banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 8/9
Cập nhật lúc 08:20 ngày 09/09/2016

Trong ngày 08 tháng 9 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước: Tiếp tục đối thoại với Gazprom và Rosneft về cổ phần Lọc dầu Dung Quất; Nhiều vi phạm của Tập đoàn Điện lực chưa được khắc phục; Dự án thép 8.000 tỷ đồng bị mắc kẹt; Quyết “trói chặt” hơn quy định nhập khẩu ô tô; Doanh nghiệp "kiên trì" đòi nợ thuế xăng dầu; Bộ Công Thương: Thoái vốn, thu cả tỷ USD.

Thông tin cụ thể như sau:                                                                       

1. Tiếp tục đối thoại với Gazprom và Rosneft về cổ phần Lọc dầu Dung Quất.

Việt Nam tiếp tục đàm phán với các công ty Nga Gazprom Neft, Rosneft, công ty Kuwait Petroleum và công ty PTT của Thái Lan liên quan đến việc bán 49% cổ phần Nhà máy lọc dầu Dung Quất, ôngTrần Ngọc Nguyên, Tổng Giám đốc Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết.

Đại diện nhà máy lọc dầu cũng nói rằng chính phủ Việt Nam đang lên kế hoạch phát hành cổ phiếu (IPO) của nhà máy trong năm tới.

2. Nhiều vi phạm của Tập đoàn Điện lực chưa được khắc phục.


Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình vừa yêu cầu Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ LĐ-TB&XH, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẩn trương thực hiện xử lý dứt điểm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, đồng thời yêu cầu các đơn vị báo cáo Chính phủ trong tháng 10.

Trước đó, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo bộ, ngành địa phương và EVN thực hiện dứt điểm những nội dung đã nêu tại kết luận của Tổng TTCP vào cuối tháng 9/2014. Theo đó, TTCP kiến nghị EVN và các đơn vị thành viên tiếp tục chỉ đạo và tổ chức việc thoái vốn, kiểm điểm xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân liên quan trong việc chưa thực hiện kiến nghị về hạch toán, kê khai điều chỉnh thuế đối với giá trị 96,8 tỉ đồng; xem xét xử lý giá trị 5,4 tỉ đồng do dừng bảy dự án gây lãng phí…

3. Dự án thép 8.000 tỷ đồng bị mắc kẹt.

Lãnh đạo Tổng Công ty Thép Việt Nam thừa nhận dự án mở rộng Nhà máy gang thép Thái Nguyên có mức đầu tư hơn 8.100 tỷ đồng đang mắc kẹt do việc đàm phán với tổng thầu EPC bế tắc, và riêng tiền lãi do chậm tiến độ gần 4 năm đã ngốn thêm hơn 1.200 tỷ đồng.

Được sự đồng ý của Chính phủ, tháng 5/2013 chủ đầu tư đã phê duyệt tổng mức đầu tư điều chỉnh của dự án tăng từ 3.843 tỷ đồng lên 8.104 tỷ đồng. Tuy nhiên do chưa thu xếp được vốn vay bổ sung nên công trình vẫn tạm ngừng thi công từ đó đến nay.

Doanh nghiệp đã lập báo cáo gửi Bộ Công Thương đề xuất phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lần 2 kèm theo các điều kiện ưu đãi về tín dụng, thuế và đang xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng.

4. Quyết “trói chặt” hơn quy định nhập khẩu ô tô.

Bộ Công Thương trong một công văn gửi Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc ban hành thông tư quy định về kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu là cần thiết và phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Bộ Công Thương cũng đề nghị, bổ sung quy định phải có “Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường hoặc giấy tờ tương đương” vì nếu không có giấy này thì thủ tục chứng nhận cho xe nhập khẩu hoàn toàn giống như xe sản xuất, lắp ráp trong nước. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đề nghị bổ sung cụ thể số lượng bản sao các thành phần hồ sơ phải đăng ký kiểm tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị nhập khẩu hoàn thiện hồ sơ.

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng đã công văn phản hồi những nội dung được đưa trong dự thảo. Đáng chú ý, trong bảo dự thảo được VCCI dẫn là Điều 5.1.f quy định thành phần hồ sơ phải có “bản chính giấy chứng nhận chất lượng của nhà sản xuất cấp cho xe cơ giới thực tế nhập khẩu hoặc phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng”.

