banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 06/10
Cập nhật lúc 08:55 ngày 07/10/2016

Trong ngày 06 tháng 10 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Đề xuất EVN được tăng giá điện từ 3-5% là đúng luật; Lãnh đạo Sabeco khẳng định niêm yết ngay đầu tháng 12 tới; Bộ Công Thương từ chối quản lý giá sữa; Giá xăng tăng 170 đồng/lít dù được "xả" quỹ; Hàng xuất khẩu trước “phép thử” quy tắc xuất xứ.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Đề xuất EVN được tăng giá điện từ 3-5% là đúng luật.


Trong ngày 6/10 các báo tập trung, đưa tin dày đặc về việc Bộ Công Thương vừa có phản hồi về một số nội dung tại Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TT.

Về việc cho phép EVN được phép điều chỉnh giảm (không giới hạn tỷ lệ) và tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3-5%, Bộ Công Thương cho rằng, đề xuất này là phù hợp với qui định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng khẳng định, một trong những mục tiêu lớn đặt ra trong lần sửa đổi Quyết định số 69 là việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch. Trong Dự thảo qui định mới đã qui định Bộ Công Thương kiểm tra, giám sát việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.

Góp ý về dự thảo này, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá dự thảo đã mở rộng thẩm quyền quyết định EVN được chủ động tăng đến 20%/năm là tương đối lớn và cần được xem xét, cân nhắc.

Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia tài chính cho rằng, việc giao quyền tự quyết giá điện cho EVN là vừa đá bóng vừa thổi còi. EVN là doanh nghiệp độc quyền nên Nhà nước vẫn phải định giá hoặc quy định giá trần.

2. Lãnh đạo Sabeco khẳng định niêm yết ngay đầu tháng 12 tới.

Báo Dân trí đưa tin: Dù đại diện Bộ Công Thương cho biết, khả năng lên sàn của Sabeco ngay trong năm nay là rất khó khăn nhưng lãnh đạo Sabeco vẫn khẳng định, doanh nghiệp này có thể sẽ niêm yết trên HOSE vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 tới, đồng thời, về các kế hoạch thoái vốn cũng đang được Chính phủ xem xét và chưa “chốt” phương án cụ thể nào.

3. Bộ Công Thương từ chối quản lý giá sữa.


Một số bài báo đưa tin, Bộ Công Thương vừa gửi văn bản góp ý, trả lời trước đề xuất cơ quan này sẽ quản lý giá mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi được Bộ Tài chính đưa ra.

Bộ Công Thương khẳng định, quan điểm của Bộ là theo chức năng nhiệm vụ Chính phủ giao và phù hợp với đề xuất của Bộ Tài chính, đơn vị chủ trì quản lý nhà nước, hướng dẫn chi tiết các quy định đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng, sữa giành cho trẻ em dưới 6 tuổi là Bộ Y tế. Để phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành và thực tế quản lý, đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục làm đầu mối chủ trì như hiện nay hoặc phối hợp với Bộ Y tế trong việc tiếp nhận văn bản kê khai giá, đăng ký giá và áp dụng các biện pháp bình ổn giá (như quy định giá tối đa, giá tối thiểu hoặc khung giá) đối với các mặt hàng thực phẩm chức năng cho trẻ em dưới 6 tuổi và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. 

4. Giá xăng tăng 170 đồng/lít dù được "xả" quỹ.

Tiếp tục phản ánh về việc điều chỉnh giá xăng dầu của liên Bộ Công Thương – Tài chính ngày 05/10, báo chí trong ngày 6/10 phản ánh khá dày đặc về vấn đề này. Theo đó, từ 15h ngày 05/10 giá xăng A92 bán lẻ trong nước ở vùng 1 lên mức 16.400 đồng/lít, tăng 170 đồng/lít so với mức cũ, dù đã được sử dụng từ quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít do giá thế giới tiếp tục biến động.

Bên cạnh việc tăng giá, cơ quan chức năng cũng đồng thời cho doanh nghiệp tiếp tục chi sử dụng quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít cho mỗi lít xăng (đang áp dụng từ lần điều hành trước) nhằm bù đắp phần chênh lệch còn lại mà giá cơ sở mới (hình thành bởi giá nhập khẩu, thuế, phí... ) tạo ra với giá bán lẻ hiện hành.

5. Hàng xuất khẩu trước “phép thử” quy tắc xuất xứ.

Vụ việc doanh nghiệp thép tại Mỹ khởi kiện thép chống ăn mòn, thép cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam vì nghi ngờ là sản phẩm thép Trung Quốc “đội lốt” Việt để né thuế chống bán phá giá đang đặt ra bài toán hóc búa về quy tắc xuất xứ hàng hoá xuất khẩu.

Thực tế cho thấy, thép chỉ là một trong những sản phẩm điển hình đang bị các thị trường nhập khẩu lớn như Mỹ, EU làm khó về xuất xứ hàng hoá. Và đây cũng chính những “điểm nghẽn” đối với các DN Việt Nam muốn tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thông qua quy tắc xuất xứ. Điều này dẫn đến nguy cơ hàng xuất khẩu Việt Nam dần dần mất uy tín trên thị trường quốc tế nếu như các cơ quan quản lý không có các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.

Một trong những lý do chính, theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) là DN Việt chưa có hiểu biết đầy đủ về quy tắc xuất xứ, nên đã không tận dụng được ưu đãi xuất xứ, không xin được C/O ưu đãi và không được hưởng mức thuế quan 0 - 5% mà các FTA mang lại.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)