banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Một cuộc bình chọn vô bổ
Cập nhật lúc 10:06 ngày 21/05/2016

Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị ngừng tổ chức cuộc bình chọn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vì nội dung đưa ra không chính xác, không hợp lý, không hợp tình và thiếu hiểu biết về tổ chức Công đoàn.

Sáng 16-5, Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký văn bản phúc đáp công văn của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về cuộc bình chọn “Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất”. Theo đó, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị VCCI dừng việc làm trên bởi việc bình chọn này đã phủ nhận một quy định tốt mà gần 55 năm qua Đảng, nhà nước, Quốc hội đã quan tâm chăm lo cho người lao động (NLĐ) và tổ chức Công đoàn(CĐ).

Lập lờ, đánh tráo khái niệm

Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ cuối năm 2015, VCCI đã tiến hành cuộc bình chọn mang tên “Các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất - Top ten Regulations”. VCCI đã lập website http://topten.vibonline.com.vn/ và một fanpage trên Facebook mang tên “Cuộc bình chọn 10 quy định tốt nhất và tồi nhất”. Dự kiến, kết quả bình chọn được công bố trong tháng 5 này sẽ chỉ ra 10 quy định tốt nhất và 10 quy định tồi nhất được ban hành bởi các cơ quan nhà nước cấp trung ương.

Theo VCCI, quy định “doanh nghiệp (DN) phải đóng tài chính cho CĐ bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH” nằm trong hạng mục quy định tồi. VCCI lý giải quy định đóng tài chính CĐ là “quy định tồi” vì CĐ là tổ chức tự nguyện của NLĐ nhưng lại yêu cầu NLĐ đóng CĐ phí là không cần thiết, chưa xuất phát từ tính chất, vai trò của CĐ. VCCI cũng cho rằng việc yêu cầu DN đóng CĐ phí sẽ làm giảm tính độc lập của CĐ. Hơn nữa, đối với cả những DN không có CĐ, có nghĩa là NLĐ đã thỏa mãn với lợi ích được hưởng mà không có nhu cầu đòi hỏi thêm thì DN vẫn phải nộp CĐ phí. VCCI cũng cho rằng khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ NLĐ là chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng. Nếu số tiền đó được chủ sử dụng lao động giữ lại thì có thể giúp tăng lương cho NLĐ hoặc tăng đầu tư cho tư liệu sản xuất giúp tăng năng suất lao động.

Theo Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, ngay trong lý giải của VCCI đã có những điểm lập lờ, thiếu chính xác, đánh tráo khái niệm. Cụ thể, đoàn phí CĐ do đoàn viên CĐ đóng góp theo Điều lệ CĐ Việt Nam (khoản 1, điều 26) chứ không phải do NLĐ đóng; DN đóng kinh phí bằng 2% quỹ tiền lương làm căn cứ đóng BHXH cho NLĐ (khoản 2, điều 26) chứ không phải DN đóng tài chính cho CĐ. Ngoài ra, việc DN trích nộp kinh phí CĐ không ảnh hưởng đến tính độc lập của tổ chức CĐ bởi CĐ cơ sở hoạt động theo Luật CĐ, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của CĐ cấp trên chứ không phải của DN. Mặt khác, VCCI nói ở các DN chưa có tổ chức CĐ có nghĩa là tất cả NLĐ đã thỏa mãn với lợi ích được hưởng mà không có nhu cầu đòi hỏi thêm là võ đoán, chủ quan.

