banner2019
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Nhật ký miền Trung
Cập nhật lúc 09:52 ngày 04/01/2014
Cơn bão số 10 đi qua đã để lại thiệt hại nặng nề cho miền Trung. Cùng với nhân dân cả nước, CBCNVC - LĐ Ngành Công Thương Việt Nam cũng hướng về miền Trung với sự sẻ chia chân thành.

Chủ tịch Lý Quốc Hùng trao quà hỗ trợ cho trường mầm non Quỳnh Thiện


Ngay khi nhận được tin bão về tàn phá miền Trung, đoàn cán bộ Công đoàn Công Thương Việt Nam do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Thái làm trưởng đoàn đã lập tức vào vùng tâm bão hỗ trợ hơn 90 triệu. Ngày 4/10, Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ký công văn liên tịch gửi CBCNVC-LĐ toàn ngành học tập tấm gương dũng cảm của đồng chí Nguyễn Tài Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An hy sinh trên đường làm nhiệm vụ cứu trợ nhân dân thị xã Hoàng Mai. Tiếp tục chia sẻ với miền Trung thân yêu, lần này, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng trực tiếp dẫn đoàn vào hỗ trợ đồng bào các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị với số tiền 415 triệu đồng, nhằm góp phần giúp đồng bào vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống.

7/10 - Ngày thứ nhất

Đắng lòng phơi sách học trò

6h sáng, xe chúng tôi xuất phát từ Hà Nội, chạy một mạch vào đến Hoàng Mai – nơi chịu ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng nhất của cơn bão số 10, mới được mang tên thị xã có mấy tháng. Nếu chỉ nhìn bề ngoài, cũng khó nhận ra nước lũ đã tàn phá nơi này như thế nào. Đã một tuần sau lũ, nước đã rút hết, cây cối xác xơ, nhiều đoạn đường sụt lún và đằng sau cánh cửa của mỗi ngôi nhà kia là nỗi đau âm thầm, dai dẳng bởi gần như tất cả tài sản, đồ đạc đều đã bị nước nhấn chìm, hỏng không thể sửa.
 

Phơi sách ở trường MN Quỳnh Thiện


Chúng tôi được giới thiệu đến 2 ngôi trường mầm non chịu ảnh hưởng lớn nhất của cơn bão là Quỳnh Thiện và Quỳnh Dị. Đập vào mắt chúng tôi là những khoảng sân trường ngổn ngang sách vở đang được giở ra phơi nắng, những dòng chữ bị nhòe, giấy khô lại quăn queo. Cô Phạm Thị Lương - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quỳnh Thiện vẫn còn bần thần bên đống đồ đạc ngổn ngang khắp nơi, rưng rưng lệ nhớ lại: Nhận được tin bão về có chiều hướng xấu, từ 3 giờ sáng, các giáo viên của Trường đã huy động nhau đến đưa máy móc, sách vở lên bàn. Nhưng nước về mạnh quá, xoáy tung cửa, đổ hết bàn ghế nên đồ đạc không cứu được, máy tính, máy chiếu ngập nước hư hỏng nặng, sách vở chăn màn của các con chìm trong nước. Tính sơ sơ cả 2 cụm, Trường ước thiệt hại gần 1 tỉ đồng. Ngay khi nước bắt đầu rút, giáo viên của Trường đã lội vào vớt sách vở lên để lau chùi vì sợ khi nước rút hẳn, bùn bám chặt vào sách thì không cách gì cứu vãn được. Được lực lượng địa phương tăng cường, Trường làm vệ sinh toàn bộ bể nước ngầm, bỏ thuốc vào khử khuẩn rồi mới bơm nước sạch vào.
 

Vì những nụ cười này, GV trường MN Quỳnh Thiện đã mất bao nhiêu mồ hôi và cả những giọt nước mắt


Đến sáng nay khi chúng tôi vào thăm, các con đã đến lớp bình thường. Thấy khách, các bé ríu rít chào rất ngoan, những khuôn mặt rạng rỡ, ngây thơ rất vui vì lại được đi học, được chơi với bạn. Các bé đâu biết rằng, để chúng lại được đến trường, một tuần qua, các cô và lực lượng tăng cường tại địa phương đã phải làm việc cật lực, với rất nhiều mồ hôi và cả những giọt nước mắt, tiếc công, tiếc của, biết đến bao giờ mới có thể khôi phục lại được.

Tương tự như vậy , Trường mầm non Quỳnh Dị với 377 cháu sáng nay đã được đi học trở lại. Sách vở, bàn ghế, chăn màn phơi la liệt khắp nơi, thiệt hại hơn 780 triệu đồng. Hiệu trưởng Nguyễn Thị Phương cho biết, hôm bão về Trường cho các con nghỉ, nhưng lực lượng tham gia chống bão không đề phòng nước lên, chỉ lo đổ thêm cát trên mái lợp tôn để không tốc mái. Bàn ghế, máy tính, ti vi, đàn organ… cũng được cẩn thận chồng lên cao. Nhưng sau khi nước về, toàn bộ bàn ghế đổ hết, tất cả chìm trong nước. Khổ nhất là 90 giá bằng gỗ ép để chăn màn bán trú cho các con gặp nước tự tan rã, Trường lại phải thuê xe chở bỏ đi. Nước rút, lớp bùn còn lại dày đến vài cm, địa phương phải bổ sung thêm lực lượng tăng cường giúp Trường xử lý súc rửa bể nước ngầm, tổng vệ sinh các phòng học, để hôm nay các con có thể đến trường.

