banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 9-12
Cập nhật lúc 07:47 ngày 09/12/2016

Thêm một "sếp" doanh nghiệp lớn ngành Công Thương đi nước ngoài mất hút”, là bài viết đáng chú ý đăng trên Dân trí.

Bài viết phản ánh ông Lê Trung Dũng, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã xin nghỉ phép, đi việc cá nhân ở nước ngoài hơn 3 tuần nay vẫn chưa về. Hiện nay Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu PVN báo cáo rõ về trường hợp này. Những thông tin ban đầu cho thấy, ông Dũng xin nghỉ phép với lý do cá nhân và đi nước ngoài bằng hộ chiếu phổ thông. Tuy nhiên, việc ông này 3 tuần qua chưa về mà không báo cáo việc kéo dài thời gian nghỉ (ngoài chế độ) là điều rất bất thường và vi phạm quy định của Nhà nước. Hiện không còn thấy tên ông Dũng trên bảng cơ cấu lãnh đạo của PV Power trên trang web của Tổng công ty này.

Dân trí cho biết thêm, ông Dũng được cho là có liên quan trách nhiệm đến những sai phạm trong triển khai dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 1, khi ông này còn làm ở Tổng công ty Cổ phần xây lắp dầu khí (PVC), thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch và ông Vũ Đức Thuận làm Tổng giám đốc. Liên quan đến quản lý nhân sự tại các doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, hiện Bộ Công Thương đã có những động thái siết lại quản lý việc các lãnh đạo Tập đoàn, Tổng công ty đi nước ngoài, công tác. Đồng thời, yêu cầu báo cáo về các trường hợp xin nghỉ ốm hay có những việc cá nhân bất thường.

Bệnh thành tích trong cổ phần hóa cũng là thông tin đáng chú ý được báo chí, dư luận quan tâm. Báo chí phản ánh, dù quá trình cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được các nhà đầu tư quan tâm, nhưng tỷ lệ bán vốn nhà nước quá thấp. Những con số báo cáo thành tích CPH như một kiểu làm hình ảnh. Thực chất tiền vẫn “chôn chân” một chỗ, như Tiền phong đưa tin 5 triệu tỷ đồng “chôn” vào doanh nghiệp nhà nước. Theo các chuyên gia, tỷ lệ bán vốn nhà nước chỉ đạt vài phần trăm (%) không giải quyết được vấn đề; việc chậm CPH có yếu tố còn tư lợi.

Trong kỳ họp Quốc hội (QH) vừa qua, trong khi nhiều ý kiến cho rằng ngân sách đang khó khăn, không có để đầu tư hạ tầng, ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch Công ty Tasco, đại biểu QH tự ứng cử thuộc khối doanh nghiệp (DN) tư nhân có đề nghị bất ngờ: Nguốn vốn Nhà nước còn đến 500 tỷ USD nằm trong các DNNN, nếu dùng để đầu tư không thể gọi là thiếu.

Ông Dũng cho rằng, kết quả CPH chỉ được công bố trên đầu DN được CPH, còn việc Nhà nước rút ra được bao nhiêu tiền - kết quả thực chất hơn lại không lớn. Theo ông, kế hoạch thoái vốn bị chậm có nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do người đứng đầu các tổ chức, đơn vị chưa quyết liệt.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Sabeco, Habeco nằm trong "tầm ngắm" Kiểm toán Nhà nước năm 2017; Điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; Thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Campuchia sắp về 0%; Sẽ cấp quota, mở đường xuất khẩu quặng sắt?. 

Thông tin cụ thể như sau:                                                    

Sabeco, Habeco nằm trong "tầm ngắm" Kiểm toán Nhà nước năm 2017.


Trên nhiều bài báo đưa tin: Kiểm toán Nhà nước vừa có quyết định về kế hoạch kiểm toán năm 2017. Theo đó, năm sau, nội dung kiểm toán sẽ bao gồm việc kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công năm 2016 tại hàng loạt bộ ngành như: Bộ Công Thương, Bộ Tư Pháp, Bộ Y tế… Kiểm toán Nhà nước cũng sẽ thực hiện kiểm toán ngân sách tại 47 tỉnh thành trên cả nước, cũng như kiểm toán công tác quản lý nợ công năm 2016, tình hình cổ phần hoá, quản lý quỹ bình ổn xăng dầu...

