banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp tin công nghiệp và thương mại ngày 29/11
Cập nhật lúc 11:20 ngày 30/11/2016

Trên các mục kinh tế của các báo trong ngày hôm nay (29/11) đưa khá dày về thông tin có thể thay thế xăng A92 bằng E5 vào giữa năm 2017. Việc thay thế xăng khoáng Ron92 bằng E5 đang được thực hiện từ từ theo lộ trình và tiến đến mục tiêu thay thế hoàn toàn vào thời điểm thích hợp, dự kiện khoảng tháng 6/2017. Đây là lộ trình được Bộ Công Thương đưa ra từ trước và đang nỗ lực thực hiện. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh E5 đang gấp rút tiến hành rà soát tình hình thực hiện lộ trình, kiến nghị giải pháp cũng như khắc phục khó khăn trong thời gian tới.


Siết ô tô nhập khẩu là thông tin cũng được nhiều cơ quan báo chí đăng tải. Bộ Tài chính vừa có văn bản chỉ đạo ngành thuế và hải quan trên cả nước tiếp tục tăng cường quản lý đối với ô tô nhập khẩu nhằm chống buôn lậu, gian lận thương mại.

Theo đó, với ô tô nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) tại thời điểm làm thủ tục hải quan, cơ quan hải quan phải kiểm tra chặt, đối chiếu tính hợp lệ, mẫu dấu, chữ ký của C/O để làm thủ tục. Trường hợp có nghi vấn cần trưng cầu giám định chữ ký, mẫu C/O, hoặc gửi văn bản, email trao đổi với nước cấp xuất xứ để xác minh nguồn gốc xe. Ngoài ra, cơ quan hải quan cần kiểm tra mã VIN từng xe, nếu có dấu hiệu tẩy xóa, đóng mã số mới cần trưng cầu giám định. Với xe đã thông quan trước ngày 28/11/2016, nhưng không xuất trình C/O cùng thời điểm nhập khẩu cần kiểm tra sau thông quan về nguồn gốc, xuất xứ xe.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Giá rẻ, thiếu cạnh tranh, điện tái tạo Việt Nam khó bứt phá; Kiểm tra chặt chẽ xuất xứ ôtô nhập khẩu; Xử lý trên 60 tỉ đồng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng; Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo.

Thông tin cụ thể:

1. Giá rẻ, thiếu cạnh tranh, điện tái tạo Việt Nam khó bứt phá. 

Theo ý kiến các chuyên gia, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng cho thị trường điện tái tạo, song hiện trạng khai thác thực tế vẫn còn rất khiêm tốn. Hiện ta đã khai thác tốt thuỷ điện, song còn thiếu cơ chế chính sách hút các dự án điện tái tạo khác do giá thành điện mua thương phẩm quá thấp, không có lợi cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, trong bối cảnh năng lượng hoá thạch dần cạn kiệt, điện hạt nhân khó có thể phát triển trong một sớm một chiều thì vấn đề cấp bách hiện nay là phải xây dựng cơ chế để Việt Nam có nhiều nhà đầu tư, nhiều kWh điện tái tạo mà thế giới đã, đang khai thác rất tốt.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho hay, hiện thị trường phát điện của Việt Nam đã hoạt động được nhiều năm song chưa cạnh tranh, hiện mới chỉ bán cho 1 đơn vị là EVN. Chính vì thế, chúng ta đang thiếu nền tảng của thị trường cạnh tranh nên khó thu hút đầu tư phát triển.    

2. Kiểm tra chặt chẽ xuất xứ ôtô nhập khẩu. 

Trước tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại đối với ôtô nhập khẩu gây thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính giao cơ quan hải quan kiểm tra xuất xứ đối với ôtô nhập khẩu. 

Cụ thể cơ quan hải quan phải kiểm tra, đối chiếu các quy định về tính hợp lệ, mẫu dấu, chữ ký của giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để làm thủ tục. Cơ quan hải quan có trách nhiệm tăng cường trao đổi thông tin về nguồn gốc xuất xứ và tiêu chuẩn xe với cơ quan đăng kiểm có liên quan. Ngoài kiểm tra C/O, Bộ Tài chính cũng giao cơ quan hải quan tăng cường quản lý về trị giá tính thuế đối với ôtô nhập khẩu. Trong quá trình làm thủ tục thông quan đối với ôtô nhập khẩu, cơ quan hải quan có trách nhiệm kiểm tra chặt chẽ về trị giá khai báo và phải được tham vấn giá ngay trong quá trình làm thủ tục hải quan...  

3. Xử lý trên 60 tỉ đồng các cơ sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. 

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, kết quả 9 tháng đầu năm 2016, lực lượng Quản lý thị trường đã kiểm tra 4.542 vụ, phát hiện, xử lý 1.434 vụ vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính các cở sở sản xuất phân bón giả, kém chất lượng... với số tiền 60,57 tỉ đồng.

Để tăng cường các biện pháp ngăn chặn những hành vi trên từ cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón. Theo các quy định này, chất lượng phân bón vô cơ sẽ được kiểm soát chặt hơn từ đầu nguồn, tại khâu sản xuất, nhập khẩu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 202/2013/NĐ-CP nhằm điều chỉnh những quy định còn hạn chế trong quản lý phân bón thời gian qua. Dự kiến trình Chính phủ trong năm 2016../.

4. Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương xem xét bãi bỏ Quy hoạch thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo. 

Văn phòng Chính phủ có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về việc đánh giá tình hình việc thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04/11/2010 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.

Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương, các Bộ ngành có liên quan và VFA theo chức năng, nhiệm vụ, rà soát các văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định trên và chủ động sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP theo quy định, báo cáo Chính phủ trong Quý II/2017.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ NNPTNT nông thôn, các cơ quan liên quan đánh giá kết quả thực hiện Lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ thóc, gạo của thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo giai đoạn 2015 - 2020.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)