banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 24/11
Cập nhật lúc 06:15 ngày 24/11/2016

Sáng 23/11, Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV đã chính thức bế mạc, khép lại sau hơn một tháng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy trách nhiệm. Báo chí, truyền thông trong nước đánh giá Kỳ họp thứ hai đã “mổ xẻ” nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước.

Phát biểu bế mạc, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Các đại biểu (ĐB) QH đã tích cực thảo luận với tinh thần trách nhiệm cao, thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập của đất nước. Theo Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, tại kỳ họp, QH đã quyết định và thông qua các nghị quyết về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, kế hoạch tài chính 5 năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

Ngoài ra, với sự xem xét thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng, QH đã quyết định dừng thực hiện dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận.

Về phiên chất vấn, trả lời chất vấn, bà Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết những nhóm vấn đề được QH lựa chọn là xác đáng, phù hợp thực tế; được cử tri, dư luận xã hội cả nước quan tâm, đánh giá cao. Các vị bộ trưởng trả lời thẳng vào vấn đề được hỏi, giải trình nhiều vấn đề, đưa ra giải pháp và hướng khắc phục những hạn chế, bất cập. Thủ tướng Chính phủ đã trả lời trực tiếp các câu hỏi của ĐBQH, đồng thời giải trình làm rõ những vấn đề thuộc trách nhiệm điều hành chung của Chính phủ.

Thông tin về “cải tổ bộ máy Bộ Công Thương” cũng nóng trên báo chí trong ngày. Ngay khi Bộ Công Thương triển khai phương án lấy ý kiến kiện toàn cấu trúc, tinh giản bộ máy sau những lùm xùm về nhân sự, nhiều chuyên gia đánh giá cao nhưng vẫn còn kỳ vọng rất nhiều từ Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh.

Nhiều tờ báo đưa tin, bình luận và dẫn lời nhận xét, đánh giá của các chuyên gia như ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), ông Nguyễn Văn Nam – Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại... Ông  Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT TƯ cho biết: “Tôi thấy việc Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thực hiện kiện toàn cấu trúc, tinh giản bộ máy là tin mừng, hoan nghênh Bộ trưởng Trần Tuấn Anh”. 

“Cơ hội để Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thể hiện bản lĩnh”, tờ Vietnamnet đã nhận định như vậy về cuộc cải tổ bộ máy lần này của Bộ Công Thương, đồng thời cũng cho rằng “Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đang ở tình thế không thể chậm trễ hơn để cải tổ BộCông Thương”.

Theo nội dung bài viết, hàng loạt bê bối về công tác cán bộ và bộ máy hoạt động bất ổn của bộ này dưới thời Bộ trưởng tiền nhiệm đã trở thành một gánh nặng. 

Khi phiên chất vấn tại Quốc hội mới kết thúc, ngay lập tức Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã sớm công bố trên mạng nội bộ một đề án mới về công tác cải tổ mạnh mẽ bộ máy hoạt động theo tinh thần chung xây dựng Chính phủ: Hành động - Kiến tạo, Hiệu quả và Liêm chính. Theo kế hoạch, tiến trình cải tổ bộ máy sẽ theo hướng từ 35 đầu mối cục, vụ, viện và tương đương xuống còn 28 đơn vị.

Tờ Vietnamnet nhấn mạnh rằng, giờ còn quá sớm để biết kết quả cuộc cải tổ này như thế nào, nhưng chắc chắn một điều, đây là cơ hội vàng để Bộ trưởngTrần Tuấn Anh ghi điểm.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Bộ Công Thương lên tiếng về việc đưa Tân Hiệp Phát trở thành “Thương hiệu quốc gia”; Logistics Việt Nam còn “hổng” từ doanh nghiệp đến hạ tầng; Tác động của hàng loạt chính sách, ôtô nhập đã giảm mạnh

Thông tin cụ thể như sau:                                                        

1. Bộ Công Thương lên tiếng về việc đưa Tân Hiệp Phát trở thành “Thương hiệu quốc gia”. Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp thời gian vừa qua có nhiều lùm xùm liên quan đến phản ánh về chất lượng sản phẩm và cách doanh nghiệp này xử lý các khủng hoảng truyền thông. Công ty này có tên tại danh sách DN thực phẩm, đồ uống đạt Thương hiệu Quốc gia Việt Nam Value 2016 được công bố chiều 23/11 tại Bộ Công Thương. Một số phóng viên đã đặt câu hỏi liệu Tân Hiệp Phát có đạt đủ tiêu chí?

