banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 23/6
Cập nhật lúc 05:02 ngày 23/06/2016

Trong ngày 23 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại, như: Đừng để “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp; 'Siết' quản lý doanh nghiệp đa cấp; Sản xuất ô tô ở Việt Nam: Hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra; Hoàng Anh Gia Lai được miễn thuế nhập khẩu đường từ Lào; Tháng 7 trình Bộ Công Thương phương án cổ phần hoá PV Power; Mỗi ngày xuất khẩu 4.000 tấn vải quả tươi qua cửa khẩu Tân Thanh; Từ 1/7, tăng thuế môi trường, ngành than kêu khó.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Đừng để “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp. 

Theo Thống kê của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI), hiện có tới 7.000 giấy phép con đang “hành” doanh nghiệp. Theo Luật Đầu tư 2014, đến ngày 1.7, các điều kiện kinh doanh quy định ở cấp thông tư nếu không được đưa lên thành nghị định, đương nhiên sẽ bị loại bỏ. Thế nhưng, chỉ còn ít ngày nữa là đến thời điểm hàng ngàn điều kiện đầu tư, kinh doanh sẽ bị bãi bỏ, vậy nhưng rất nhiều trong số đó đang được các bộ, ngành tìm cách “giữ” lại.

Trong nội dung bài viết về vấn đề này, Báo Lao động phản ánh: Điển hình làtheo Điều 7, Luật đầu tư 2014 thì Thông tư 20 nằm trong danh sách giấy phép con “hành” doanh nghiệp, thế nhưng thông tư này lại được Bộ Công Thương nâng cấp và đưa vào nghị định để bảo vệ cho lợi ích nhóm của những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe lớn. Được biết, đến nay 17 bộ, ngành đã tích cực vào cuộc rà soát các điều kiện đầu tư kinh doanh, và về cơ bản đã xác định số lượng nghị định cần xây dựng trên cơ sở nâng cấp các thông tư. Một số bộ đã tích hợp nhiều thông tư vào một nghị định, như Bộ NN&PTNT tích hợp 38 thông tư, Bộ GD&ĐT tích hợp 23 thông tư, Bộ Công Thương tích hợp 23 thông tư, Bộ Y tế tích hợp tới 70 thông tư…

2. 'Siết' quản lý doanh nghiệp đa cấp.

 Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ CôngThương vừa yêu cầu các doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ 6 tháng đầu năm 2016, ngoài việc báo cáo thông tin về doanh nghiệp, gồm tên, địa chỉ, mã số doanh nghiệp, điện thoại, fax, email… thì đáng chú ý doanh nghiệp bán hàng đa cấp phải báo cáo kết quả hoạt động bán hàng đa cấp trong 6 tháng đầu năm. Bao gồm doanh thu bán hàng đa cấp, thống kê về các sản phẩm kinh doanh đa cấp, số lượng người tham gia bán hàng đa cấp, hoa hồng, tiền thưởng và các lợi ích kinh tế trả cho người tham gia bán hàng đa cấp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp này cũng phải báo cáo Báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm 2015; thông tin về kết quả nộp thuế của doanh nghiệp vào ngân sách nhà nước năm 2015 và trong 6 tháng đầu năm 2016. Việc báo cáo phải đầy đủ và đúng hạn trước ngày 15/7/2016 về Cục Quản lý cạnh tranh.

3. Sản xuất ô tô ở Việt Nam: Hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. 

Ngày 22/6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã có phiên làm việc với một số bộ, ngành để tìm hiểu thực trạng, đồng thời xem xét các giải pháp thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển. Trong lĩnh vực sản xuất ô tô, theo báo cáo của Bộ Công Thương, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam vẫn chưa đạt tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự, phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra.

Với thực trạng như hiện tại, việc sớm hoàn thành các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển công nghiệp hỗ trợ là yêu cầu cấp thiết, mang tính quyết định đến việc phát triển các ngành sản xuất then chốt của nền kinh tế. Nhiều chính sách ưu đãi thuế cũng đã được áp dụng để khuyến khích doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, những chính sách hiện hành hiện vẫn chưa hoàn thiện và đồng bộ, do đó chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ phát triển.

