banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp
Cập nhật lúc 10:33 ngày 04/01/2014
Trước tác động của cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, không ít doanh nghiệp phải tiết giảm hoạt động đầu tư, thậm chí phải tạm ngừng hoạt động do sản xuất kinh doanh thua lỗ. Hệ quả là công nhân không có việc làm ổn định, nghỉ việc luân phiên hoặc phải chấm dứt hợp đồng lao động, chậm trả lương, nợ đọng bảo hiểm xã hội. Tổ chức công đoàn, với vai trò và chức năng của mình đã có nhiều đổi mới về nội dung, phương pháp hoạt động, đạt nhiều kết quả trong xây dựng quan hệ lao động hài hòa ổn định.

Các cấp công đoàn đã chủ động, tích cực với nhiều hình thức tập hợp ý kiến của đông đảo đoàn viên, người lao động tham gia xây dựng, hoàn hiện các văn bản chính sách pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động như: Xây dựng Luật Công đoàn 2012, Bộ Luật Lao động 2012, các Nghị định, Thông tư về tiền lương, việc làm, an toàn vệ sinh lao động, Bảo hiểm xã hội… Công đoàn phát huy vai trò đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, chăm lo đời sống; đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của đoàn viên và người lao động; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ tại doanh nghiệp, đạt được nhiều kết quả cụ thể, thiết thực. Việc đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức công đoàn và đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp công đoàn thường xuyên thực hiện.



Thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 22-CT/TW về “Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp”, các cấp công đoàn đã chủ động ban hành kế hoạch cụ thể triển khai tới các đơn vị, góp phần tích cực trong việc xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, tiến bộ trong doanh nghiệp. Công đoàn các cấp đã tham gia với chuyên môn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động, thực hiện quy chế dân chủ tại cơ sở, tổ chức đối thoại, thương lượng ký thỏa ước lao động tập thể… mang lại quyền, lợi ích hợp pháp cụ thể, thiết thực hơn cho người lao động. Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách pháp luật góp phần nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm cho người lao động với nhiều hình thức đa dạng và phong phú. Công đoàn các cấp đã xây dựng tủ sách pháp luật, biên soạn tờ gấp, sổ tay tuyên truyền pháp luật với nội dung hỏi đáp ngắn gọn, dễ hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ của đoàn viên. Góp phần triển khai thực hiện Chỉ thị 22/CT-TW, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã phát động “Tháng Công nhân” trong CNVCLĐ từ năm 2011 gắn với kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động . Hoạt động này đã thu hút hàng triệu lượt người tham gia, mang lại những kết quả cụ thể, thiết thực, đánh dấu bước phát triển trong đổi mới các hình thức tập hợp đoàn viên, người lao động, thể hiện tinh thần trách nhiệm, tính chủ động sáng tạo của công đoàn góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người lao động.
 

Công đoàn tham gia xây dựng chế độ chính sách liên quan đến người lao động, đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động bằng nhiều hình thức như: Hội nghị, hội thảo, văn bản, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, góp ý trực tiếp. Công đoàn các cấp đã tham gia giải quyết chế độ chính sách cho người lao động, phối hợp chỉ đạo hướng dẫn việc xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, thương lượng ký kết thỏa ước lao động tập thể, tham gia tổ chức hội nghị người lao động. Qua đó, công đoàn cơ sở đã động viên, khai thác năng lực, sức sáng tạo của người lao động trong việc phát huy những sáng kiến cải tiến nhằm giải quyết khó khăn phát sinh trong hoạt động, sản xuất kinh doanh góp phần ổn định và phát triển doanh nghiệp.

Một vài tồn tại, hạn chế

Một số nội dung và nhiệm vụ trọng tâm trong Nghị quyết số 20-NQ/TW và Chỉ thị số 22-CT/TW chưa được triển khai đồng bộ. Tình trạng vi phạm chế độ chính sách pháp luật còn diễn ra như: Nợ tiền lương, Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế.

Công đoàn tại một số đơn vị còn thụ động trong việc lập kế hoạch và triển khai thực hiện. Nhiều hoạt động còn mang tính hình thức, chế độ thông tin, báo cáo chưa kịp thời. Hình thức và nội dung tuyên truyền chưa phong phú và chưa được tiến hành thường xuyên.Việc thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công đoàn cơ sở đối với đoàn viên còn mờ nhạt. Cán bộ công đoàn hành chính hóa hoạt động công đoàn, ít gần gũi tiếp xúc với đoàn viên và người lao động nên chưa nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng hoặc không phản ánh kịp thời ý kiến của người lao động, làm giảm lòng tin của người lao động và đoàn viên đối với tổ chức công đoàn. Tiền lương của người lao động còn thấp, đời sống khó khăn. Mặc dù, nhu cầu về nhà ở, sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người lao động là rất lớn, nhưng tỷ lệ được đáp ứng còn rất hạn chế.

Nguyên nhân và giải pháp

Tình hình kinh tế thế giới và trong nước khó khăn tác động không nhỏ đến việc thực hiện các chế độ chính sách đối với người lao động. Một số người sử dụng lao động và người lao động chưa nhận thức đầy đủ về việc xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa. Người sử dụng lao động tại một số đơn vị doanh nghiệp FDI, Cổ phần thì quan tâm nhiều đến lợi nhuận (tối đa hóa lợi nhuận) nên chưa thực sự quan tâm đến các chế độ chính sách cho người lao động. Hệ thống pháp luật, chế độ chính sách chưa đồng bộ, khả thi và chưa theo kịp sự phát triển của thị trường lao động. Một số cán bộ công đoàn chưa thực sự tâm huyết và nhiệt tình trong công tác, năng lực hoạt động thực tiễn còn nhiều hạn chế, e ngại không dám đấu tranh, chưa thực sự làm tròn chức năng đại diện cho người lao động. Nội dung hoạt động của cán bộ công đoàn còn chậm đổi mới, hiệu quả chưa cao.

Công đoàn các cấp cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp:

Một là, tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn, xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh. Tập trung thực hiện tốt chức năng của công đoàn, nhất lào đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của công nhân viên chức lao động.

Hai là, đẩy mạnh các phong trào thi đua, phong trào sáng kiến, sáng tạo góp phần tăng hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp.

Ba là, tham gia với người sử dụng lao động tổ chức thực hiện tốt thỏa ước lao động tập thể, tổ chức hội nghị người lao động, thực hiện quy chế dân chủ, tổ chức đối thoại tại doanh nghiệp; kịp thời giải quyết tranh chấp lao động lao động; tiếp tục tập trung thành lập công đoàn cơ sở và phát triển đoàn viên; đồng thời gắn kế hoạch hoạt động gắn với điều kiện thực tế tại từng đơn vị; xây dựng công đoàn cơ sở vững mạnh, hoạt động thiết thực hiệu quả.

Bốn là, đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng và tăng cường các hoạt động xã hội, để tập hợp động viên được đông đảo công nhân lao động, hình thức công tác công đoàn phải thường xuyên đổi mới, hấp dẫn hơn, phù hợp với từng đối tượng, tránh máy móc đơn giản, khắc phục tình trạng quan liêu, xa cơ sở, xa người lao động; tuyên truyền phổ biến đầy đủ các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến các quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ xã hội trong doanh nghiệp.

Trần Phong