banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 12/9
Cập nhật lúc 05:45 ngày 12/09/2016

Trong ngày 12 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Bộ Công Thương: dự án Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch; Xoay xở để hàng Việt “phủ sóng”; Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với tôm Việt Nam; Dân phải gánh thất thoát của điện, nước, than đến bao giờ?; Thương mại điện tử Việt kém cạnh tranh vì logistics; 8 tháng nhập gần 13 triệu tấn thép từ Trung Quốc.

Thông tin cụ thể:

1. Bộ Công Thương: Dự án Hoa Sen không làm, Thép Cà Ná vẫn vào quy hoạch

Theo ông Trương Thanh Hoài, Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, dự án thép Hoa Sen - Cà Ná từng được Thủ tướng xem xét, phê duyệt cách đây 8 năm, nhưng do chủ đầu tư gặp khó khăn về tài chính nên đã rút khỏi quy hoạch. Tháng 7 vừa qua, tỉnh Ninh Thuận đề xuất Bộ Công Thương phê duyệt dựán. Nhận thấy, vị trí Cà Ná phù hợp với nghiên cứu trước đó nên Bộ đã bổ sung vào quy hoạch. Và tới đây, Tập đoàn Hoa Sen sẽ lập báo cáo tiền khả thi trình Bộ Kế hoạch đầu tư, thẩm định dự án sau đó mới trình Thủ tướng xin chủ trương phê duyệt.

Đối với vấn đề môi trường, đại diện Bộ Công Thương khẳng định, mặc dù Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan giám sát nhưng Bộ Công Thương sẽ tham gia. Và theo quy định mới, với các dự án lớn, bộ chủ quản sẽ trực tiếp thẩm định thiết kế cơ sở và yêu cầu chủ đầu tư, phải tuân thủ việc thẩm định đó.

2. Xoay xở để hàng Việt “phủ sóng”. 

Các hiệp định thương mại tự do, hiệp định kinh tế song phương được ký kết và việc hình thành cộng đồng chung ASEAN... đã mở rộng thị trường kinh doanh nhưng cũng đặt ra áp lực không nhỏ cho doanh nghiệp Việt. Đứng trước tình thế đó, một số nhà bán lẻ trong nước đã phải xoay xở để giữ vững thị phần và tăng độ phủ cho hàng Việt. Trong buổi kết nối giữa doanh nghiệp Việt và nhà bán lẻ Việt hồi tháng 8-2016, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng trong quá trình hội nhập, hàng nước ngoài tràn vào VN, sự chủ động của nhà bán lẻ trong nước sẽ hỗ trợ tích cực cho hàng Việt có chỗ đứng vững chắc ngay ở thị trường nội địa.

3. Mỹ tăng thuế chống bán phá giá với tôm VN. 

Bộ Thương mại Mỹ (DOC) vừa ra phán quyết cuối cùng áp thuế chống bán phá giá với tôm đông lạnh của VN xuất khẩu vào Mỹ trong giai đoạn từ 1-2-2014 đến 31-1-2015.

Theo đó, mức thuế các doanh nghiệp bị đơn bắt buộc và tự nguyện phải chịu là 4,78%, cao hơn đáng kể so với mức thuế sơ bộ 3,56% mà DOC công bố hồi tháng 3-2016. Kết quả thuế CBPG của VN thay đổi do một trong hai bị đơn bắt buộc là Tập đoàn thủy sản Minh Phú đã được công bố là không bán phá giá và được đưa ra khỏi danh sách các công ty xem xét thuế CBPG. Theo VASEP, việc DOC tăng thuế CBPG với tôm VN sẽ gây khó khăn cho xuất khẩu vào thị trường này trong thời gian tới.

4. Dân phải gánh thất thoát của điện, nước, than đến bao giờ? 

Sản xuất 10 m3 nước thất thoát hết 3 m3 nước sạch, khai thác than trong hầm lò 10 kg rơi rụng hết 4 - 6 kg, làm được 5 kW điện thất thoát 1 kW... là thực trạng nhức nhối đang diễn ra tại VN. Đáng nói là tất cả những thất thoát này đều được tính vào giá và "bổ đầu" trên mỗi người dân.

Các chuyên gia cho rằng, cần gấp rút xã hội hóa các lĩnh vực điện, nước để bảo đảm tính cạnh tranh công bằng hơn. 

5. Thương mại điện tử Việt kém cạnh tranh vì logistics. 

40% người tiêu dùng cho rằng giá mua trực tuyến cao hơn mua hàng trực tiếp sau khi cộng chi phí vận chuyển. Điều này khiến các DN thương mại điện tử trở nên kém cạnh tranh. Chi phí logistics cao còn là do chính chất lượng thương mại điện tử hiện nay chưa tạo được niềm tin cho người mua. Hầu hết người mua vẫn phải nhìn mặt hàng rồi thanh toán nên người giao hàng phải làm luôn cả khâu thu tiền khiến tốc độ giao hàng sụt giảm một nửa.

Để nâng cao sức cạnh tranh của logictics trong thương mại điện tử, theo giới chuyên môn, cần phải có những công ty logistics chỉ phục vụ riêng cho thương mại điện tử, kèm theo đó là xây dựng các điểm trung chuyển hàng trung gian.

6. 8 tháng nhập gần 13 triệu tấn thép từ Trung Quốc. 

Theo số liệu từ Bộ Công Thương, nhập khẩu thép tăng mạnh trong tháng 8, đưa tổng kim ngạch 8 tháng đầu năm đạt khoảng 12,6 triệu tấn (tăng 27,3%) so với cùng kỳ, tương đương gần 5,3 tỷ USD. Dự kiến cả năm 2016 lượng thép nhập sẽ khoảng 22 triệu tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu thép chính của các doanh nghiệp, chiếm 59%, kế đến là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Nga đã vươn lên vị trí thứ 5 trong số các nước cung cấp thép nhập cho thị trường Việt Nam.

Cách đây 2 tháng, Bộ Công Thương đã quyết định chính thức áp thuế tự vệ với mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu để "chặn" thép giá rẻ từ Trung Quốc. Thời gian áp thuế có hiệu lực tới hết tháng 3/2020.

7. Bất thường đường đi của xăng dầu. 

Trên báo Tiền phong phản ánh, Thanh tra Chính phủ vừa kết luận về những kẽ hở trong việc chấp hành chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam. Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cơ quan quản lý cần thanh kiểm tra trước và sau mỗi lần tăng giá, giám sát việc các doanh nghiệp bán và thu được bao nhiêu lợi nhuận. Tổng giám đốc một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối cho biết tình trạng gom hàng, đặt hàng sớm của các đại lý, tổng đại lý trước mỗi kỳ tăng giá xăng dầu đều xảy ra. Với công thức tính giá và diễn biến thị trường hoạt động rõ ràng như hiện nay, khách hàng của các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối đồng thời cũng là người kinh doanh, không có lý gì các đại lý, tổng đại lý không gom hàng để đầu cơ chờ giá tăng. “Việc điều hành giá xăng dầu với chu kỳ 15 ngày như hiện nay có nhiều tiến bộ nhưng vẫn chưa thực sự hiệu quả. Chu kỳ điều hành giá cần ngắn lại thì sẽ hạn chế được tình trạng doanh nghiệp đầu cơ gom hàng trước mỗi kỳ tăng giá”, vị này phân tích.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)