banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tháng 5/2017: Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Lao động sửa đổi
Cập nhật lúc 06:18 ngày 20/06/2016

Bộ LĐ-TB&XH đang tham mưu Chính phủ đẩy nhanh tiến độ trình nội dung sửa đổi Luật Lao động vào kỳ họp Quốc hội tháng 5/2017 và lấy ý kiến thông qua vào kỳ họp tháng 10/2017. Trước đó, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tham mưu Chính phủ trình nội dung sửa đổi vào kỳ họp Quốc hội tháng 10/2017.

Đây là một trong những nội dung được Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Trọng Đàm trình bày với Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội về kế hoạch chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 và nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV.


Theo Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm, việc sửa đổi Luật lao động nhằm đáp ứng một số yêu cầu thực tế phát sinh trong quá trình tuyển dụng, sử dụng lao động của doanh nghiệp, đáp ứng tính linh hoạt của thị trường lao động trong bối cảnh hội nhập.

Hiện đã có rất nhiều Luật khác có nội dung liên quan với Bộ luật Lao động được ban hành hoặc sửa đổi (như: Bộ luật Dân sự sửa đổi năm 2015, Luật Tố tụng Dân sự năm 2015, Luật Doanh nghiệp năm 2014, Luật Hình sự năm 2015 ...) nên Bộ luật Lao động cũng cần phải được sửa đổi cho phù hợp.

Đồng thời, việc sửa đổi còn đáp ứng yêu cầu của các cam kết trong các Hiệp định thương mại mà Việt Nam tham gia: Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC).

Việc sửa đổi còn nhằm tiếp tục nội luật hóa các tiêu chuẩn lao động quốc tế quy định tại các Công ước của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các nước thành viên dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các Công ước cơ bản đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các Công ước đó.

Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhận định, trên cơ sở đó, Bộ luật lao động năm 2012 cần phải tiếp tục sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; lao động và quản lý lao động trong tình hình mới và tương thích với các tiêu chuẩn lao động quốc tế.

Để chuẩn bị cho công tác sửa đổi, Bộ LĐ-TB&XH đang đề nghị các Bộ, ngành, địa phương, các Tập đoàn, Tổng công ty đánh giá sơ kết 3 năm thi hành Bộ luật Lao động, dự kiến hết tháng 6 sẽ hoàn thành.

Đồng thời, Bộ đã thành lập Nhóm nghiên cứu rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động và tiến hành đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp để nắm bắt các vướng mắc và kiến nghị về Bộ luật Lao động

Theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, việc sửa đổi Luật Lao động sẽ gồm 3 nội dung chính, gồm:

Sửa đổi, bổ sung những bất cập trong Bộ luật Lao động 2012 đã phát sinh hoặc dự kiến phát sinh trong thực tiễn nhằm đảm bảo sự phát triển hài hòa của quan hệ lao động, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động.

Điều chỉnh và bổ sung các quy định trong Bộ luật Lao động năm 2012 để đảm bảo phù hợp với nội dung các luật đã ban hành trong thời gian gần đây.

Đồng thời, việc sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, phân biệt đối xử trong lao động và quy định bảo đảm điều kiện lao động về lương tối thiểu, giờ làm việc, an toàn lao động, việc thành lập tổ chức đại diện của người lao động phù hợp với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết trong Hiệp định TPP.

Bộ LĐ-TB&XH cũng có kế hoạch trình Dự án Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng năm 2012 sẽ được Ủy ban thường vụ Quốc hội vào tháng 10/2016.

Các nội dung dự kiến được sửa đổi: Quy định chuyển nhóm đối tượng người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đã được công nhận và thực hiện chế độ ưu đãi trước ngày 01/9/2012; Quy định bổ sung những trường hợp bị thương đã được khám giám định và kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động dưới 21% mà vết thương cũ tái phát được khám giám định lại; Quy định bổ sung trợ cấp một lần đối với thân nhân của người được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng lao động trong thời kỳ kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế hoặc đã chết mà chưa được hưởng chế độ.