banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 31/5
Cập nhật lúc 08:19 ngày 01/06/2016
Trong ngày 31 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin đáng chú ý về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Vấn đề trộn đất vào móng bêtông đường dây 200kV ở Nam Định; Xuất khẩu sản phẩm gỗ quá nhiều rủi ro; Lô hàng cá da trơn của 2 doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm hóa chất; Long An bắt 22.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc; Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Aim Star Network Việt Nam; Vietfoods cân nhắc việc khiếu kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội; Trong 2 năm, 9.000 lao động ngành than mất việc.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Vấn đề trộn đất vào móng bêtông đường dây 200kV ở Nam Định.


Tiếp theo loạt bài viết về vấn đề trộn đất vào móng bêtông đường dây 200kV Trực Ninh, Nam Định, trên báo Lao động  ngày hôm nay 31/5 tiếp tục có bài viết đưa tin về vấn đề này.

 Bài viết “Vụ trụ điện 220KV làm bằng bê tông trộn đất ở Nam Định: Chủ đầu tư, đơn vị thi công và giám sát đều phải chịu trách nhiệm” trên báo Lao động có nêu ý kiến của Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM khóa XIII - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Trần Du Lịch và Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Bùi Đức Thụ. Ông Lịch cho rằng trách nhiệm vấn đề này thuộc về cả 3 đơn vị: đơn vị trực tiếp thi công, chủ đầu tư và đơn vị giám sát. Ông cũng cho rằng với các công trình trọng yếu, trọng điểm thì việc gian dối như vậy là không thể chấp nhận và đề nghị các cơ quan chức năng có trách nhiệm phải làm rõ và xử lý nghiêm minh việc này. Ông Thụ cũng tỏ ra khá bức xúc trước vụ việc, ông cho rằng trách nhiệm trước hết là của nhà thầu thi công và đề nghị các cơ quan chức năng phải sớm vào cuộc, xử lý một cách nghiêm minh, kịp thời những tập thể cá nhân sai phạm, để việc sử dụng vốn của Nhà nước, tiền thuế của dân được hiệu quả.

Bài viết “Vụ trụ điện “bê tông trộn đất”: Nếu không sai sao phải sợ?” trên báo Năng lượng mới ngày 31/5 có đặt ra câu hỏi: Người tố cáo sẵn sàng bỏ tiền túi để cơ quan chức năng vào kiểm định chất lượng công trình và cũng sẵn sàng chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu nội dung tố cáo là sai, vậy tại sao phía Công ty cổ phần Sông Đà 11 lại vội vàng “tự kiểm tra” mà không có cơ quan chức năng chứng kiến, giám sát? 

2. Xuất khẩu sản phẩm gỗ quá nhiều rủi ro.

Có quá nhiều rủi ro mà các doanh nghiệp ngành xuất khẩu đồ gỗ Việt đang đối mặt.

Theo kết quả nghiên cứu, có rất rất nhiều vấn đề có thể đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ Việt rơi vào tình hình khó khăn, trong quá trình hoạt động của ngành đang tiềm ẩn nhiều rủi ro, như: nguồn gốc gỗ nguyên liệu không rõ ràng, doanh nghiệp không nắm chắc thông tin các quy định của thị trường xuất khẩu. Những doanh nghiệp nhỏ không có nguồn lực, kỹ năng, trình độ quản lý sẽ đối mặt với nhiều khó khăn do khó thay đổi, không thích ứng kịp với thị trường. Với quá nhiều bất cập, rủi ro cho ngành xuất khẩu đồ gỗ, nhiều vấn đề bắt nguồn nguyên nhân từ chính sách do thiếu sự đồng bộ.

3. Lô hàng cá da trơn của 2 doanh nghiệp Việt Nam bị nhiễm hóa chất.

Theo cảnh báo từ Cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản, đã có 2 doanh nghiệp xuất khẩu cá da trơn Việt Nam sang Mỹ bị phát hiện nhiễm hóa chất, kháng sinh cấm.

Cục quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cũng yêu cầu các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ thực hiện kiểm soát chặt chẽ nguồn cung cấp nguyên liệu và điều kiện an toàn thực phẩm trong toàn bộ các công đoạn sản xuất, đặc biệt là các chỉ tiêu hóa chất, kháng sinh trong sản phẩm.

4. Long An bắt 22.000 lít dầu DO không rõ nguồn gốc.


Chiều 30/5, Công an huyện Cần Giuộc (Long An) cho biết, đang phối hợp với Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Long An, điều tra làm rõ vụ vận chuyển 22.000 lít dầu DO, không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, lực lượng công an tạm giữ một xe bồn, hai tàu gỗ cùng đối tượng Lai, Dũng và Nguyễn Hoàng Đại, Nguyễn Bửu, Bùi Minh Quang để tiếp tục điều tra làm rõ.

5. Chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp của Aim Star Network Việt Nam.

Ngày 30/5, Cục Quản lý Cạnh tranh đã phát đi thông báo về việc chấm dứt hoạt động bán hàng đa cấp, đề nghị rút tiền ký quỹ của Công ty TNHH Aim Star Network Việt Nam. Trong thời hạn 30 ngày, người tham gia bán hàng đa cấp nếu chưa được công ty này hoàn thành các nghĩa vụ theo quy định thì có quyền thông báo đến Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương), yêu cầu công ty giải quyết. Sau thời hạn trên, nếu không có thông báo nào của người tham gia, Cục sẽ giải tỏa ký quỹ cho công ty này.

6. Vietfoods cân nhắc việc khiếu kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Theo đại diện của Vietfoods, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã trả lại lô hàng 2.2 tấn xúc xích bị tạm giữ do không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa hề nhận được xin lỗi từ cơ quan chức năng. Do vậy, Vietfoods cho biết đang cân nhắc khả năng khiếu kiện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội.

Cơ sở kinh doanh và chế biến thực phẩm Việt (Vietfoods) cũng cho biết doanh nghiệp đã chịu tổn thất lớn về kinh tế sau khi lô hàng 2.2 tấn xúc xích trên bị tạm giữ kéo dài tới hơn 1 tháng. Tới nay Vietfoods phải nhận lại hơn chục tấn hàng từ khách hàng, nhà máy ngừng hoạt động và hàng trăm công nhân nghỉ việc.

7. Trong 2 năm, 9.000 lao động ngành than mất việc.

Đầu năm 2016, số lượng tồn lên đến gần 10 triệu tấn than sạch được xem là đáng báo động, ảnh hưởng tới việc giữ ổn định sản xuất và tăng trưởng của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV). TKV không còn lựa chọn nào khác ngoài tái cơ cấu toàn ngành, đồng nghĩa với việc sẽ có hàng nghìn lao động buộc phải nghỉ, thôi việc và thuyên chuyển công việc khác.

Tuy dư thừa hàng nghìn lao động làm công việc quản lý, phụ trợ, phục vụ, nhưng một thực tế là trong nhiều năm qua, TKV luôn thiếu hàng nghìn lao động là thợ lò trong các hầm mỏ.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)