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, qua quá trình điều tra của cơ quan công an, vấn đề của Tân Hiệp Phát đã được giải quyết và cơ bản không có vấn đề gì.

Bổ sung thêm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, “Không phải doanh nghiệp đạt Thương hiệu quốc gia thì tất cả sản phẩm của doanh nghiệp đó đều là Thương hiệu quốc gia”. Ở kỳ xét chọn này, Tân Hiệp Pháp chỉ có 2 sản phẩm đạt Thương hiệu Quốc gia đó là Trà thảo mộc Dr. Thanh và Trà xanh 0 độ.

2. Logistics Việt Nam còn “hổng” từ doanh nghiệp đến hạ tầng. Một báo cáo từ Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương gần đây đã mô tả “bức tranh” kém sáng sủa về ngành logistics Việt Nam hiện nay.Mạnh về số lượng nhưng yếu về thị phần và năng lực. Đa phần là doanh nghiệp nhỏ và vừa, vốn ít và thiếu cơ sở vật chất, hoạt động trong một phân khúc đơn lẻ. Nhiều hạn chế trong liên kết giữa doanh nghiệp xuất nhập khẩu và doanh nghiệp logistics. Năng lực cạnh tranh yếu, chi phí logistics thuộc loại cao trong khu vực...

Để phát triển năng lực cạnh tranh của các công ty cung cấp dịch vụ logistics, phấn đấu đến 2020 đứng trong top 4 ASEAN, top 50 thế giới về LPI, tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2016 lần thứ 4 vừa được tổ chức tại Tp.HCM, chủ tịch VLA Lê Duy Hiệpcho biết cần một cơ chế quản lý liên ngành về logistics, đồng thời đề xuất nâng cấp “Ủy ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN - một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại - giao lưu hàng hóa qua biên giới” thành “Ủy ban logistics và tạo thuận lợi hóa thương mại quốc gia”.

Một số đại biểu tại diễn đàn cũng đưa ra kiến nghị thành lập ủy ban phối hợp về logistics quốc gia Việt Nam, gồm đại diện cấp cao của nhiều bộ ngành và Chính phủ. 

3. Tác động của hàng loạt chính sách, ôtô nhập đã giảm mạnh. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan về số lượng hàng hóa nhập khẩu trong tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2016, cả nước nhập khẩu hơn 86.800 xe ô tô nguyên chiếc, đạt giá trị 1,9 tỷ USD, giảm 1.100 chiếc so với cùng kỳ 10 tháng của năm 2015 và giảm 400 triệu USD giá trị so với con số 2,3 tỷ USD nhập khẩu 10 tháng đầu năm 2015.

Theo đại diện Tổng cục Hải quan, nguyên nhân khiến lượng ô tô giảm là do điều tiết của hàng loạt các chính sách đã và đang ảnh hưởng lớn đến thị trường nguồn cung và thị trường tiêu thụ. Cụ thể, trong năm 2016, thị trường ô tô Việt Nam khá xáo trộn bởi tác động của các chính sách thuế và quy định của luật phát. Ngày 1/7/2016, chính sách thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) của Việt Nam đã thay đổi. Ngoài chính sách thuế TTĐB được điều chỉnh ảnh hưởng đến thị trường ô tô, trong năm 2016, thị trường ô tô còn chịu tác động cộng hưởng từ việc tranh cãi duy trì hay xóa bỏ Thông tư 20.

4. Về tuyên bố của Tổng thống đắc cử Donald Trump về Mỹ sẽ từ bỏ TPP. Trước thông tin Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump tuyên bố sẽ rút Mỹ khỏi TPP trong ngày đầu tiên nhậm chức, hầu hết ý kiến chuyên gia đều cho rằng, trong tình huống đó, ngành nông nghiệp Việt Nam sẽ thêm thời gian chuẩn bị cho hội nhập quốc tế. Việc xuất khẩu sang Mỹ có thể khó khăn hơn, nhưng không hẳn là sẽ “hết lối”.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)