa có báo cáo thông tin chung về dự án mỏ sắt Thạch Khê khẳng định, dự án đầu tư khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Thạch Khê (Hà Tĩnh) đã được điều tra, khảo sát, nghiên cứu rất tỷ mỉ trong cả quá trình dài và đã được thẩm định bởi rất nhiều chuyên gia đầu ngành về địa chất, khai thác mỏ, tuyển khoáng, môi trường, ... thuộc các Hội đồng thẩm định khác nhau.

TIC cũng khẳng định dự án đã đủ điều kiện về pháp lý, khoa học, thực tiễn và tính hiệu quả để triển khai.

Trước đó, thông tin trên các báo cho biết, việc “hồi sinh” mỏ sắt Thạch Khê sau 8 năm bất động đang có nhiều ý kiến khác nhau. Bộ Công Thương rốt ráo khởi động lại dự án, nhưng UBND tỉnh Hà Tĩnh lại băn khoăn vì một số lí do: về khả năng huy động vốn cho dự án; về tình trạng dư thừa quặng sắt khi nhu cầu trong nước hạn chế.

LH (Nguồn VP Bộ CT)