banner2019
 
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Thứ năm, ngày 23 tháng 01 năm 2025
Nhật ký miền Trung (phần cuối)
Cập nhật lúc 09:42 ngày 04/01/2014
Hôm nay là ngày cuối cùng của cuộc hành trình, tôi lên đường với một tâm trạng khó tả. Giá như có nhiều thời gian hơn, chúng tôi có thể đi được nhiều hơn, đến gần với nhiều hoàn cảnh đặc biệt hơn

Hỗ trợ CNVCLĐ tỉnh Hà Tĩnh

Ngày thứ 3

Nhưng với đặc thù của chuyến đi là “nhanh và hiệu quả”, nên đoàn chỉ có thể đến gặp những đơn vị đầu mối, chuyển tiền hỗ trợ kèm theo lời đề nghị một địa chỉ cụ thể cho số tiền hỗ trợ đó. Ngày 9/10, chúng tôi qua 2 tỉnh Hà Tĩnh và Thanh Hóa, những địa phương tuy không bị ảnh hưởng nhiều trong đợt bão, nhưng lại chịu những hậu quả không kém nặng nề sau khi cơn bão đi qua.

Nỗ lực hỗ trợ nhân dân ổn định cuộc sống

Làm việc tại Hà Tĩnh, ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch LĐLĐ tỉnh cho biết, do chủ động trong công tác phòng chống lụt bão nên tỉnh đã tích cực đưa tàu thuyền của dân về bờ an toàn, đồng thời tổ chức di dời dân đến nơi trú ẩn kịp thời nên đã giảm thấp nhất thiệt hại. Ông Thanh cũng rất cảm động khi mối quan hệ giữa Công đoàn ngành Công Thương với CNVC của Hà Tĩnh rất tốt, Bộ Công Thương, Công đoàn Công Thương cũng là một trong đơn vị đến thăm và tặng quà sớm nhất, động viên kịp thời CNVCLĐ và nhân dân trên địa bàn.

Thiệt hại của Hà Tĩnh ước tính vào khoảng trên 1.100 tỉ đồng, trong đó riêng CNVCLĐ là hơn 20 tỉ đồng. Huyện Kỳ Anh là huyện chịu thiệt hại nặng nề nhất của tỉnh, ngoài số tiền các nơi quyên góp chuyển về, LĐLĐ tỉnh đã hỗ trợ trực tiếp cho 4 công nhân lao động có nhà bị hư hỏng nặng sớm ổn định cuộc sống.

Tại Thanh Hóa, Nông Cống và Tĩnh Gia là hai huyện bị thiệt hại nặng nhất với mức thiệt hại ước tính khoảng trên 50 tỉ đồng ở huyện Nông Cống và trên 130 tỉ đồng ở huyện Tĩnh Gia. Ông Hoàng Văn Hùng – Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa kể lại, sau bão đi là mưa lớn gặp triều cường, đoạn quốc lộ 1 đi qua Tĩnh Gia ngập sâu từ 0,8-1,2m, giao thông tê liệt.
 

TCT Máy động lực và Máy nông nghiệp ủng hộ huyện Tĩnh Gia


Nước dâng quá nhanh làm 2 đập vỡ và 1 đập tràn, khiến 3 xã của huyện Tĩnh Gia ngập trên diện rộng, đến nỗi khi mang hàng cứu trợ vào, phải huy động 3 ca nô của lực lượng quân đội và biên phòng chạy vào đưa mì tôm, nước uống cho bà con. Số tiền 20 triệu đồng/huyện mà Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương Việt Nam chuyển đến cho Tĩnh Gia và Nông Cống trong đợt này đã thể hiện sự quan tâm của ngành Công Thương tới bà con, chia sẻ cùng họ trong hoạn nạn.
 

Nhà máy ô tô VEAM ủng hộ huyện Tĩnh Gia

Thật tình cờ, khi chúng tôi đang trao quà tại Tĩnh Gia thì gặp đoàn của Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp (VEAM) do ông Trần Ngọc Hà – Chủ tịch Hội đồng thành viên làm trưởng đoàn cũng đến trao quà. Đoàn VEAM còn có thêm đoàn của Nhà máy Ô tô VEAM Thanh Hóa. Ông Hà chia sẻ, với tinh thần hỗ trợ sớm nhất đến đồng bào miền Trung nên Tổng công ty đã lập đoàn hỗ trợ vào ngay miền Trung, và tại các tỉnh, đoàn đều cố gắng đến trực tiếp các địa chỉ cần nhận hỗ trợ. Tổng số tiền VEAM đã chi trong đợt từ thiện này là 350 triệu đồng. Riêng Nhà máy Ô tô VEAM hỗ trợ Tĩnh Gia 1.200 thùng mì tôm và còn trực tiếp đi đến một số xã của huyện để trao quà.

