banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 02/12
Cập nhật lúc 05:08 ngày 02/12/2016

Kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao liên quan đến vụ Trịnh Xuân Thanh vẫn là tâm điểm chú ý của dư luận chiều qua và sáng nay 02/12. Trên trang nhất các báo lớn như Tiền phong, Tuổi trẻ, Dân trí, Thanh niên, Vietnamnet... 02/12 đưa tin đậm nét về vụ việc này. 

Ủy ban Kiểm tra (UBKT) trung ương vừa xem xét, xử lý và đề nghị thi hành kỷ luật đối với nhiều lãnh đạo, nguyên lãnh đạo thuộc tỉnh ủy Hậu Giang, Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức Trung ương.

Về trách nhiệm của lãnh đạo tỉnh Hậu Giang, theo UBKT T.Ư, cả nguyên Bí thư Huỳnh Minh Chắc và Bí thư Trần Công Chánh nhiệm kỳ 2010-2015 đều có vi phạm trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, thực hiện chưa nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong sinh hoạt của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và chỉ đạo Công an tỉnh cấp biển số xe công cho xe tư nhân để ông Trịnh Xuân Thanh lưu thông trái quy định.

Về trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Nội vụ, khiển trách đối với bà Trần Thị Hà, Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Trưởng Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương; Thứ trưởng Trần Anh Tuấn các vi phạm, khuyết điểm chưa đến mức phải thi hành kỷ luật, yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục; UBKT T.Ư đề nghị Ban Bí thư xem xét xử lý đối với ông Nguyễn Duy Thăng theo Quy định số 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp T.Ư về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng.

UBKT T.Ư cũng kết luận, tập thể Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ nhiệm kỳ 2011-2016 có các vi phạm, khuyết điểm như không kịp thời sửa đổi, bổ sung Quy chế làm việc của Ban cán sự đảng theo quy định của Bộ Chính trị; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, dẫn đến vi phạm, khuyết điểm trong việc thẩm định, cho ý kiến về tuyển dụng, bổ nhiệm ngạch, xếp lương công chức và đề nghị phê chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho ông Trịnh Xuân Thanh; thẩm định đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho Tổng Công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và ông Trịnh Xuân Thanh. Bên cạnh đó, chưa kịp thời chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị trong Bộ tham mưu, đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi, bổ sung, ban hành một số quy định về công tác cán bộ và công tác thi đua, khen thưởng.

​“Những khuyết điểm, vi phạm nêu trên đã ảnh hưởng đến vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự đảng và của Bộ Nội vụ. UBKT T.Ư yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ Nội vụ tổ chức kiểm điểm nghiêm túc, sâu sắc và có biện pháp khắc phục kịp thời”, UBKT T.Ư nêu rõ.

Thông tin 90% nông sản Việt xuất khẩu phải “mượn danh” đăng trên mục Kinh tế các báo Tiền phong; Thời báo kinh doanh cũng gây được sự chú ý của dư luận. Các báo đưa tin: Kết quả điều tra của các cơ quan chức năng cho thấy, tới 90% lượng nông sản Việt Nam xuất khẩu dưới nhãn hiệu của nước ngoài. Chỉ khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký xác lập, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Dù Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất, xuất khẩu gạo, cà phê, tiêu... hầu như địa phương nào cũng có những đặc sản nổi tiếng gắn liền với các địa danh, nhưng vẫn còn nhiều nhà sản xuất, doanh nghiệp, tổ chức và địa phương chưa quan tâm đến bảo hộ sở hữu trí tuệ, rất ít nhãn hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam đạt được uy tín ở tầm quốc tế.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Cấp phép cho Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn xả thải ra biển; Lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại; Giá mua điện gió sắp được điều chỉnh tăng; Bình Phước: Công ty điện lực vay tiền người dân 16 năm chưa hoàn trả.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                         

1. Cấp phép cho Công ty lọc hóa dầu Nghi Sơn xả thải ra biển. 

Thông tin trên Tuổi trẻ cho biết, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, vừa ký quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn xả 241.428m3 nước thải trong 6 tháng ra vùng biển ven bờ xã Hải Yến.

Quyết định cũng nêu: UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu chất lượng nước thải phải đảm bảo giá trị các thông số ô nhiễm được phép xả thải vào nguồn nước không vượt quá giá trị tối đa cho phép.

Theo GS Trần Hiếu Nhuệ - viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường, phải giám sát bằng quan trắc chất lượng nước thải và phải quan trắc tự động có truyền số liệu về Sở TNMT để kịp thời phát hiện nếu chất lượng nước thải không đạt yêu cầu.

Tuy nhiên hiện nay cơ quan quản lý chưa có biện pháp nào giám sát độc lập thay vì chờ doanh nghiệp tự quan trắc rồi báo cáo kết quả.

2. Lập 5 đoàn kiểm tra phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại. 

Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc giavừa ký ban hành Kế hoạch triển khai các Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả năm 2016. Thời gian triển khai từ nay đến trước ngày 30-12. Mục đích kiểm tra nhằm đánh giá tình hình, kết quả công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong năm 2016 tại một số đơn vị, địa phương.

3. Giá mua điện gió sắp được điều chỉnh tăng. 

Giá mua điện gió - nút thắt lớn nhất trong việc phát triển điện gió của Việt Nam có thể sẽ được tăng lên vào cuối tháng này hoặc đầu 2017.

Thông tin từ Vụ Năng lượng mới và Năng lượng tái tạo, Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương, phương án tăng giá mua điện gió đã được Bộ trình Thủ tướng vào tháng 11 vừa qua. Dự kiến cuối năm nay hoặc chậm nhất đầu năm sau, giá mua điện gió mới sẽ được thông qua, nhằm khích lệ các nhà đầu tư và các ngân hàng tham gia nhiều hơn vào lĩnh vực này.

Cùng với tăng giá mua điện, Bộ Công Thương cũng đã đề ra chiến lược giúp giảm chi phí đầu tư cho điện gió. Cơ quan này cho rằng cần tăng nội địa hóa cho đầu tư điện gió.

4. Bình Phước: Công ty điện lực vay tiền người dân 16 năm chưa hoàn trả. 

Theo phản ánh của người dân xã Thanh An ((huyện Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước), cách đây 16 năm, họ được chính quyền xã lúc bấy giờ tuyên truyền, vận động cùng nhau góp tiền cho Công ty Điện lực Bình Long vay để xây dựng đường điện. Mỗi hộ dân đã góp từ 1 - 1,2 triệu đồng. Công ty này cam kết sẽ hoàn trả tiền hoặc khấu trừ vào tiền điện cho bà con. Tuy nhiên, từ đó đến nay, người dân chưa được nhận lại tiền từ công ty này. Những băn khoăn, bức xúc về khoản tiền này vẫn dai dẳng đối với người dân nơi đây.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)