Ngoài ra, trong kế hoạch kiểm toán 2017 của Kiểm toán Nhà nước, dự kiến cơ quan này cũng sẽ kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản Nhà nước năm 2016 của Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) và Tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Hiện cả Sabeco và Habeco đã được niêm yết trên thị trường chứng khoán trước khi thực hiện thoái toàn bộ vốn Nhà nước theo đúng kế hoạch đặt ra trước đó của Bộ Công Thương. 

Điều tra 4 vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. 

Ông Lê Văn Nghĩa, phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang, cho biết thanh tra tỉnh phát hiện bốn vụ có dấu hiệu tham nhũng nên đã chuyển hồ sơ sang công an tỉnh điều tra, xử lý. Trong đó nghiêm trọng nhất là vụ ban giám đốc và lãnh đạo các phòng ban Công ty TNHH một thành viên Công trình đô thị Mỹ Tho cố ý làm trái cây thiệt hại kinh tế và chiếm đoạt tiền lãi tiết kiệm của người lao động với tổng số tiền gần 15 tỉ đồng, hiện chỉ mới thu hồi được 1,8 tỉ đồng.

Tại Sở Công Thương Tiền Giang, thanh tra phát hiện giám đốc trung tâm khuyến công và một số cá nhân cơ quan này quyết toán khống 680 triệu đồng; còn Chánh thanh tra sở thiếu tinh thần trách nhiệm, có dấu hiệu cố ý làm trái gây thất thu ngân sách nhà nước 2,2 tỉ đồng.

Thuế nhập khẩu nhiều mặt hàng từ Campuchia sắp về 0%. 

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Nghị định quy định về thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhằm thực hiện Bản thỏa thuận thúc đẩy thương mại song phương Việt Nam và Campuchia. Theo đó, có rất nhiều dòng hàng chính được đề xuất ưu đãi thuế nhập khẩu, riêng đối với lúa gạo và lá thuốc lá khô chỉ được ưu đãi trong hạn ngạch thuế quan tương ứng là 300.000 tấn và 3.000 tấn trong năm 2017. Hạn ngạch từ năm 2018 trở đi sẽ được hai bên thỏa thuận sau.

Theo bản thỏa thuận được ký vào ngày 26/10 vừa qua, Việt Nam sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0% đối với 29 mặt hàng nhập vào thị trường Campuchia gồm sữa và kem, tinh bột sắn, sản phẩm thịt, chế phẩm từ gạo, bánh kẹo, sơn, sản phẩm nhựa, giấy, gốm sứ, sắt thép và sản phẩm sắt thép. Đổi lại, có 39 mặt hàng của Campuchia được nhập vào Việt Nam hưởng thuế nhập khẩu 0%, trong đó, phần lớn là nông sản nguyên liệu.

Sẽ cấp quota, mở đường xuất khẩu quặng sắt? 

Ngày 2/12/2016, Bộ Công Thương đã ban hành công văn số 111609 yêu cầu UBND các tỉnh có mỏ quặng sắt và titan, Hiệp hội Thép Việt Nam, Hiệp hội Titan Việt Nam rà soát tổng hợp báo cáo số lượng, chủng loại quặng sắt, quặng titan tồn kho đến ngày 30/1/2016 để có cơ sở đưa ra giải pháp xuất khẩu.Trước đó, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ về việc triển khai nhiệm vụ Nghị quyết phiên họp Chính phủ tháng 10/2016, trong đó yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương có biện pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn, lưu ý giải pháp xuất khẩu quặng sắt, titan tồn kho.

Theo các chuyên gia trong ngành, việc xuất khẩu quặng lậu từ lâu đã là vấn đề từng có nhiều tranh luận, vì thế chính quyền các tỉnh và Bộ Công Thương cũng cần đánh giá chính xác hơn lượng tồn kho của các công ty khai khoáng để ban hành chính sách phù hợp, hạn chế thất thoát tài nguyên, đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)