banner2019
 
Chủ nhật, ngày 12 tháng 01 năm 2025
Chủ nhật, ngày 12 tháng 01 năm 2025
Công đoàn VEAM: Nâng cao chất lượng TƯLĐTT trong doanh nghiệp
Cập nhật lúc 08:39 ngày 14/10/2016

Với tổng số hơn 18.000 đoàn viên (chiếm 92% tổng số lao động), Công đoàn TCty Máy động lực và Máy nông nghiệp VN (VEAM) có 25 công đoàn cơ sở thành viên, trong đó có 6 CĐCS thuộc doanh nghiệp FDI.

Trong những năm qua, công tác thương lượng, ký kết và triển khai thực hiện TƯLĐTT được Công đoàn VEAM chú trọng, quan tâm chỉ đạo nghiêm túc. Đa số các đơn vị trong TCty đều lấy TƯLĐTT đơn vị mình làm cơ sở để tổ chức các hoạt động sản xuất, kinh doanh và giải quyết các mối quan hệ lao động tại cơ sở. 100% các đơn vị thành viên trực thuộc CĐ TCty đã tổ chức thương lượng, ký kết TƯLĐTT. Giữa tổ chức CĐ và đại diện NSDLĐ đều xác định được trách nhiệm, tầm quan trọng của TƯLĐTT.

Nhiều nội dung nổi bật có lợi hơn cho NLĐ so với luật định đã được đưa vào TƯLĐTT, như: Thời gian làm việc 44h/ tuần, thêm 01 ngày nghỉ vào ngày truyền thống đơn vị; chế độ ăn ca tăng theo trượt giá; chế độ thăm quan, nghỉ mát duy trì ổn định. Tất cả thành viên được dự ngày gia đình do đơn vị tổ chức; được trao quà nhân dịp sinh nhật, 1/6, Trung thu …

Bên cạnh đó, một số DN trong nhiều năm qua đã áp dụng chế độ vợ sinh con chồng được nghỉ; chế độ bảo lãnh tín chấp vay tiền ngân hàng nhằm mục đích nâng cao đời sống cho người lao động gặp khó khăn hoặc cần trợ giúp về tài chính. Ngoài các loại bảo hiểm theo quy định, một số DN còn mua bảo hiểm 24/24 giờ cho toàn thể NLĐ đã ký hợp đồng lao động.

Đối với các đơn vị FDI, tổ chức Công đoàn coi TƯLĐTT là cơ sở quan trọng để bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp và thực hiện nghĩa vụ của NLĐ. Công đoàn đã mạnh dạn tham gia với giới chủ về mọi mặt hoạt động của doanh nghiệp. Nhiều nội dung được quy định trong TƯLĐTT đảm bảo chế độ, chính sách cao hơn so với luật định, nhất là các chế độ phúc lợi cho NLĐ.

Mặc dù vậy, vẫn còn có đơn vị do tính đặc thù, nên chưa coi trọng việc thương lượng, ký kết, thực hiện TƯLĐTT hoặc ban hành TƯLĐTT chưa kịp thời, hình thức, sơ sài, sao chép những quy định trong Bộ Luật Lao động; chưa sâu sát trong việc kiểm tra, giám sát thực hiện; chưa có chế tài xử phạt điều chỉnh, dẫn tới hiệu quả TƯLĐTT chưa cao.

Một nguyên nhân khác đó là năng lực một số cán bộ công đoàn cơ sở còn yếu, chưa có điều kiện được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Kỹ năng thương lượng, đàm phán của cán bộ CĐ còn hạn chế, tính chủ động đưa ra yêu cầu thương lượng chưa nhiều; thiếu bản lĩnh khi tiếp xúc giới chủ.

Từ thực tiễn, để TƯLĐTT được nâng cao về chất lượng, cần có sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng, CĐ cấp trên, phối hợp tốt với NSDLĐ; Xây dựng quy chế dân chủ cơ sở, quy chế phối hợp và các quy chế khác tại cơ sở; đảm bảo mối quan hệ lao động ổn định, hài hòa và tiến bộ trong DN. Cán bô công đoàn cần nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng đối thoại, thương lượng, bản lĩnh của cán bộ CĐ các cấp, xây dựng BCH CĐ đủ mạnh, phát huy sức mạnh tập thể. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện TƯLĐTT, phát hiện tồn tại, định kì họp rút kinh nghiệm giữa CĐ và chuyên môn, đôn đốc kí lại trước khi TƯLĐTT hết hạn. CĐ chủ động đề xuất những nội dung có lợi cho NLĐ để kịp thời thương lượng, bổ sung, đưa vào TƯLĐTT, khi mà điều kiện DN có thể thực hiện được.

Đối với đơn vị đa ngành nghề, việc xây dựng TƯLĐTT khung có nhiều vướng mắc, nên không nhất thiết phải có TƯLĐTT, không lấy đây làm tiêu chí đánh giá đơn vị. Nếu có, thời gian có hiệu lực của các TƯLĐTT của các doanh nghiệp cấp trên cơ sở nên có thời hạn là trên 5 năm. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chế tài xử phạt cụ thể đối với các đơn vị chưa nghiêm túc trong việc thương lượng, ký kết và thực hiện TƯLĐTT.