banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2016
Cập nhật lúc 08:21 ngày 29/12/2016

Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương trân trọng giới thiệu 10 sự kiện nổi bật ngành Công Thương năm 2016.

1. Ngành Công Thương đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập (14/5/1951 - 14/5/2016)


Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, ngành Công Thương đã có nhiều nỗ lực, cố gắng khắc phục khó khăn, phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, với kết quả đạt vượt mức nhiều chỉ tiêu, đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Đặc biệt, giai đoạn 2006 - 2015, ngành Công Thương đã có những đóng góp quan trọng đối với cả nước như: Giá trị sản xuất công nghiệp toàn Ngành có tốc độ tăng trưởng bình quân 12,2%/năm; xuất khẩu bình quân tăng trưởng 17,5%/năm; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ bình quân tăng 21%/năm. Hoạt động sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu, thương mại nội địa đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ với giá cả khá ổn định các nhu cầu hàng hóa, dịch vụ cho sản xuất và tiêu dùng xã hội. Trong hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế, Bộ Công Thương đã chủ động nghiên cứu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các định hướng, chính sách và lộ trình hội nhập hợp lý; tích cực phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong thực hiện các chủ trương về đối ngoại, góp phần củng cố và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Công tác xây dựng thể chế, chiến lược, quy hoạch phát triển ngày càng được quan tâm; Bộ Công Thương đã chuẩn bị tốt trình Chính phủ ban hành hay trình Quốc hội thông qua nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng tạo khung khổ pháp lý cho hoạt động của nền kinh tế trong các lĩnh vực công nghiệp, thương mại, kinh tế đối ngoại... Công tác sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp được thực hiện khẩn trương phù hợp với cơ chế thị trường góp phần vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Công Thương (14/5/1951 – 14/5/2016), để ghi nhận những thành tích xuất sắc của Bộ Công Thương đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển của ngành Công Thương nói riêng, sự phát triển của kinh tế đất nước nói chung, ngày 13 tháng 4 năm 2016, Chủ tịch nước đã ký Quyết định số 750/QĐ-CTN tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh cho Bộ Công Thương.

2. Thủy điện Lai Châu khánh thành sớm hơn một năm so với kế hoạch

Ngày 20/12/2016, tại huyện Nậm Nhùn, tỉnh Lai Châu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức Lễ Khánh thành công trình Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ hoàn thành sớm 01 năm so với Nghị quyết của Quốc hội.

Dự án Thủy điện Lai Châu với tổng mức đầu tư 35.700 tỷ đồng là công trình xây dựng cấp đặc biệt và là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà, gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Nhiệm vụ chính của Dự án là cung cấp điện lên hệ thống điện Quốc gia với sản lượng điện trung bình hàng năm đạt khoảng 4,7 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ và góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Bắc.

Đập bê tông đầm lăn thủy điện Lai Châu có khối lượng 1.886.000m3; chiều cao đập lớn nhất 137m, tốc độ thi công nâng đập theo chiều cao trung bình trên 20m/tháng , lớn nhất 27,9m/tháng. Đây là một trong những đập có tốc độ nâng đập lớn nhất thế giới. Việc thi công bê tông đầm lăn vượt tiến độ đã tạo điều kiện thi công sớm các hạng mục khác, do đó đã sớm tích nước hồ chứa đem lại hiệu ích phát điện cho Thủy điện Lai Châu, Sơn La và Hòa Bình.

Công trình Thủy điện Lai Châu cũng là công trình ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của các cán bộ, kỹ sư, công nhân ngành điện, ngành lắp máy của Việt Nam. Đây là công trình thủy điện đa mục tiêu mang tầm vóc quốc gia đã được các kỹ sư, công nhân Việt Nam tự chủ từ khâu quy hoạch, thiết kế, thi công xây lắp, đồng bộ thiết bị, giám sát, quản lý vận hành.

3. Đẩy mạnh việc kiện toàn công tác cán bộ và triển khai xây dựng cơ cấu tổ chức mới nhằm khắc phục các vấn đề đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận.

