banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 16/11
Cập nhật lúc 06:50 ngày 17/11/2016

Các nội dung chất vấn đại biểu Quốc hội của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà vẫn nóng trên các báo ra ngày 16/11.

Đánh giá về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh – người đầu tiên trả lời chất vấn tại Quốc hội khóa XIV, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét “Bộ trưởng tuy mới nhận nhiệm vụ và lần đầu trả lời nhưng nắm rất chắc tình hình, thẳng thắn, trả lời lưu loát, trôi chảy, làm rõ các vấn đề đại biểu nêu và hướng khắc phục. Tuy nhiên một số nội dung chưa làm rõ biện pháp khắc phục, chắc là một số đại biểu cũng chưa thỏa đáng”. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh có báo cáo, trả lời cụ thể các vấn đề mà đại biểu nêu, gồm: rà soát các quy hoạch liên quan đến môi trường, đặc biệt là dự án thép Cà Ná; trách nhiệm các bộ, ngành liên quan trong quá trình làm các dự án thua lỗ; tổng rà soát các quy trình công tác tổ chức xả lũ, chấn chỉnh ngay việc xả lũ đúng quy trình nhưng vấn gây hại cho người dân...

Theo đánh giá của đại biểu Quốc hội cũng như dư luận, báo chí Bộ trưởng Trần Tuấn trả lời nhiều vấn đề nóng của ngành Công Thương thẳng thắn, không né tránh, không ngại trả lời vấn đề được coi là “nhạy cảm”. 

Liên quan đến nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, bên lề Kỳ họp Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết Ban Cán sự Đảng Chính phủ sẽ họp để xem xét các vấn đề liên quan đến quy trình xử lý kỷ luật đối với ông Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương. Báo chí dẫn lời ông Mai Tiến Dũng : “Bộ Nội vụ đã báo cáo, đề xuất các phương án xử lý nhưng phải bàn, chưa quyết được. Phải cùng thảo luận để thống nhất phương án báo cáo Ban Bí thư, Bộ Chính trị chứ không thể nói bây giờ là cách chức được, rất nhiều khả thi”.

Sáng nay 16-11, tiếp tục phiên chất vấn tại Quốc hội, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Trần Hồng Hà tiếp tục trả lời gần 30 câu hỏi chất vấn của các đại biểu vào chiều qua (15/11), trong đó nóng nhất là những vấn đề liên quan đến sự cố môi trường biển 4 tỉnh miền Trung do hoạt động xả thải của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Nếu không làm thép sẽ tạo ra nhập siêu lớn; Bộ Công Thương được giao quản lý đăng ký giá sữa; Công ty đa cấp sẽ phải trả hoa hồng, tiền thưởng qua ngân hàng; Bộ Công Thương đình chỉ công tác ông Vũ Đình Duy vì đi nước ngoài từ 22/10 chưa về; Úc kết luận nhôm ép của Việt Nam có bán phá giá. 

Thông tin cụ thể:

1. Nếu không làm thép sẽ tạo ra nhập siêu lớn. Báo chí đưa tin: Bộ Công Thương vừa có báo cáo về tình hình sản xuất thép và dự báo thị trường thép trong thời gian tới. Theo đó, Bộ Công Thương đánh giá cả thế giới đang đối mặt với nguy cơ khủng hoảng thép. Đến năm 2020, Việt Nam cần bổ sung thêm khoảng 6 triệu tấn công suất thép phôi xây dựng có quy mô lớn, để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng trong nước. Quá trình rà soát quy hoạch cho thấy đến năm 2020 cả nước sẽ thiếu hụt khoảng 15 triệu tấn thép thô, đến năm 2025, thiếu hụt sẽ vượt mức 20 triệu tấn thép thô, nhập siêu ngành thép sẽ ngày càng trầm trọng hơn.

Bộ Công Thương nêu quan điển: “Vấn đề mấu chốt là các dự án thép phải thực hiện nghiêm túc việc đầu tư, từng khâu công nghệ, cũng như toàn nhà máy phải có đầy đủ thiết bị xử lý ô nhiễm môi trường, người vận hành phải tuân thủ đúng quy trình vận hành mà công nghệ đã đặt ra. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước phải tăng cường máy móc thiết bị để giám sát chặt chẽ các hoạt động xả thải, xử lý chất thải, tránh tình trạng chất thải chưa xử lý triệt để đã thải ra môi trường".

