banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 20/6
Cập nhật lúc 10:55 ngày 21/06/2016

Trong ngày 20 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Từ 15g ngày 20-6, xăng giảm 341 đồng/lít; Thép ngoại nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam; Thương lái Trung Quốc thao túng thanh long Bình Thuận; Campuchia tự sản xuất ô tô điện, bao giờ đến lượt Việt Nam?; Cần có cơ chế thưởng cho người báo tin chống buôn lậu; Nghi vấn hàng giả, hàng nhái trà trộn vào sữa Meij (Nhật) tại Việt Nam; Đề nghị Bộ Công Thương điều chuyển 58 xe công; Tổ máy 2 thủy điện Lai Châu chính thức phát điện.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Từ 15g ngày 20-6, xăng giảm 341 đồng/lít.


Căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, chiều 20-6, Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp đầu mối giảm giá xăng RON 92 341 đồng/lít; xăng E5 giảm 336 đồng/lít. Liên bộ cũng cho phép giữ nguyên các mức trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu. 

2. Thép ngoại nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam.

Trong 5 tháng đầu năm 2016, lượng thép nhập khẩu ồ ạt về Việt Nam tăng gần 50%, đã đẩy các doanh nghiệp sản xuất trong nước gặp nhiều khó khăn.

Theo Bộ Công Thương, thép nhập khẩu ồ ạt từ nước ngoài, đặc biệt từ Trung Quốc với giá bán thấp ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Trên thực tế, thời gian qua, các sản phẩm thép và phôi thép nhập khẩu tăng đột biến, đe dọa nghiêm trọng ngành sản xuất thép trong nước là do các doanh nghiệp đang nghe ngóng thông tin về việc Nhà nước có thể sẽ áp dụng biện pháp tự vệ thương mại đối với một số mặt hàng phôi thép, thép dài và tôn mạ.

3. Thương lái Trung Quốc thao túng thanh long Bình Thuận.

Theo phản ánh của báo Tuổi trẻ, gần đây tại Bình Thuận xuất hiện nhiều thương lái Trung Quốc thâu tóm gần như toàn bộ hoạt động mua bán thanh long. Tình hình khó kiểm soát vì nhìn bề ngoài các vựa đăng ký đứng tên người Việt, nhưng bên các chủ vựa người Việt đã cho thương lái Trung Quốc thuê lại vựa để làm ăn.

Trong sáu tháng đầu năm 2016, lực lượng công an tỉnh Bình Thuận đã phát hiện, xử lý 12 người Trung Quốc về hành vi “nhập cảnh, hành nghề hoặc có hoạt động khác tại Việt Nam mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam”. Tất cả những người này đều liên quan đến hoạt động buôn bán thanh long tại Bình Thuận. Mặc dù xử lý như vậy, tình trạng người Trung Quốc đến Bình Thuận buôn bán thanh long vẫn tiếp tục diễn ra và khó kiểm soát.

4. Campuchia tự sản xuất ô tô điện, bao giờ đến lượt Việt Nam?

Mới đây, việc Campuchia ra mắt dòng xe điện Angkor EV thân thiện môi trường với giá khoảng 100 triệu đồng thực sự là một lời cảnh tỉnh rõ ràng hơn bao giờ hết với ngành sản xuất ô nghành công nghiệp ô tô Việt Nam. 

Nguyên nhân của việc Việt Nam không có tên trên bản đồ ô tô thế giới xuất phát từ chính chiến lược phát triển ngành. Theo đó, ưu tiên của Việt Nam chỉ tập trung vào lắp ráp, chứ chưa chú trọng sản xuất ô tô chất lượng cao. Ngoài ra, việc thiếu quy hoạch để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ cũng là một lý do cho sự thất thế của nghành công nghiệp nước ta.

5. Cần có cơ chế thưởng cho người báo tin chống buôn lậu.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia vừa kiến nghị cần có cơ chế thưởng cho người báo tin hiệu quả đến đường dây nóng. Lý do của đề xuất này là, theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sau một năm hoạt động, có hàng trăm tin báo về văn phòng cơ quan này đã được tiếp nhận, xác minh và có kết quả tích cực.

Đến giữa tháng 6.2016 vẫn còn 4 tỉnh chưa công bố đường dây nóng là Bắc Giang, Điện Biên, Hải Dương và Bạc Liêu. Một số địa phương từ khi công bố đến nay vẫn chưa nhận được một tin tố giác nào là Bà Rịa-Vũng Tàu, Quảng Bình.

6. Nghi vấn hàng giả, hàng nhái trà trộn vào sữa Meij (Nhật) tại Việt Nam.


Hãng sữa Meiji mới đây đã có công văn gửi các cơ quan chức năng của Việt Nam đề nghị Tổng cục Hải quan không cấp phép nhập khẩu, thông quan đối với các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu sữa Meiji tiêu thụ nội địa Nhật Bản về Việt Nam. Lý do là sữa tiêu thụ nội địa Nhật Bản không đúng với chuẩn ở Việt Nam; chất lượng hàng nội địa sang tới Việt Nam không rõ ràng; có thể bị hàng nhái, hàng giả trà trộn.

Trong văn bản trả lời báo chí và hãng sữa Meiji (xuất xứ Nhật Bản), Tổng cục Hải quan cho hay chưa nhận được thông tin nào phản ánh về tình trạng hàng giả, hàng nhái trà trộn vào hàng Nhật Bản trên thị trường Việt Nam.

7. Đề nghị Bộ Công Thương điều chuyển 58 xe công.

Các báo trong ngày đưa tin phản ánh:Bộ Tài chính cho biết, theo kết quả rà soát từ Bộ Công Thương, hiện số lượng xe công tại cơ quan này đang vượt quy định 58 xe.

Cụ thể, theo quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng xe ô tô trong các cơ quan Nhà nước, cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương gồm 1 Bộ trưởng, 6 Thứ trưởng, 1 Tổng cục trưởng và 3 Cục trưởng có hệ số phụ cấp chức vụ là 1,25 nên Bộ Tài chính đề nghị điều chỉnh lại định mức sử dụng ô tô phục vụ chức danh là 11 xe, thay vì 12 xe chức danh như hiện nay. Ngoài ra, về xe ô tô phục vụ chung, Bộ Công Thương hiện đang có 192 xe, trong khi tiêu chuẩn tối đa chỉ được 135 xe.

8. Tổ máy 2 thủy điện Lai Châu chính thức phát điện.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết sáng 20-6, tổ máy số 2 của Nhà máy thủy điện Lai Châu đã chính thức phát điện và hòa điện lần đầu thành công vào lưới điện quốc gia. Công suất phát cao nhất trong quá trình hòa điện lần đầu tổ máy đạt 400 MW. Hiện tại nhà thầu tiếp tục thực hiện các thử nghiệm theo quy định của hợp đồng tiến đến phát điện thương mại tổ máy và đưa tổ máy vào vận hành chính thức vào đầu quý III-2016.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)