Trao quà cho trường MN Quỳnh Dị giữa ngổn ngang sách vở


Thay mặt Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam, Chủ tịch Lý Quốc Hùng đã trao tặng mỗi trường 10 triệu đồng tiền mặt để hỗ trợ nhà trường mua đồ dùng học tập cho các cháu.

Sau đó, Đoàn tiếp tục đi qua LĐLĐ tỉnh Nghệ An, hỗ trợ CNVC-LĐ của LĐLĐ tỉnh 30 triệu đồng.

Học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Tài Dũng

Buổi chiều ngày đầu tiên, Đoàn đến thăm Sở Công Thương Nghệ An và hỗ trợ Sở 15 triệu đồng, hỗ trợ UBND tỉnh 50 triệu đồng. Lãnh đạo Sở Công Thương và CBCNV ở đây vẫn chưa hết bàng hoàng về sự ra đi đột ngột của đồng chí Nguyễn Tài Dũng.
 

Ông Thái Văn Hằng (bên phải) nhận hỗ trợ cho ND tỉnh Nghệ An 50 triệu đồng


Nhưng chỉ khi làm việc với UBND tỉnh, qua lời kể của ông Thái Văn Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, chúng tôi mới phần nào hiểu rõ hơn về cái đêm định mệnh ấy. Theo sự phân công của UBND tỉnh, Sở Công Thương được giao dự trữ hàng hóa. Ngay sau khi thủy điện xả lũ tự động, Tỉnh đã chỉ đạo Sở cung ứng ngay hàng hóa cứu trợ nhân dân. 10 giờ đêm hôm ấy, nước ngập mênh mông, người dân Hoàng Mai ngâm mình chịu đói gọi điện đến Ban cứu trợ xin cứu viện. Nhận lệnh, đ/c Dũng lập tức lên đường, sợ dân chờ lâu nên đ/c Dũng cho xếp hàng lên xe con đi trước, còn xe tải chờ xếp đầy hàng rồi đi sau. Và khi tai nạn xảy ra, vùng sông nơi chiếc xe của đ/c mắc lại trôi đầy mì tôm – hình ảnh đó thực sự là nỗi ám ảnh, nỗi đau dai dẳng với những người còn sống. Sự hy sinh anh dũng của đ/c Dũng đã được ghi nhận, ngành Công Thương đã phát động học tập tấm gương đ/c Nguyễn Tài Dũng, CBCNV trong ngành cũng chung tay quyên góp ủng hộ gia đình đ/c sớm ổn định, vượt qua mất mát to lớn này.
 

Chia sẻ nỗi đau mất cha với con trai đồng chí Nguyễn Tài Dũng


Rẽ qua nhà đ/c Dũng thắp nén nhang chia buồn cùng gia đình, chúng tôi mới biết, đ/c Dũng còn mẹ già 85 tuổi và bà nội 105 tuổi cần được chăm sóc. Con trai lớn của đ/c đang công tác tại Hà Nội đã chuyển về quê để tiện thay đ/c chăm sóc cụ, bà và mẹ. Nỗi đau ấy là không gì có thể bù đắp được.

Rời Nghệ An, chúng tôi chạy tiếp vào Quảng Bình. Đêm nay, bên dòng Nhật Lệ thơ mộng, ngắm nhìn tượng đài Mẹ Suốt, tôi không thể nào ngủ được. “Một miếng khi đói bằng một gói khi no”, người dân miền Trung đang đối mặt với muôn vàn khó khăn khi tài sản gần như mất trắng, cây cối, gia súc, gia cầm đều đã bị lũ cuốn trôi. Sau mỗi cơn bão đi qua, hoang tàn ở lại là những nỗi đau dai dẳng mà thời gian không thể xóa nhòa. Và sự sẻ chia của những tấm lòng nhân ái chính là động lực mạnh mẽ nhất, ấm áp nhất để người dân nơi đây được tiếp thêm sức mạnh, đứng lên, nuốt nước mắt vào trong, làm lại từ đôi bàn tay trắng.

Thương lắm, khúc ruột miền Trung!

Ước tính thiệt hại ban đầu của tỉnh Nghệ An là 1.272,3 tỉ đồng, trong đó riêng thị xã Hoàng Mai là 836,9 tỉ đồng. Nhà cửa, tài sản hư hỏng nặng. Thời điểm cao nhất có 22.269 nhà dân bị ngập; Hàng nghìn con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi và hàng nghìn diện tích nuôi trồng thủy sản bị mất trắng; Hệ thống điện, đường, trường trạm đều bị hư hỏng nặng nề.

(Mời xem tiếp kỳ sau...)

Hồ Nga
Tạp chí Công Thương