banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thông tin tổng hợp ngày 19/01/2017
Cập nhật lúc 04:16 ngày 19/01/2017

Giữ giá xăng, tăng giá dầu từ 15h là thông tin được báo chí đăng tải trên hầu hết các báo trong chiều ngày hôm nay 19/1. Cơ quan điều hành quyết định tăng chi quỹ bình ổn để giữ giá bán lẻ xăng trong kỳ điều hành ngày 19/1, song giá dầu vẫn tăng khoảng 300-500 đồng một lít, kg. Báo chí và dư luận đánh giá việc liên bộ cho giữ nguyên giá xăng, tăng giá dầu mục đích là để bình ổn giá Tết.

Sau các điều chỉnh này, từ 15h chiều nay (19/1), giá xăng RON 92 không cao hơn 17.594 đồng một lít; xăng E5 là 17.322 đồng một lít; dầu diesel không cao hơn 14.047 đồng một lít. Dầu hỏa không quá 12.600 đồng một lít và dầu madút là 11.623 đồng một kg.

Qua 2 kỳ điều hành từ tháng 1/2017, cơ quan quản lý đều quyết định giữ giá xăng bán lẻ trong nước, mà chỉ áp dụng với giá dầu và sử dụng các công cụ bình ổn. Trước đó trong năm 2016, giá xăng trong nước đã qua 23 lần điều chỉnh với 13 lần tăng và 10 lần giảm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Lúng túng với tiền ảo; Giá thép xây dựng sẽ vẫn ổn định; Việt Nam đang giảm dần mua hàng từ Trung Quốc.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                  

1. Lúng túng với tiền ảo. 


Đại diện Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao cho hay, gọi là tiền ảo, song phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) không công nhận là tiền, Bộ Công thương lại không công nhận là hàng. Chính vì vậy, cơ quan này cũng đang lúng túng trong việc xử lý

Ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, tiền ảo đều được biến tướng thành một loại hình kinh doanh đa cấp mang tính lừa đảo, khiến cả cơ quan quản lý lẫn người dân hết sức lo ngại.

Các chuyên gia tài chính cho rằng, trước mắt, Việt Nam sẽ chưa coi tiền ảo là tiền. Tuy nhiên, có thể coi đây là loại hàng hóa đặc biệt, được phép kinh doanh có điều kiện, phải chịu sự giám sát chặt chẽ. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp cùng Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước và một số bộ, ngành liên quan xây dựng Dự thảo Nghị định về tiền ảo (dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 12/2017) và Dự thảo Nghị định về tài sản ảo (hoàn tất vào tháng 3/2018).

2. Giá thép xây dựng sẽ vẫn ổn định. 

Theo dự báo của Bộ Công Thương, tháng 1/2017, giá bán lẻ thép xây dựng trong nước cơ bản vẫn sẽ ổn định cho dù sản lượng thép xây dựng sản xuất và tiêu thụ trong nước hiện đang tăng nhẹ so với các tháng trước đó.

Năm 2016, sản xuất sắt thép tăng trưởng cao, tuy nhiên vẫn chỉ đáp ứng được khoảng 40% nhu cầu sắt thép nội địa. Lượng sắt thép thô sản xuất được năm 2016 là 5.154,3 nghìn tấn, tăng 20,5% so với năm 2015; thép cán là 5.351,5 nghìn tấn, tăng 26,8%; thép thanh, thép góc là 4.702,9 nghìn tấn, tăng 9,9%. Với năng lực sản xuất hiện tại, ngành thép có khả năng đáp ứng 100% nhu cầu trong nước về phôi thép, thép xây dựng và thép cán nguội (khoảng 7 - 8 triệu tấn/năm)  

3. Việt Nam đang giảm dần mua hàng từ Trung Quốc. 

Theo Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2016 đạt 350,7 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu đạt 176,6 tỷ USD, còn nhập khẩu đạt 174,1 tỷ USD. Như vậy cả năm 2016, Việt Nam xuất siêu 2,5 tỷ USD.

Một điểm đáng chú ý trong cán cân thương mại năm 2016 đó là sự dịch chuyển nguồn nhập khẩu từ Trung Quốc sang một số nước khác. Năm 2016, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Trong năm 2016, nhập khẩu từ nước này đạt 49 tỷ USD, chiếm 28,16% tổng kim ngạch, giảm hơn 1% so với năm 2015.

Không chỉ có xu hướng giảm dần so với năm ngoái, tỷ lệ nhập siêu với Trung Quốc cũng được thu hẹp dần khi kim ngạch xuất khẩu vào nước này tăng lên. Trong khi đó, nhập khẩu từ Hàn Quốc lại tăng dần với tổng kim ngạch đạt giá trị 32 tỷ USD, tăng hơn 15% so với năm 2015.

LH (Nguồn VP Bộ CT)