banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 01/12
Cập nhật lúc 08:02 ngày 02/12/2016

Vinacomin phải báo cáo Thủ tướng việc làm kỷ niệm chương 640.000 đồng cho công nhân” là thông tin nóng trên báo chí ngày hôm nay 01/12.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được thư phản ánh việc Vinacomin chi tiêu vào việc đúc logo kỷ niệm ngày truyền thống thợ mỏ một cách lãng phí, vi phạm Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, gây dư luận không tốt trong cán bộ, công nhân ngành than.


Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam kiểm tra, báo cáo trung thực, chính xác chi phí cho việc làm quà tặng nhân kỷ niệm 80 năm Ngày truyền thống thợ mỏ.

 Theo yêu cầu của Thủ tướng, Vinacomin báo cáo trung thực, chính xác chi phí cho việc làm quà tặng nêu trên và xử lý nghiêm đối với tập thể, cá nhân có sai phạm. Đồng thời, Vinacomin cũng được yêu cầu báo cáo phương án tái cơ cấu, tiết kiệm chi phí, thực tế lượng than tồn kho và việc đảm bảo đời sống cho cán bộ, công nhân mỏ.... Các báo cáo này Vinacomin phải hoàn thành trước ngày 15/12/2016.

Trên mạng xã hội, hầu như các ý kiến đều đồng tình với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và cho rằng xã hội giờ diễn biến rõ nét quá, lộ quá nên dân bức xức và hoài nghi nhiều cũng là thường tình. Mong chính phủ đừng bỏ sót con "voi" nào có thể chui qua lỗ kim. Chi tiêu lãng phí như vậy lấy tiền đâu ra? Công nhân than cùng cực lắm, thợ mỏ mà!...

Nhiều ý kiến cho rằng việc đúc logo kỷ niệm ngày truyền thống thợ mỏ của Vinacomin như vậy là rất lãng phí, không thiết thực, thưởng tiền cho công nhân trong lúc khó khăn là ý nghĩa nhất. Những biểu tượng đó sẽ không có ý nghĩa gì nếu như đời sống công nhân khó khăn.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương siết chặt khuyến mại ảo ngày Online Friday; Bộ Công Thương đưa thép Cà Ná của Hoa Sen vào quy hoạch; Tập trung ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu; Gỡ khó cho Dự án xây Trạm biến áp 110kV huyện Phú Xuyên.

 Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Bộ Công Thương siết chặt khuyến mại ảo ngày Online Friday.

Dù sự kiện chưa chính thức bắt đầu, nhưng Ban tổ chức đã mạnh tay loại hơn 40.000 trong tổng số 280.000 sản phẩm đăng ký. Nguyên nhân được xác định là do những sản phẩm này được báo giá cao hơn giá thường ngày, không thể đưa vào chương trình khuyến mại.

Rút kinh nghiệm từ 2 lần tổ chức trước, lần này Ban tổ chức đã đặt thời hạn cho các doanh nghiệp chốt giá 1 tuần trước sự kiện.

Bên cạnh Ban tổ chức, các sàn giao dịch tham gia Online Friday năm nay cũng không đứng ngoài động thái này. Các biện pháp của họ có phần cứng rắn hơn, khi loại thẳng các doanh nghiệp có dấu hiệu vi phạm chứ không chỉ loại sản phẩm.

2. Bộ Công Thương đưa thép Cà Ná của Hoa Sen vào quy hoạch.


Bộ Công Thương đang dự thảo Quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035. Tại danh mục dự kiến các dự án trong quy hoạch ngành thép Việt Nam giai đoạn đến năm 2025 định hướng đến năm 2035, có tên dự án thép Cà Ná của Tập đoàn Hoa Sen.

Thực tế, Theo quyết định số 3516/QĐ-BCT của Bộ Công Thương ngày 25/8/2016, Dự án “Khu liên hợp luyện cán thép Hoa Sen Cà Ná - Ninh Thuận” được bổ sung vào Quy hoạch phát triển hệ thống sản xuất và hệ thống phân phối thép giai đoạn 2020 xét đến 2025. Điều này này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ của dư luận dù chưa chính thức được cấp phép đầu tư.

Nay Bộ Công Thương tiến hành xây dựng một dự thảo quy hoạch thép hoàn toàn mới, vẫn có tên của dự án thép Cà Ná của Hoa Sen là điểm đáng chú ý cho “số phận” của dự án gây nhiều tranh cãi này.

Theo Bộ Công Thương, quá trình rà soát Quy hoạch cho thấy, đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

3. Tập trung ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.

Trên nhiều bài báo đưa tin: Theo thông tin từ Bộ Công Thương, trong 10 tháng năm 2016, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra trên 145.000 vụ buôn bán kinh doanh, phát hiện và xử lý gần 88.000 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 523 tỷ đồng. Trong đó, nóng nhất là về lĩnh vực an toàn thực phẩm và phân bón.

Thời gian qua thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các cơ quan, lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp ngăn chặn, hạn chế tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Chống hàng giả, hàng nhái là trong một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Vì vậy, trong thời gian tới, cần có hành động thiết thực, nói đi đôi với làm, không chấp nhận bất kỳ hành vi nào tiếp tay, bảo kê cho các vi phạm, bảo vệ doanh nghiệp chân chính.

4. Gỡ khó cho Dự án xây Trạm biến áp 110kV huyện Phú Xuyên.

Báo Tiền phong 01/12 có bài viết phản ánh: Hiện nay, điện ở Phú Xuyên thường xuyên bị cắt, không ổn định do phụ thuộc vào các trạm biến áp (TBA) trung gian. Do đó, việc xây dựng TBA 110kV Phú Xuyên là vô cùng bức thiết, tuy nhiên dự án đang vấp phải sự phản đối của một số hộ dân.

Tổng Công ty Điện lực thành phố Hà Nội (EVN HANOI) dự kiến sẽ xây dựng mới trên địa bàn huyện Phú Xuyên 3 TBA 110kV. TBA 110kV Phú Xuyên là dự án xây dựng mới đầu tiên được phê duyệt (dự kiến khởi công trong tháng 7/2016) với tổng mức đầu tư 279,3 tỷ đồng, bằng vốn vay thương mại. Tuy nhiên, vẫn đang có 12 hộ dân thuộc tiểu khu Mỹ Lâm, thị trấn Phú Xuyên không có trong danh sách bồi thường giải phóng mặt bằng của dự án xây dựng trạm, kiến nghị về việc xây dựng TBA ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)