Mỗi năm, hàng chục ngàn công nhân xa quê được đón xuân bên gia đình từ chương trình “Tấm vé nghĩa tình” của Công đoàn. Ảnh: HOÀNG TRIỀU

 Chăm lo cho công nhân bị tai nạn lao động Ảnh: Hoàng Triều

Tổng LĐLĐ Việt Nam chỉ ra một thực tế: Không có gì chứng minh cho việc nếu không đóng kinh phí CĐ 2% thì chủ sử dụng lao động sẽ dùng nguồn kinh phí ấy để tăng lương cho NLĐ. Hiện có hàng ngàn DN, chủ yếu là DN chưa có tổ chức CĐ, đã trốn đóng BHXH, tiền lương và thu nhập của NLĐ chưa bảo đảm cuộc sống tối thiểu, quyền lợi của NLĐ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến nhiều cuộc tranh chấp, ngừng việc tập thể làm cho quan hệ lao động phức tạp, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, an toàn xã hội.

Không thuyết phục, thiếu khách quan

Theo ông Tao Yu Kan, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Triple Việt Nam (100% vốn Đài Loan; huyện Củ Chi, TP HCM), nếu đã hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì mọi DN, bất kể thành phần kinh tế, phải thực hiện đầy đủ pháp luật nước sở tại, trong đó có Luật CĐ. Từ suy nghĩ ấy, trong năm 2015, ban giám đốc công ty đã trích nộp gần 2,5 tỉ đồng kinh phí CĐ. Sau khi nộp 35% về CĐ cấp trên, 65% để lại cho CĐ cơ sở được sử dụng vào các hoạt động chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho 3.000 công nhân (CN). Đánh giá về hiệu quả sử dụng kinh phí CĐ, ông Tao Yu Kan khẳng định: “CĐ cơ sở luôn minh bạch trong việc sử dụng nguồn kinh phí CĐ nên ban giám đốc rất tin tưởng. Quan trọng hơn là nhờ nguồn kinh phí này mà đời sống vật chất và tinh thần của CN được nâng lên, năng suất lao động cải thiện rõ rệt. Ngoài trích nộp đủ kinh phí CĐ, ban giám đốc còn ủng hộ thêm cho CĐ hoạt động. Chẳng hạn như việc đài thọ chi phí để CĐ tổ chức cho CN nghỉ mát”.

Đồng quan điểm với ông Tao Yu Kan, ông Wang Chen Yi, Tổng Giám đốc Công ty TNNH Ever Win (100% vốn Đài Loan; KCN Bình Chiểu, quận Thủ Đức, TP HCM), cho rằng ý kiến đánh giá của VCCI “khoản tiền 2% quỹ lương của toàn bộ NLĐ là khoản chi phí xã hội rất lớn nhưng không mang lại hiệu quả rõ ràng” là không thuyết phục. Ở Công ty TNHH Ever Win, ngoài trích nộp đầy đủ kinh phí CĐ, ban giám đốc còn sẵn sàng hỗ trợ thêm chi phí để CĐ cơ sở chăm lo cho CN, chẳng hạn ủng hộ chương trình “Tấm vé nghĩa tình”, hỗ trợ CN có hoàn cảnh khó khăn. “Xếp quy định trích nộp 2% kinh phí CĐ vào đề cử tồi là thiếu khách quan bởi thực tế nguồn kinh phí này chính là để chăm lo cho CN” - ông Wang Chen Yi bày tỏ.

CĐ đang làm thay DN

Thời gian qua, nguồn kinh phí CĐ 2% đã được dùng để chăm lo cho quyền lợi và đời sống của hàng triệu NLĐ. Đơn cử như tại Công ty TNHH Juki Việt Nam (100% vốn Nhật Bản; KCX Tân Thuận, TP HCM), ngay cả khi chưa có quy định về việc trích nộp kinh phí, ban giám đốc đã hỗ trợ hàng trăm triệu đồng mỗi năm cho CĐ hoạt động. Đến khi quy định trích nộp 2% kinh phí CĐ có hiệu lực, không chỉ trích nộp đầy đủ, DN còn “xin góp thêm” 50% kinh phí để NLĐ được chăm lo tốt hơn nữa. Chính vì vậy hơn 1.000 lao động tại DN luôn được hưởng lợi từ sự hợp tác giữa CĐ và ban giám đốc. Không kể các hoạt động vui chơi, nghỉ mát, chăm lo cho con CN, mỗi CN còn nhận được quà ít nhất 4 lần trong năm.

Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch CĐ công ty, chia sẻ: “Tôi bất ngờ khi nhiều DN cho rằng việc trích nộp kinh phí CĐ lại trở thành quy định tồi nhất bởi thực tế, kinh phí CĐ chủ yếu dùng để chăm lo cho CN, từ những chuyện nhỏ như hiếu hỉ, ốm đau, sinh nhật đến quà các dịp lễ, Tết hoặc những lúc khó khăn đột xuất. Đó là việc mà lẽ ra mỗi ông chủ DN phải làm nhưng không thể quán xuyến hết được nên CĐ đang làm thay cho họ để chăm sóc CN”.

Tại Công ty TNHH Freetrend (KCX Linh Trung 1, TP HCM), từ khi có quy định trích nộp 2% kinh phí, ban giám đốc đã thực hiện nghiêm túc. Số tiền này hơn 2 tỉ đồng mỗi năm, sau khi trích nộp lên CĐ cấp trên, CĐ công ty còn khoảng 1,5 tỉ đồng. Khi khoản tiền trích nộp được nâng lên, CĐ cũng tổ chức nhiều hoạt động chăm lo cho CN hơn: tặng quà Tết, quà 8-3, hội thao ngày 30-4, quà 20-10, thi nấu ăn, cắm hoa, bóng đá, quà ngày Quốc khánh 2-9... “Hằng năm, CĐ đều có kế hoạch hoạt động thật cụ thể, trong đó có dự trù chi phí, báo cáo CĐ cấp trên và gửi ban giám đốc xem xét. Tất cả khoản thu, chi đều công khai, minh bạch cho toàn thể CN và ban giám đốc biết. Vì thế, công ty hoàn toàn ủng hộ việc trích nộp 2% kinh phí CĐ” - ông Liêu Quang Vinh, Chủ tịch CĐ công ty, cho biết.

Chính DN thụ hưởng hiệu quả từ sự chăm lo của CĐ

Ông Huỳnh Phát Đạt, Chủ tịch CĐ Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam (quận 4, TP HCM), cho biết hằng năm, kinh phí để lại cho CĐ cơ sở trên dưới 4 tỉ đồng. Từ khi có nguồn kinh phí, NLĐ được chăm lo ngày càng tốt hơn. Chúng ta nên nhớ khi NLĐ được chăm lo tốt, họ sẽ làm việc hăng say, hiệu quả hơn và thừa hưởng hiệu quả này trước tiên là người sử dụng lao động.

Tại công ty, ngoài phúc lợi theo thỏa ước lao động tập thể thì NLĐ còn được chăm lo nhiều từ kinh phí CĐ như học bổng cho con NLĐ; thăm hỏi khi NLĐ và thân nhân bị ốm đau, bị bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn lao động; chi ma chay, hiếu hỉ; tặng quà trong các dịp lễ, Tết, kỷ niệm…

Chỉ có lợi cho DN

“Kinh phí CĐ được thu chi theo các quy định tài chính chặt chẽ; được kiểm tra, giám sát kịp thời. Có thể nói toàn bộ kinh phí thu được đều dành chăm lo cho NLĐ từ đời sống vật chất đến tinh thần. Một khi được chăm lo, NLĐ càng yên tâm, gắn bó, làm việc tốt hơn. Điều đó chỉ có lợi cho DN. Chính vì vậy nếu ai đó nói quy định trích nộp 2% kinh phí CĐ là quy định tồi thì nên xem xét lại bởi tôi thấy đó là một quan điểm sai lầm” - ông Nguyễn Ngọc Tráng, Chủ tịch CĐ Công ty CP Sản xuất Kinh doanh Sơn Kim (quận 2, TP HCM), nhìn nhận.

Nguồn NLĐ