Thực hiện kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ ngày 10 tháng 10 năm 2016, Bộ trưởng đã ban hành Chỉ thị số 09/CT-BCT ngày 13 tháng 10 năm 2016 về việc kiện toàn công tác tổ chức cán bộ theo Nghị quyết của Ban cán sự đảng. Trên cơ sở đó, công tác tổ chức cán bộ được đẩy mạnh thực hiện kiện toàn trên cả 3 phương diện: hoàn thiện các quy chế, quy định nội bộ về tiêu chuẩn bổ nhiệm, luân chuyển, đề bạt, đánh giá cán bộ; xây dựng phương án kiện toàn nhân sự và kiện toàn bước đầu các vị trí nhân sự chủ chốt theo phương châm ưu tiên bố trí, sử dụng các cán bộ lãnh đạo trẻ, có năng lực, nhiệt huyết với công việc, dám nghĩ, dám làm, tạo lực lượng nòng cốt trong công tác cán bộ; kiện toàn tổ chức bộ máy phù hợp theo hướng tinh gọn, tránh sự cồng kềnh, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ.

Trên cơ sở tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 95/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ năm 2012 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương, Bộ Công Thương đã thực hiện cải cách một cách quyết liệt, xây dựng Phương án tổ chức bộ máy giảm từ 35 đầu mối đơn vị hành chính, sự nghiệp thuộc Bộ hiện nay xuống chỉ còn 29 đầu mối, cắt giảm 6 đầu mối, hoàn thiện dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 95/2012/NĐ-CP để trình Chính phủ.

Công tác kiện toàn sắp xếp tổ chức bộ máy và kiện toàn đội ngũ cán bộ đã tạo được những hiệu ứng tích cực trong công tác quản lý nhà nước của Bộ thời gian vừa qua, là cơ sở và động lực để Bộ Công Thương và toàn ngành hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch cho giai đoạn sắp tới.

4. Đột phá trong công tác cải cách hành chính: Cổng dịch vụ công trực tuyến tại địa chỉ online.moit.gov.vn vận hành; bãi bỏ và đơn giản hóa nhiều thủ tục hành chính.


Ngày 23/12/2016, Bộ Công Thương khai trương Cổng Dịch vụ công trực tuyến Bộ Công Thương và Dịch vụ công mức độ 4 Dán nhãn năng lượng.

Cổng dịch vụ công trực tuyến của Bộ Công Thương (http://online.moit.gov.vn) khi đưa vào hoạt động sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho doanh nghiệp khi thực hiện khai báo hồ sơ trực tuyến tại Bộ Công Thương,

Việc triển khai Cổng dịch vụ công trực tuyến được người đứng đầu ngành Công Thương - Trần Tuấn Anh đánh giá là một cố gắng lớn của các đơn vị thuộc Bộ, nhằm thực hiện cam kết cải cách thủ tục hành chính mạnh mẽ của Bộ Công Thương đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Với nhận thức coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu, ngày 09 tháng 12 năm 2016, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 4846/QĐ-BCT phê duyệt phương án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý nhà nước năm 2017. Theo đó, Bộ Công Thương sẽ bãi bỏ 15 thủ tục và đơn giản hóa 108 trong tổng số 443 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của Bộ. Đối với lĩnh vực dệt may, ngày 12/10/2016, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư 23/2016/TT-BCT bãi bỏ Thông tư số 37/2015/TT-BCT quy định về mức giới hạn và việc kiểm tra hàm lượng formaldehyt và amin thơm chuyển hóa từ thuốc nhuộm azo trong sản phẩm dệt may.

Riêng đối với lĩnh vực năng lượng, Bộ Công Thương đã tập trung chỉ đạo và đưa ra các giải pháp, hướng tới mục tiêu giảm nhanh số lượng các trường hợp phải làm thủ tục kiểm tra, dán nhãn năng lượng.

Đến thời điểm này, Bộ Công Thương đã hoàn thiện việc nâng cấp dịch vụ công trực tuyến Đánh giá chứng nhận và dán nhãn năng lượng ở mức độ 4. Tại mức độ này, doanh nghiệp xin chứng nhận và dán nhãn năng lượng sẽ không cần đến cơ quan Bộ để nộp hồ sơ mà có thể khai báo hồ sơ trên mạng và việc trả kết quả cũng được thực hiện trực tuyến hoặc gửi qua đường bưu điện cho doanh nghiệp. Đây thực sự là một bước cải cách lớn, giúp doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực này có thể giảm thiểu được thời gian thực hiện thủ tục, tiết kiệm chi phí, công sức và nâng cao hiệu quả hoạt động kinh doanh của mình.