Quan điểm của VCCI cho rằng, việc yêu cầu thêm Bản chính Giấy chứng nhận chất lượng xe của nhà sản xuất hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng đối với mọi phương thức kiểm tra gây ra khó khăn, thậm chí đến mức không thể đối với các doanh nghiệp nhập khẩu xe thông qua phân phối vì các xe nhập khẩu qua một bên phân phối trung gian thì không thể có bản chính.

VCCI cũng cho biết, việc đặt ra các quy định như Giấy uỷ quyền của nhà sản xuất như tại Thông tư 20 hay Giấy chứng nhận chất lượng hoặc Phiếu kiểm tra chất lượng của nhà sản xuất tại bản dự thảo thông tư do Bộ Giao thông đang soạn thảo đã trao một thương quyền quá lớn cho nhà sản xuất tại nước ngoài mà bỏ qua quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

5. Doanh nghiệp "kiên trì" đòi nợ thuế xăng dầu.


Tổng công ty Dầu Việt Nam (PV Oil) vừa tiếp tục có kiến nghị gửi Bộ Tài chính về việc xử lý C/O (giấy chứng nhận xuất xứ) để được hưởng thuế ưu đãi đặc biệt đối với một số lô hàng xăng dầu nhập khẩu của công ty.

Trước đó, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra sau thông quan tại PV Oil cho rằng, C/O của 3 lô hàng của PV Oil chưa đáp ứng yêu cầu nên không được hoàn thuế và ra quyết định ấn định mức thuế đối với các lô hàng này.

Liên quan tới vụ việc này, PV Oil đã có 3 công văn gửi Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan giải trình và kiến nghị xem xét. Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (VINPA) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đã có công văn gửi Bộ Tài chính về vấn đề này.

Tuy nhiên, phía PV Oil cho biết đến nay công ty vẫn chưa nhận được phản hồi từ Bộ Tài chính. Trong thời gian chờ ý kiến từ các Bộ ngành, PV Oil tiếp tục nhận được Quyết định của Cục Kiểm tra sau thông quan thông báo số thuế ấn định là hơn 57,6 tỷ đồng. PV Oil đã tạm nộp số tiền này vào ngân sách trong khi chờ cơ quan chức năng xem xét giải quyết.

6. Bộ Công Thương: Thoái vốn, thu cả tỷ USD.

Việc Thủ tướng có kết luận sẽ cổ phần hóa mạnh và nhanh với thời hạn cụ thể Sabeco, Habeco cùng nhiều đơn vị khác được coi là dấu chấm hết cho sự luẩn quẩn, đá bóng trong việc thoái vốn nhà nước ở các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các ngành.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế, cho rằng điểm vướng trong thoái vốn nhà nước từ trước đến nay là chúng ta chưa trả lời được câu hỏi nhà nước sẽ làm gì, đóng vai trò gì trong nền kinh tế. Theo ông Ánh, việc lấy lý do sẽ làm mất các thương hiệu lớn sau khi bán vốn nhà nước là khó chấp nhận. Vấn đề với các đơn vị như Sabeco, Habeco chủ yếu liên quan những vướng mắc về quyền lợi của bộ chủ quản.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI), cho rằng nhìn chiến lược hoạt động của các tập đoàn thuộc ngành công thương hiện nay, có thể nhận thấy Hội đồng thành viên của nhiều đơn vị chưa sốt sắng với cổ phần hóa. Điểm vướng là do hiện các tập đoàn, tổng công ty của Bộ Công Thương ở vị thế tài chính rất yếu so với 10 năm trước kia. Mang tiếng là công ty mẹ nhưng không có khả năng cứu được “con” mà phải trông chờ nhà nước hỗ trợ hay bơm vốn.

Theo ông Hải, việc nhiều doanh nghiệp Nhà nước khi bán đấu giá cổ phần lần đầu mà nhà nước còn nắm giữ cổ phần chi phối sẽ xảy ra 2 kịch bản: Doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả thì không bán được cổ phần hoặc chỉ bán được ít; Doanh nghiệp hoạt động hiệu quả có bán được nhiều  cổ phần nhưng với giá thấp hơn so với giá trên thị trường chứng khoán, thường chỉ bằng 30%-50%.

7. Quy hoạch vùng không có dự án thép ở Ninh Thuận.

Quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung mới phê duyệt ngày 22/8 vừa qua, Ninh Thuận không có tên trong danh mục các chương trình, dự án đầu tư chủ yếu đến năm 2025, tầm nhìn 2035. Xung quanh dự án nhà máy Thép tại Ninh Thuận của Tôn Hoa Sen cũng như những phát ngôn của ông Chủ tịch tập đoàn này tiếp tục gây bão dư luận.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)