banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 2/6
Cập nhật lúc 09:25 ngày 03/06/2016
Trong ngày 02 tháng 6 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vụ cột điện 220kV làm bằng bêtông trộn đất: Kiểm định móng cột toàn tuyến; Đã tính phương án “đóng cửa” Nhà máy Đạm Ninh Bình; Trung Quốc “hứa” mở cửa khẩu, giảm ùn ứ nông sản cho Việt Nam; Không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016; Doanh nghiệp gas vừa và nhỏ kêu trời; Kiến nghị Chính phủ không triển khai thực hiện dự án thủy điện Đrăng Phốk.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Vụ cột điện 220kV làm bằng bêtông trộn đất: Kiểm định móng cột toàn tuyến.


Báo Lao động hôm nay vẫn tiếp tục loạt bài về vụ việc này (bài đầu tiên đăng ngày 25/5) trong đó cho biết, Công ty Cổ phần Sông Đà 11 đã lập đoàn kiểm tra.

Qua đánh giá ban đầu của Trung tâm thí nghiệm – là Công ty Tư vấn xây dựng Sông Đà, các mẫu bê tông khoan lấy tại hiện trường nhiều mẫu không đạt yêu cầu, nhiều mẫu chỉ đạt cường độ chịu lực là 12-13 newton/mm2. Trong khi đó, theo yêu cầu, các mẫu bê tông được khoan lấy tại hiện trường đã qua 28 ngày tuổi phải đạt cường độ chịu lực lớn hơn 14 newton/mm2. Điều này chứng tỏ những gì mà người dân phản ánh là có cơ sở.

Công ty yêu cầu những người trực tiếp liên quan tới sai phạm này bồi hoàn toàn bộ chi phí, thiệt hại do họ gây ra. Toàn bộ số tiền thiệt hại sẽ được khấu trừ dần vào tiền lương hàng tháng của các cán bộ, cá nhân có liên quan.

Công ty Cổ phần Sông Đà 11 đã lên kế hoạch thực hiện phương án lấy mẫu bê tông để kiểm định rà soát lại chất lượng trụ và móng của toàn bộ các vị trí cột trên toàn tuyến đường dây 220kV Trực Ninh – Nam Định.

2. Đã tính phương án “đóng cửa” Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Ngày 01/6, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, đã đề cập đến phương án đóng cửa Nhà máy Đạm Ninh Bình.

Tính đến 25/5, lượng tồn kho tại Ninh Bình còn 19.200 tấn. Ngày 1/6, Nhà máy Đạm Ninh Bình đã triệu tập lao động để thảo luận phương án chạy lại máy, học lại quy định vận hành. Dự kiến khoảng 1 tuần sau sẽ sản xuất trở lại.

Về nguyên nhân dẫn tới lỗ khủng, ông Chu Văn Tuấn – Phó tổng giám đốc Vinachem cho rằng, 2 năm qua giá đạm thế giới liên tục giảm, nguồn cung vượt quá nhu cầu sử dụng.

Về thông tin cho rằng dây chuyền sản xuất của Nhà máy nhập từ Trung Quốc, ông Chu Văn Tuấn khẳng định: “Nhà máy Đạm Ninh Bình được đầu tư dây chuyền công nghệ hiện đại, việc trục trặc là do trình độ công nhân chưa đáp ứng được.

Để giải quyết những khó khăn trên, ông Tuấn cho biết, lãnh đạo Vinachem  đã báo cáo đề xuất 11 phương án với Chính phủ, Bộ Công Thương, trong đó có cả phương án đóng cửa Nhà máy. Nếu áp dụng phương án đóng cửa, nhà máy sẽ lỗ 1.000 tỷ đồng/năm để trả nợ, trả lãi.

3. Trung Quốc “hứa” mở cửa khẩu, giảm ùn ứ nông sản cho Việt Nam.

Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục chỉ định thêm các cửa khẩu được phép nhập khẩu hoa quả trên tuyến biên giới đất liền Việt – Trung, qua đó giảm bớt áp lực, tránh tình trạng ùn ứ nông sản, hoa quả tại một số cửa khẩu vào những dịp cao điểm.

Trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam của ông Chi Thụ Bình, Tổng cục trưởng (cấp Bộ trưởng) Tổng cục Giám sát chất lượng, kiểm nghiệm và kiểm dịch quốc gia Trung Quốc (AQSIQ) từ ngày 29/5-2/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã có buổi hội đàm song phương Tổng cục trưởng AQSIQ Chi Thụ Bình vào chiều 31/5.Tại buổi hội đàm, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh và Tổng cục trưởng AQSIQ thống nhất tăng cường hợp tác góp phần tạo thuận lợi trong các hoạt động kiểm nghiệm kiểm dịch đối với hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc. Bên cạnh đó, phía Trung Quốc thông báo sẽ tiếp tục chỉ định thêm các cửa khẩu phía Trung Quốc được phép nhập khẩu hoa quả trên tuyến biên giới đất liền Việt – Trung.

Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí sẽ trao đổi tiến tới ký kết 1 Bản ghi nhớ tăng cường hợp tác trong một số nội dung như hàng rào kỹ thuật (TBT), xây dựng cơ chế phối hợp cảnh báo sớm theo thông lệ quốc tế khi phát hiện các vấn đề liên quan đến kiểm nghiệm, kiểm dịch đối với hàng nông thủy sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, trao đổi các chính sách mới và giải quyết các vấn đề phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu hàng nông, thủy sản Việt Nam.

4. Không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016.


Không tăng giá bán lẻ điện trong năm 2016, không thành lập Quỹ bình ổn giá điện và không tăng phí BOT. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo như vậy tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 diễn ra ngày 01/6.

Về giá xăng dầu, Thủ tướng chỉ đạo tiếp tục thực hiện Nghị định của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu với tinh thần bám sát giá thị trường thế giới, kiểm soát chặt chẽ chi phí, sử dụng hiệu quả Quỹ bình ổn giá.

5. Doanh nghiệp gas vừa và nhỏ kêu trời.

Nghị định số 19/2016/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh gas tuy có “đỡ” hơn Nghị định 107 trước đây nhưng các doanh nghiệp kinh doanh gas có quy mô vừa và nhỏ cho rằng với các điều kiện đưa ra là “giết chết họ”. Theo các doanh nghiệp, điều kiện kinh doanh khí đối với thương nhân phân phối khí (phần lớn là các doanh nghiệp gas nhỏ) quy định trong Nghị định 19 là quá sức đối với họ.

Theo các doanh nghiệp, quy mô vừa và nhỏ thì chỉ 2 điều kiện về trạm chiết và số lượng vỏ bình cũng ảnh hưởng rất lớn đến kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp cho rằng các điều kiện không công bằng với họ. Nếu áp dụng thì họ sẽ chết, chỉ có doanh nghiệp lớn sống khỏe và được hưởng lợi từ thị phần của họ bỏ lại. Doanh nghiệp hoạt động theo Luật doanh nghiệp, mở rộng thị trường đến đâu thì đầu tư đến đó. Trong khi thị trường của doanh nghiệp còn hạn chế lại bắt đầu tư lớn chẳng khác nào buộc họ phải khai tử.

Trả lời bức xúc của các doanh nghiệp gas tại hội nghị, ông Nguyễn Lộc An, Vụ phó Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương, cho rằng trong nghị định đã cho phép sáp nhập, liên doanh, mua bán. Luật ra chung cho mọi người, mọi kinh doanh chứ không thể bao trùm được hết. Luật mới ra không thể nuông chiều doanh nghiệp. Luật không thể phủ được hết, không thể được cho mọi người, mong doanh nghiệp thông cảm.

6. Kiến nghị Chính phủ không triển khai thực hiện dự án thủy điện Đrăng Phốk.

UBND tỉnh Đăk Lăk kiến nghị Chính phủ không tiếp tục triển khai dự án thủy điện Đrăng Phốk trong vùng lõi Vườn Quốc gia Yok Đôn.

Trước cảnh báo của các nhà khoa học, dư luận, báo chí không đồng tình với việc xây dựng công trình thủy điện này vì nằm trong vùng lõi của Vườn Quốc gia Yok Đôn. UBND tỉnh Đăk Lăk đã giao cho các ngành chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra, rà soát, đánh giá lại việc thực hiện dự án trong giai đoạn hiện nay và đều đi đến thống nhất kiến nghị dừng triển khai thực hiện dự án thủy điện trên.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)