banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 01/11
Cập nhật lúc 05:54 ngày 01/11/2016

Trong ngày 01 tháng 11 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí tiếp tục cập nhật những thông tin quan trọng từ Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV.

Về đầu tư công trong giai đoạn vừa qua, theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách (TC-NS) cho rằng: "Hiệu quả đầu tư chưa cao, chưa tương xứng với nguồn lực đầu tư. Vẫn còn tình trạng bố trí vốn cho dự án chưa đủ điều kiện; phê duyệt dự án khi chưa cân đối đủ vốn, đủ nguồn lực; bố trí vốn dàn trải, thiếu tập trung, chậm trễ, dẫn đến nhiều mục tiêu trọng tâm chưa hoàn thành, nhiều công trình dở dang, phải đình, giãn, hoãn tiến độ, lãng phí nguồn lực". 

Trong bối cảnh nguồn lực ngân sách hạn hẹp, khó khăn nhưng vẫn còn tình trạng nhiều dự án nghìn tỷ, hoạt động không hiệu quả rồi "đắp chiếu", bỏ hoang, đại biểu Quốc hội cho rằng, phải nêu được đích danh dự án, quy được trách nhiệm cụ thể cho các cá nhân chứ không thể chỉ nêu chung chung theo kiểu "bắn chỉ thiên". 

Một số đại biểu cũng bày tỏ quan ngại trước tình hình GDP năm nay khó đạt mục tiêu 5,1 triệu tỷ đồng, có khả năng chỉ đạt 4,6 triệu tỷ đồng, thậm chí chỉ đạt 4,1 triệu tỷ đồng nếu tốc độ tăng trưởng có thể chỉ ở mức 6,3% chứ không đạt 6,7% như dự kiến.

Việc số tuyệt đối GDP thu hẹp sẽ ảnh hưởng lớn đến các chỉ tiêu vĩ mô khác đặc biệt là tỉ lệ bội chi/GDP, nợ công/GDP nhiều khả năng vượt trần cho phép.

Một số báo, đài lớn (Bản tin thời sự buổi trưa 01/11 Đài Truyền hình Việt Nam, Báo điện tử Dân trí) cũng dành thời lượng đưa tin về kết luận về việc xả lũ thuỷ điện Hố Hô của Bộ Công Thương. Tuy nhiên, trên Tiền phong 01/11 có bài phản ánh Thủy điện Hố Hô lại bất ngờ xả lũ lưu lượng lớn ngay trong đêm 31/10, bài viết dẫn lời của Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Lê Đình Sơn cho biết: Dù tỉnh Hà Tĩnh chưa cho phép xả lũ bất thường vào tối 31/10 nhưng nhà máy thủy điện Hố Hô đã bất ngờ xả lũ với lưu lượng lớn. Theo ông Sơn, việc xả lũ vào ban đêm gây nguy hiểm cho người dân vì nước lũ về quá nhanh, không kịp phòng tránh.  

Các vấn đề liên quan đến ngành Công Thương đáng chú ý khác cũng được báo chí quan tâm, phản ánh: Vấn đề xử lý hình sự doanh nghiệp sử dụng mô hình đa cấp để kinh doanh trái phép; Thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước: Lo thất thoát tỷ đô la; Các tổng công ty phát điện phải cổ phần hóa trong 2 năm tới; 70% người tiêu dùng ưu tiên dùng hàng Việt Nam.


Thông tin cụ thể:

1. Xử lý hình sự doanh nghiệp sử dụng mô hình đa cấp để kinh doanh trái phép.

Trên nhiều báo ra ngày hôm nay đưa tin về Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành liên quan tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động bán hàng đa cấp. Thủ tướng chỉ thị Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan rà soát các quy định không phù hợp với tình hình thực tế trong quản lý hoạt động bán hàng đa cấp để sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung kịp thời. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm theo quy định các doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

2. Vấn đề về thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước

Lo thất thoát tỷ đô la. Tiền phong đưa tin, việc thoái vốn là chủ trương đúng nhưng nhiều chuyên gia đã lên tiếng cảnh báo về các lỗ hổng trong quy trình thoái vốn tại các đơn vị lớn có thể dẫn đến thất thoát vốn của Nhà nước với số tiền nhiều tỷ USD.

Liên quan đến việc Habeco chính thức được niêm yết trên sàn UPCoM vừa qua, ông Tayfun Uner, Tổng Giám đốc Carlsberg Việt Nam cho biết, ngay khi Chính phủ Việt Nam thông báo sẽ thoái vốn khỏi Habeco, công ty đã có văn bản gửi Chính phủ Việt Nam và người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco ngỏ ý muốn mua cổ phần tại tổng công ty này nhằm nâng tỷ lệ sở hữu lên 30%.

3. Vấn đề doanh nghiệp bán lẻ loay hoay vượt khó. 

Thay cho những lo lắng số phận hàng Việt Namsẽ đi về đâu, nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội địa có cái nhìn bình tĩnh hơn, điều chỉnh, cải thiện chất lượng để tiếp tục cạnh tranh, giữ thị phần. Thực tế cho thấy VN chưa có chính sách riêng cho ngành bán lẻ bởi quan niệm đây chỉ là ngành trung gian hung hóa. Các nhà bán lẻ hiện đại còn gặp khó khăn về vốn, chịu chi phí cao, quản trị thiếu chuyên nghiệp..., trong khi bán lẻ truyền thống như chợ còn khó khăn gấp đôi. Không những vậy, các chính sách và thực tiễn trong ngành bán lẻ thường rất khác nhau nên rất nhiều nhà bán lẻ Việt Nam khá phiền lòng.

Một khảo sát mới đây của Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho thấy có đến 77% người được hỏi cho rằng các chính sách ưu đãi hiện nay của Việt Nam không có hiệu quả thực tế, đây là điều đáng buồn. Con số này đáng báo động vô cùng bởi các công cụ bảo hộ một cách chính đáng các nhà bán lẻ trong nước đã bị vô hiệu.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)