banner2019
 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Điều kiện người lao động dôi dư được nghỉ hưu trước tuổi
Cập nhật lúc 07:43 ngày 14/07/2016

Hỏi: Ông Vũ Lâm Sơn (Hưng Yên) sinh ngày 13/11/1963, tham gia quân đội từ tháng 4/1981 đến năm 1984. Năm 1989, ông chuyển ngành làm việc tại Công ty Lương thực Hưng Yên, chưa hưởng trợ cấp khi chuyển ngành. Năm 1998, chuyển sang Công ty Thị chính Hưng Yên (nay là Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên). Ông Sơn đóng BHXH bắt buộc từ tháng 4/1981 đến nay.

Hiện, Công ty đang có kế hoạch chuyển đổi cổ phần hóa, ông Sơn muốn nghỉ hưu trước tuổi. Ông hỏi, trường hợp của ông có được giải quyết chế độ đối với lao động dôi dư hoặc nghỉ hưu trước tuổi không? Nếu được thì tính trợ cấp thế nào? Mức lương hưu sau này tính thế nào? Những năm ông công tác trong quân đội có được hưởng chế độ gì không?


Trả lời:

Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:

Theo quy định về người lao động dôi dư trong công ty nêu tại Điểm a, Khoản 1, Điều 2 và Khoản 1, Điều 3 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ thì người lao động có tên trong danh sách lao động thường xuyên của công ty khi thực hiện cổ phần hóa được tuyển dụng lần cuối cùng trước ngày 21/4/1998, gồm người lao động đang làm việc (hoặc không có việc làm) tại thời điểm cổ phần hóa, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc.

Người lao động dôi dư thuộc trường hợp nêu trên nếu có đủ 55 tuổi đến đủ 59 tuổi đối với nam và có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên thì được nghỉ hưu trước tuổi và không bị trừ tỷ lệ lương hưu do nghỉ hưu trước tuổi, được trợ cấp 3 tháng tiền lương cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi và hỗ trợ 1 tháng lương cơ sở do Chính phủ quy định cho mỗi năm làm việc có đóng BHXH theo quy định.

Trường hợp ông Vũ Lâm Sơn được tuyển dụng lần cuối cùng từ tháng 10/1998 (sau ngày 24/4/1998) vào Công ty Thị chính Hưng Yên (nay là Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên) và chưa đủ 55 tuổi nên không thuộc đối tượng người lao động dôi dư nghỉ hưu trước tuổi theo quy định nêu trên.

Được trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động

Theo quy định tại Điểm c, Khoản 1, Điều 2 và Khoản 1, Điều 4 Nghị định 63/2015/NĐ-CP, ông Sơn được tuyển dụng lần cuối cùng sau ngày 24/4/1998, khi Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên thực hiện cổ phần hóa và ông Sơn thuộc danh sách người lao động dôi dư tại thời điểm cổ phần hóa, công ty đã tìm mọi biện pháp nhưng không bố trí được việc làm, phải chấm dứt hợp đồng lao động thì ông Sơn được hưởng trợ cấp mất việc làm đối với thời gian ông làm việc tại Công ty Thị chính Hưng Yên và Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật Lao động. 

Trường hợp ông Sơn đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật theo Điều 37 của Bộ luật Lao động hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động theo Khoản 3, Điều 36 của Bộ luật Lao động thì ông Sơn được hưởng chế độ trợ cấp thôi việc đối với thời gian ông làm việc tại Công ty Thị chính Hưng Yên và Công ty TNHH MTV Môi trường và Công trình đô thị Hưng Yên theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật Lao động.

Cách tính trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm được thực hiện theo quy định tại Điều 14 Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/1/2015 của Chính phủ và Điều 8 Thông tư số 47/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/11/2015 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.