5. Giàn khoan Tam Đảo 05 tự nâng do Việt Nam chế tạo hoàn thành đúng tiến độ và đưa vào hoạt động.

Công trình giàn khoan tự nâng Tam Đảo 05 do Vietsovpetro làm chủ đầu tư và PV Shipyard làm tổng thầu, là công trình cơ khí trọng điểm quốc gia. Đây là giàn tự nâng lớn nhất từ trước đến nay do Việt Nam tự thiết kế và chế tạo. Công trình được thiết kế theo mẫu JU-2000E hiện đại nhất của hãng Friede & Goldman (Mỹ).

Giàn Tam Đảo 05 có tổng khối lượng hơn 18 nghìn tấn, chiều dài thân giàn 167 m, khả năng chất tải 2.995 tấn. Đây là công trình có tính chất công nghệ rất phức tạp, khối lượng thi công lớn (lớn hơn 1,5 lần so với giàn khoan đầu tiên – giàn Tam Đảo 03). Giàn được thiết kế hoạt động ở độ sâu mực nước biển tới 120m, khả năng khoan tới độ sâu 9.000m và có khả năng chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chịu được sức gió bão trên cấp 12, chiều cao sóng 22m. Giàn khoan Tam Đảo 05 có giá trị 230 triệu USD.

Giàn khoan Tam Đảo 05 được thiết kế và chế tạo có tính năng kỹ thuật ưu việt, mang tính thẩm mỹ cao, bố trí thiết bị hợp lý, thuận tiện sử dụng, đáp ứng yêu cầu của chủ đầu tư và đã được Công ty đăng kiểm nổi tiếng thế giới ABS và Đăng kiểm Việt Nam cấp chứng chỉ cho phép đưa vào sử dụng. Việc chế tạo thành công các giàn khoan tự nâng trong nước đã đưa Việt Nam trở thành một số ít quốc gia trên thế giới (khoảng 10 nước) có khả năng tự thiết kế chi tiết, chế tạo, chạy thử giàn khoan tự nâng hoạt động ở vùng biển sâu, khí hậu khắc nghiệt. Các giàn khoan tự nâng Tam Đảo 3, Tam Đảo 5 do PV Shipyard chế tạo có khả năng hoạt động khoan thăm dò ở hầu hết các vùng biển thuộc thềm lục địa Việt Nam; tạo ra bước đột phá, tự chủ về khoa học công nghệ và đóng góp một phần trong việc bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững chủ quyền biển đảo Việt Nam.

6. Sabeco và Habeco niêm yết trên sàn chứng khoán


Ngày 7/9/2016, Văn phòng Chính phủ có công văn số 281/TB-VPCP thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp Thường trực Chính phủ bàn về việc thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn Nhà nước, trong đó có việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco và Sabeco. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, ngày 20/9/2016, Bộ Công Thương đã có Công văn số 8845/BCT-CNN yêu cầu Habeco và Sabeco khẩn trương thực hiện việc niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán theo quy định của pháp luật và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương, Sabeco và Habeco đã triển khai thực hiện việc niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán theo quy định:

- Habeco: đã đăng ký giao dịch cổ phiếu trên sàn Upcom từ ngày 28/10/2016 và đã ký hợp đồng tư vấn niêm yết trên sàn HOSE, dự kiến hoàn thành việc chấp thuận niêm yết vào ngày 20/1/2017;

- Sabeco: đã thực hiên việc niêm yết trên sàn HOSE từ ngày 6/12/2016.

Việc Sabeco với vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng và Habeco với vốn điều lệ 2.318 tỷ đồng và tại thời điểm niêm yết có mức vốn hóa lớn (Sabeco giá tại thời điểm miêm yết 110.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa 70.532 tỷ và Habeco giá tại thời điểm miêm yết 39.000 đồng/cổ phiếu, giá trị vốn hóa 9.040 tỷ) và kinh doanh có hiệu quả, thực hiện niêm yết đã tạo ra hiệu ứng lớn trên sàn chứng khoán.