2. Bộ Công Thương được giao quản lý đăng ký giá sữa. Trên nhiều bài viết đưa tin, Chính phủ đã ban hành Nghị định 149 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 177 quy định chi tiết về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá.Theo đó, từ năm 2017, Bộ Công Thương sẽ đảm nhận chức năng quản lý giá với mặt hàng này thay cho Bộ Tài chính.

Theo Nghị định 149 vừa được Chính phủ ban hành, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết mặt hàng: Phân đạm urê; phân NPK. Bộ Y tế chịu trách nhiệm hướng dẫn chi tiết mặt hàng thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương hướng dẫn chi tiết mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.  

3. Công ty đa cấp sẽ phải trả hoa hồng, tiền thưởng qua ngân hàng. Theo dự thảo Nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp vừa được Bộ Công Thương đưa ra lấy ý kiến, các doanh nghiệp sẽ phải trả hoa hồng, tiền thưởng cho người tham gia qua chuyển khoản thay vì nhận tiền mặt như trước đây. Dự thảo Nghị định cũng bổ sung nhiều quy định nhằm minh bạch hóa thông tin của doanh nghiệp bán hàng đa cấp.

Theo đó, dự thảo cũng bổ sung quy định bảo đảm khả năng kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp.Doanh nghiệp cũng phải có đường dây nóng để giải đáp thắc mắc, khiếu nại của nhà phân phối và người tiêu dùng, phải xuất hóa đơn bán hàng cho từng nhà phân phối, khách hàng để đảm bảo quyền lợi của nhà phân phối, khách hàng trong trường hợp có yêu cầu doanh nghiệp mua lại hàng, trả lại tiền. Yêu cầu thanh toán hoa hồng, tiền thưởng thông qua chuyển khoản...

4. Bộ Công Thương đình chỉ công ông Vũ Đình Duy vì đi nước ngoài từ 22/10 chưa về. Trên hầu hết các báo ra trong ngày đưa tin: Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 4518/QĐ-BCT tạm đình chỉ công tác đối với ông Vũ Đình Duy, thành viên Hội đồng thành viên Tập đoàn Hoá chất Việt Nam, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex). Theo báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, báo cáo của Tổ công tác của Bộ Công Thương, ông Vũ Đình Duy, đã vắng mặt tại cơ quan kể từ ngày 24/10 đến nay. Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an cũng cho biết, ông Vũ Đình Duy đã xuất cảnh từ ngày 22/10/2016 và chưa nhập cảnh trở lại.

Ông Vũ Đình Duy đã vi phạm nghiêm trọng kỷ luật lao động và vi phạm quy định về quản lý việc đi nước ngoài. Để xem xét và xử lý các vi phạm của ông Vũ Đình Duy, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 4510/QĐ-BCT ngày 14 tháng 11 năm 2016 về việc thành lập Hội đồng kỷ luật người quản lý doanh nghiệp để tư vấn cho Bộ trưởng Bộ Công Thương việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với ông Vũ Đình Duy.

5. Úc kết luận nhôm ép của Việt Nam có bán phá giá. Ngày 16/11, Cục Quản lý cạnh tranh (VCA-Bộ Công Thương) cho biết Ủy ban Chống bán phá giá Australia (ADC) vừa có kết luận sơ bộ với cáo buộc nhôm ép xuất khẩu từ Việt Nam có bán phá giá tại thị trường Úc. Theo kết luận này, Úc tính biên độ chống bán phá giá đối với sản phẩm nói trên mức 8,5 - 34,2%, cao hơn rất nhiều so với Malaysia trong cùng vụ việc điều tra.

Khởi xướng điều tra từ tháng 8/2016 theo yêu cầu của Công ty Capral Limited giữ vai trò nguyên đơn, ADC cũng đã tiến hành thẩm tra tại chỗ doanh nghiệp bị đơn bắt buộc của Việt Nam vào cuối tháng 10 vừa qua. Theo VCA, thuế chống bán phá giá tạm thời (dưới dạng các khoản đặt cọc) sẽ được áp cho sản phẩm bị điều tra kể từ ngày 19/10/2016 nhằm đảm bảo ngăn chặn những thiệt hại đáng kể đối với ngành sản xuất trong nước của Úc, trong khi vụ việc điều tra vẫn đang tiếp tục được tiến hành cho đến khi ADC ban hành kết luận cuối cùng.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)