Thông tin cụ thể như sau:
1. 100% lô hàng cá tra vào Mỹ sẽ được kiểm tra từ 15.7.
Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (NAFIQAD) - Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, từ ngày 15.7 - 15.10, toàn bộ những lô hàng cá thuộc họ Siluriformes (cá tra, basa, cá trê, cá lăng, cá bông lau...) sẽ bị kiểm tra, lấy mẫu kiểm nghiệm và chứng nhận an toàn thực phẩm trước khi xuất khẩu vào Mỹ, với tần suất kiểm tra là 100% lô hàng.
2. 20.000 dòng hàng được áp mã.
Tổng cục Hải quan cho biết cơ quan này đang phối hợp với các bộ Bộ Nông nghiệp- Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương để rà soát 9 danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc các lĩnh vực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, kiểm tra hợp chuẩn, hợp quy, giấy phép con... theo chỉ đạo của Chính phủ.
Từ năm 2015 đến hết tháng 6.2016, đã thực hiện áp mã hàng hóa cho khoảng 20.000 dòng hàng hóa. Tuy nhiên, thực tế con số trên chưa phản ánh cải cách hành chính tại hải quan như kỳ vọng. Vẫn còn nhiều danh mục quản lý chuyên ngành được các bộ, ngành công bố chưa phù hợp với danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu và biểu thuế hiện hành.
3. Chợ vẫn là mô hình bán lẻ tốt.
Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng việc các tập đoàn bán lẻ nước ngoài có mặt tại Việt Nam là cú hích và làn gió mới buộc các DN Việt phải vươn lên cạnh tranh công bằng. Trong số 12 mô hình bán lẻ thông dụng hiện nay, các DN bán lẻ Việt hy vọng bán lẻ online, siêu thị tổng hợp, trung tâm mua sắm, cửa hàng tiện ích… cũng sẽ mang lại nhiều cơ hội. Các mô hình bán lẻ truyền thống như chợ, gánh hàng rong không có nhiều triển vọng nhưng vẫn được đánh giá là những hình thức bán lẻ quan trọng thời gian tới. Nhà nước cần có chính sách phù hợp đối với DN bán lẻ trong nước.
4. Xuất khẩu dệt may tăng trưởng quá thấp.
6 tháng đầu năm 2016, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ, với trị giá 10,7 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của dệt may xuất khẩu trong nhiều năm qua và chỉ mới đi được 1/3 chặng đường so với mục tiêu. Đáng lưu ý, kể từ năm 2010, chưa khi nào tăng trưởng xuất khẩu dệt may lại thấp như 6 tháng đầu năm 2016.
Với tốc độ tăng khá chậm, cộng với đơn hàng không mấy dồi dào, các doanh nghiệp xuất khẩu đang lo ngại thiếu đơn hàng trong nửa cuối năm 2016 và tác động đến khả năng khó hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 31 tỷ USD.
5. Thêm thủy điện... ngược đời.
Theo thiết kế, Thủy điện Thượng Kon Tum (do CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh làm chủ đầu tư) sẽ lấy nước từ sông Đắk Snghé nhưng lại trả nước sau khi phát điện về sông Trà Khúc (tỉnh Quảng Ngãi). Nhiều ý kiến lo ngại cách làm này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng như Thủy điện An Khê - Kanak.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ Thủy điện Thượng Kon Tum, UBND tỉnh Kon Tum đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan xem xét lại dự án nhằm bảo đảm môi trường vùng hạ du.
Thủy điện Thượng Kon Tum sau nhiều lần dừng và điều chỉnh, dự án này dự kiến đến năm 2018 mới hoạt động. Vốn đầu tư ban đầu của Thủy điện Thượng Kon Tum chỉ hơn 5.700 tỉ đồng, nay đã đội lên trên 7.400 tỉ đồng. Nguyên nhân dự án chậm hoàn thành là do nhà thầu Trung Quốc đang thi công đường hầm dẫn nước thì bỏ ngang.
6. Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định tiếp tục hoặc bãi bỏ Thông tư 20.
Theo ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong dự thảo Nghị định mới về sửa đổi một số các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực Công Thương không có điều khoản nào đề cập đến Thông tư 20. Việc xem xét Thông tư 20 có phải là một điều kiện kinh doanh đối với ôtô nhập khẩu nữa hay không, Bộ Công Thương đang chờ ý kiến của Thủ tướng..
7. Quyết định thu hồi C2 nhiễm chì chậm 1 tháng: Cục Quản lý cạnh tranh nói gì?
Thanh tra Bộ Y tế đã chính thức ra quyết định xử phạt thu hồi cách đây hơn 1 tháng nhưng mới đây Cục Quản lý cạnh tranh mới có thông báo thu hồi, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng- Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho biết, với vai trò là cơ quan thực thi pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ngay sau khi có thông tin về quyết định của Bộ Y tế, trong tháng 06/2016, Cục QLCT đã tổ chức một số buổi làm việc với đại diện Công ty TNHH URC Hà Nội để hướng dẫn và yêu cầu Công ty thực hiện việc thu hồi sản phẩm theo các nội dung được quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Bên cạnh đó, Cục QLCT đã có Thông cáo báo chí cung cấp thông tin về vụ việc, trong đó, ngoài việc cung cấp thông tin về sản phẩm liên quan, Cục cũng khuyến cáo người tiêu dùng ngừng sử dụng sản phẩm có liên quan, kiểm tra kỹ thông tin của sản phẩm tương tự, cung cấp thông tin của doanh nghiệp và đường dây nóng bảo vệ người tiêu dùng của Cục để người tiêu dùng liên hệ…
8. Xuất khẩu nhiều thứ 2 thế giới nhưng vẫn thiếu bản sắc, cà phê Việt đang gặp nhiều khó khăn.
Theo số liệu mới công bố từ Bộ Công Thương, xuất khẩu cà phê của Việt Nam ở niên vụ 2014-2015 đã giảm mạnh so với niên vụ trước và đang ở mức thấp nhất trong 5 niên vụ trở lại đây, kể từ niên vụ năm 2010-2011.
Tuy là nước xuất khẩu cà phê nhiều thứ 2 thế giới (sau Brazil) nhưng giá trị xuất khẩu của Việt Nam chưa bao giờ ở mức cao, do sản phẩm được xuất khẩu chủ yếu là cà phê nhân, là loại cà phê chưa qua chế biến.
Niên vụ 2015 - 2016 được dự đoán tiếp tục là khoảng thời gian cà phê chế biến xuất khẩu được chú trọng nhiều hơn.
9. Xoá bỏ hoàn toàn nhà máy Dệt Nam Định là một sai lầm rất lớn.
Việc tỉnh Nam Định chủ trương phá bỏ Nhà máy Dệt Nam Định để xây dựng một khu đô thị dệt may mới đang gây nên nhiều luồng ý kiến trái chiều. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, nếu xoá bỏ hoàn toàn Nhà máy Dệt là một sai lầm rất lớn.
LH (Nguồn Bộ Công Thương)