4. Hoàng Anh Gia Lai được miễn thuế nhập khẩu đường từ Lào. 

Bộ Tài chính vừa chính thức có công văn trả lời Công ty TNHH MTV Kinh doanh Xuất nhập khẩu Hoàng Anh Gia Lai về việc không tính thuế nhập khẩu mặt hàng đường của công ty này. Theo đó, mặt hàng đường mía không thuộc đối tượng chịu thuế nhập khẩu và không thuộc đối tượng bị hạn chế hạn ngạch khi nhập khẩu về Việt Nam. Vì vậy, trước mắt Bộ Tài chính giao Cục Hải quan Gia Lai-Kon Tum kiểm tra cụ thể số hàng đường mía do Công ty Hoàng Anh Gia Lai nhập khẩu từ Lào về Việt Nam.

5. Tháng 7 trình Bộ Công Thương phương án cổ phần hoá PV Power.

Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) cho biết, Ban chỉ đạo cổ phần hoá Tổng công ty sẽ trình phương án cổ phần hóa để Bộ Công Thương thông qua trong tháng 7 tới. Trên cơ sở đó, Bộ sẽ trình phương án cổ phần hóa này lên Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 8. PV Power cho biết, để đẩy nhanh tiến độ triển khai cổ phần hóa, PV Power đang tập trung phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn để phấn đấu hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp và trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt trong quý II/2016, đảm bảo thực hiện công bố giá trị doanh nghiệp trong tháng này.

6. Mỗi ngày xuất khẩu 4.000 tấn vải quả tươi qua cửa khẩu Tân Thanh.

Ông Đoàn Tuấn Anh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn) cho biết, hiện tại mỗi ngày lượng vải quả tươi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh vào khoảng 4.000 tấn (200 xe, trung bình mỗi xe 20 tấn).

Nhằm tạo điều kiện cho hoạt động xuất khẩu vải quả tươi, đơn vị đã tăng cường làm ngoài giờ, bố trí công chức tư vấn giải quyết các thủ tục cho doanh nghiệp xuất khẩu nhằm tránh tình trạng ùn tắc vải quả tại cửa khẩu, ưu tiên làm thủ tục hải quan đối với mặt hàng vải quả tươi, thủ tục nhanh gọn nhằm giảm thời gian, chi phí, tránh thiệt hại cho doanh nghiệp. Được biết, Trung Quốc cam kết, trong thời gian xuất khẩu vải quả nhiều, cửa khẩu nước này sẽ mở đến 22 giờ thay vì đóng cửa lúc 16 giờ như trước.

7. Từ 1/7, tăng thuế môi trường, ngành than kêu khó.

Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam (TKV) cho biết, sản xuất kinh doanh của TKV từ đầu năm đến nay gặp rất nhiều khó khăn do giá tăng chậm, lượng tiêu thụ trong nước thấp hơn dự báo cùng với việc tồn kho than đang ở mức cao. Từ 1/7 tới, thuế môi trường được áp dụng với hoạt động khoáng sản, tăng thêm từ 3-5% sẽ khiến ngành than đứng trước những khó khăn chồng chất.

Tiêu thụ than trong nước từ đầu năm đến nay cũng giảm do các hộ tiêu dùng lớn trong nước như nhiệt điện, xi măng, phân bón đều thấp. Về giá xuất khẩu than trên thị trường thế giới hiện phục hồi chậm hơn so với giá dầu. Từ 1/7 tới, thuế tài nguyên sẽ tăng với than lộ thiên tăng từ 9% lên 12%, than hầm lò tăng từ 7% lên 10%. Ông Nguyễn Văn Biên - Phó Tổng giám đốc TKV cho biết, ngành than sẽ chồng chất khó khăn vì cùng với tăng thuế, tổng số chi phí của TKV sẽ tăng 1.300 - 1.500 tỉ đồng/năm. Đây là thách thức không nhỏ làm tăng chi phí sản xuất kinh doanh than, cân đối tài chính của ngành đã khó khăn càng khó khăn hơn .

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)