Đây là bước khởi đầu để thực hiện chủ trương thoái vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại hai doanh nghiệp này (trong đó vốn thuộc sở hữu Nhà nước tại Sabeco là 89% và Habeco là 81%).

7. Pháp lệnh Quản lý thị trường được ban hành

Ngày 8/3/2016, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Quản lý thị trường. Pháp lệnh này là văn bản pháp luật cao nhất từ trước tới nay cho lực lượng quản lý thị trường và là dấu mốc rất quan trọng trong quá trình tổ chức và hoạt động của lực lượng Quản lý thị trường. Pháp lệnh đã nâng cao địa vị pháp lý của Quản lý thị trường phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao là cơ quan nòng cốt trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và tương xứng với các cơ quan, lực lượng khác có cùng chức năng, nhiệm vụ trong công tác phối hợp. Đồng thời, thể chế hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác kiểm tra, giám sát thị trường.

Pháp lệnh quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của quản lý thị trường; hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của quản lý thị trường; cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đối với hoạt động của quản lý thị trường; điều kiện hoạt động và chế độ, chính sách đối với quản lý thị trường nhằm nâng cao địa vị pháp lý của quản lý thị trường; đề cao vai trò, trách nhiệm của quản lý thị trường trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; hướng tới xây dựng lực lượng quản lý thị trường chính quy, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Bên cạnh đó, Pháp lệnh quy định công khai, minh bạch hoạt động kiểm tra, thanh tra chuyên ngành công thương của quản lý thị trường đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và tăng cường cải cách hành chính đối với quy trình kiểm tra của quản lý thị trường góp phần phòng, chống tham nhũng, ngăn ngừa tiêu cực, tùy tiện, lạm quyền trong thực thi công vụ; gây tác động hoặc ảnh hưởng xấu tới hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của tổ chức cá nhân.

Đồng thời, Pháp lệnh có các quy định nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh của tổ chức, cá nhân thông qua việc quy định rõ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra. Những quy định này nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo Hiến pháp và pháp luật và hạn chế tiêu cực trong hoạt động kiểm tra của quản lý thị trường cũng như ngăn chặn các vi phạm pháp luật khác trong quá trình kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trên thị trường góp phần thúc đẩy môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

8. Năm 2016 ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành: tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; xuất khẩu tăng trưởng 8,6%, cán cân thương mại thặng dư 2,68 tỷ USD; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,4%

Năm 2016 ghi nhận nỗ lực vượt qua khó khăn để đạt được các chỉ tiêu của ngành: trong bối cảnh kinh tế thế giới phục hồi chậm và chưa vững chắc, tăng trưởng kinh tế toàn cầu đạt thấp ở mức 3,1% (thấp hơn mức tăng 3,2% của năm 2015); thương mại có mức tăng trưởng thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2009 ở mức 2,3%; giá năng lượng và hàng hóa thế giới giảm; sự gia tăng các bất ổn kinh tế – chính trị của một số khu vực trên thế giới; kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ; khủng hoảng ở EU do vụ việc Brexit và vấn nạn khủng bố đã gây ra sự trì trệ trong hành động của các tập đoàn kinh tế lớn, ảnh hưởng tiêu cực đến đầu tư, thương mại và tăng trưởng kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng; sự sụt giảm tăng trưởng từ nền kinh tế Trung Quốc; nhiều ngành công nghiệp có xu hướng suy giảm tốc độ tăng trưởng; thị trường tài chính, tiền tệ thế giới biến động phức tạp với sự tăng giá của đồng USD, Trung Quốc và nhiều nước trong khu vực giảm giá đồng nội tệ; nhu cầu trên thế giới thấp, xuất khẩu giảm, các nước đều có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa do vậy đã tăng cường sử dụng rào cản thương mại để bảo hộ sản xuất trong nước gây khó khăn nhất định cho hoạt động xuất khẩu nhưng xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng 8,6%, cán cân thương mại thặng dư 2,68 tỷ USD; tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 10,19%; chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,4%.