Ngành Công Thương đồng hành cùng người dân, doanh nghiệp

Nhìn lại cả chuyến đi này, điều chúng tôi thấy rất rõ là sự chỉ đạo xuyên suốt, kịp thời từ Bộ Công Thương và Công đoàn Công Thương đến các đơn vị thành viên trong suốt thời gian qua và đặc biệt là trong đợt bão lịch sử này. Ngay khi những con số sớm nhất về thiệt hại được thông tin về, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đã có thư gửi CBCNV các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão và lập đoàn cứu trợ của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Lê Dương Quang làm trưởng đoàn, đoàn cứu trợ của Công đoàn Công Thương do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Thái làm trưởng đoàn lập tức vào miền Trung chỉ đạo việc khắc phục hậu quả của bão. Chuyến đi này của Chủ tịch Công đoàn Công Thương thêm một lần nữa khẳng định sự quan tâm, chia sẻ của ngành Công Thương với đồng bào miền Trung.

+ Ngày 4/10/2013, Bộ Công Thương – Công đoàn Công Thương Việt Nam đã ký công văn liên tịch số 9001/CVLT-BCT-CĐCT gửi các tập đoàn, tổng công ty, các doanh nghiệp thuộc Bộ; các tổng cục, cục, vụ, viện, cơ sở đào tạo, trung tâm và các đơn vị thuộc Bộ; các sở Công Thương đề nghị Thủ trưởng các đơn vị phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Tài Dũng, chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm, vượt qua mọi khó khăn, thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao năm 2013 và kế hoạch 5 năm 2011-2015 mà Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã giao cho ngành Công Thương Việt Nam.


Khi làm việc với UBND các tỉnh, lãnh đạo các tỉnh cũng đánh giá rất cao sự phối hợp hiệu quả và đầy tinh thần trách nhiệm của các Sở Công Thương. Cụ thể như trường hợp của đồng chí Nguyễn Tài Dũng – Phó Giám đốc Sở Công Thương Nghệ An, ông Thái Văn Hằng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ Anh đã đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm của đ/c Dũng, nhận lệnh là không quản ngại đêm hôm mưa gió lên đường làm nhiệm vụ và xảy ra tai nạn đáng tiếc. Tỉnh đã lập hồ sơ để đ/c Dũng được công nhận là liệt sỹ, đồng thời làm các hồ sơ để đề nghị Nhà nước khen thưởng Huân chương cho đ/c Dũng. Trên những mặt trận công tác vất vả nhất, luôn có mặt các cán bộ của ngành Công Thương. Đó cũng chính là nguồn động viên to lớn đối với CBCNV và nhân dân các địa phương, cũng là niềm tự hào của ngành Công Thương cả nước.
 

Đoàn CDDCTVN làm việc tại LĐLĐ tỉnh Quảng Bình


Nhân dịp này, Chủ tịch Lý Quốc Hùng cũng đã gặp và làm việc với LĐLĐ, Sở Công Thương các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị để lên kế hoạch phối hợp hoạt động ngành ngang và ngành dọc sao cho hiệu quả trong thời gian tới. Ông Hùng chia sẻ: “Qua chuyến đi, Công đoàn Công Thương càng thấu hiểu sâu sắc hơn về những mất mát của đồng bào miền Trung. Chúng tôi cũng hiểu thêm và chia sẻ sự khó khăn, vất vả của đội ngũ cán bộ công đoàn tại các LĐLĐ và nhất là của Công đoàn ngành Công Thương tại các tỉnh. Qua đó sẽ xây dựng quy chế phối hợp, quản lý sao cho hiệu quả, thiết thực, phù hợp với đặc thù của từng địa phương.
 

Trao Công văn liện tịch 9001 cho Sở Công Thương Thanh Hóa


Bên cạnh đó, khi trực tiếp trao công văn liên tịch số 9001/CVLT-BCT-CĐCT về việc phát động toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Công Thương học tập tấm gương đồng chí Nguyễn Tài Dũng cho các Sở Công Thương trong chuyến đi này, ngành Công Thương cũng muốn khẳng định các phong trào thi đua yêu nước trong ngành Công Thương sẽ phải làm thường xuyên, liên tục nhưng vẫn có những chủ đề và mục tiêu cụ thể cho từng đợt phát động”.

Về Hà Nội khi thành phố đã bắt đầu vào đêm. Đêm cuối thu se lạnh với mùi hoa sữa nồng nàn thân thuộc, hình ảnh miền Trung ngổn ngang, bừa bộn nhưng kiên cường, mạnh mẽ vẫn đầy ắp trong tâm trí tôi. Đối với tôi, đây là một trong những chuyến đi rất có ý nghĩa trong cuộc đời. Xin một lần nữa gửi lời sẻ chia tới đồng bào miền Trung và mong những tấm lòng nhân ái sẽ tiếp tục, tiếp tục được chuyển đến đây, bù đắp phần nào thiệt hại mà người dân của mảnh đất này phải gánh chịu.

+ Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức 2 đợt đi hỗ trợ đồng bào miền Trung chịu ảnh hưởng của siêu bão số 10 với tổng số tiền 520 triệu đồng (đợt 1: 90 triệu đồng; đợt 2: 430 triệu đồng).


Miền Trung, tháng 7-9/10/2013.

Hồ Nga