9. FTA giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực, mở ra những cơ hội lớn cho xuất khẩu và đầu tư của Việt Nam

Hiệp định FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á – Âu (gồm 5 nước LB Nga, CH Belarus, CH Kazakhstan, CH Armenia và CH Kyrgyzstan) được ký kết chính thức ở cấp Thủ tướng Chính phủ, nhân danh Nhà nước vào ngày 29/5/2015 tại thị trấn Burabay, Cộng hòa Kazakhstan. Hiệp định đã có hiệu lực từ ngày 5/10/2016. Việc ký kết và thực thi các cam kết của Hiệp định này được mong đợi sẽ thúc đẩy mạnh mẽ thương mại và đầu tư song phương, đặc biệt là đối với lĩnh vực thương mại hàng hóa, với mức hai bên cam kết mở cửa thị trường hàng hóa chiếm khoảng 90% số dòng thuế, tương đương trên 90% kim ngạch thương mại song phương vào thời điểm ký kết.

Những mặt hàng Viêt Nam dự kiến sẽ có tăng trưởng xuất khẩu mạnh sang Liên minh Kinh tế Á - Âu trong thời gian tới nhờ FTA sẽ bao gồm các mặt hàng thủy sản, dệt may và da giày và nhiều mặt hàng nông sản khác. Đối với mặt hàng thủy sản và thuỷ sản chế biến, Liên minh mở cửa có lộ trình đối với 95% tổng số dòng thuế, tối đa trong 10 năm, trong đó hơn 71% xoá bỏ thuế hoàn toàn ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực, tương đương 100% tổng kim ngạch xuất khẩu trung bình trong 3 năm từ 2010 đến 2012 của Việt Nam vào EAEU. 5% dòng thuế còn lại là các mặt hàng Việt Nam không có thế mạnh xuất khẩu. Điều này giúp dự báo việc xuất khẩu mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang Liên minh nhờ Hiệp định sẽ tăng mạnh mẽ.

Trong thời gian tới, cũng trong khuôn khổ Hiệp định, hai Bên sẽ tiếp tục đàm phán các thỏa thuận hợp tác song phương, tạo thuận lợi cho thương mại như các thỏa thuận trong lĩnh vực vệ sinh an toàn và kiểm dịch động thực vật, các tiêu chuẩn kỹ thuật, trao đổi thông tin hải quan bằng phương pháp điện tử... Đồng thời, những vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định cũng sẽ được hai bên thảo luận khắc phục trong các kỳ rà soát Hiệp định. Kỳ rà soát đầu tiên sẽ được thực hiện sau 3 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, tức là vào khoảng cuối năm 2019.

10. Ban hành Chỉ thị số 11/CT-BCT về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương


Trước nguy cơ ô nhiễm môi trường gia tăng, xảy ra nhiều sự cố ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, đe dọa sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ban hành chỉ thị số 11/CT-BCT ngày 19 tháng 10 năm 2016 về tăng cường công tác bảo vệ môi trường ngành Công Thương.

Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công Thương đã giao trách nhiệm cụ thể cho người đứng đầu các đơn vị trong Bộ phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Bộ, Chính phủ và nhân dân về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực và đơn vị của mình quản lý. Coi trọng phòng ngừa và kiểm soát chặt các nguy cơ ô nhiễm ngay từ khâu lập, phê duyệt dự án, giai đoạn thi công, nghiệm thu, bàn giao và vận hành công trình, gắn trách nhiệm của Nhà thầu với Ban quản lý dự án và chủ đầu tư. Bộ trưởng yêu cầu chính những người đứng đầu các tập đoàn, tổng công ty của ngành phải đứng ra cam kết, đảm bảo mục tiêu bảo vệ môi trường phải được đặt lên hàng đầu. Qua đó, Chỉ thị số 11/CT-BCT đã thể hiện sự quyết tâm của người đứng đầu ngành Công Thương kiên quyết “không đánh đổi môi trường lấy dự án”.

Hưởng ứng lời kêu gọi bảo vệ môi trường từ Chỉ thị, Cổng thông tin điện tử Bộ Công Thương đã tổ chức Cuộc thi "Bảo vệ môi trường ngành Công Thương" diễn ra trong 03 tháng, từ ngày 15/10/2016 đến 15/01/2017. Cuộc thi đã thu hút đông đảo sự quan tâm, chia sẻ và gửi bài tham dự của độc giả trên khắp mọi miền tổ quốc. Độc giả quan tâm đến cuộc thi, xin gửi bài tại đây. 

Theo moit.gov.vn