banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Những thách thức chủ yếu của Công đoàn khi Việt Nam phê chuẩn và thực thi TPP
Cập nhật lúc 02:12 ngày 18/05/2016

Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với sự tham gia của 12 quốc gia, trong đó có Việt Nam đang trong quá trình xem xét để phê chuẩn.

Đây là cơ hội để Việt Nam hội nhập sâu, rộng với quốc tế, nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức to lớn, trong đó có tổ chức Công đoàn. Đặc biệt những cam kết về lao động trong TPP nói chung và kế hoạch của Việt Nam và Hoa Kỳ về tăng cường thương mại và lao động nói riêng.


Những thách thức này đã được ông Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Trưởng ban Tổ chức, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phân tích tại Diễn đàn Quan hệ lao động Việt Nam. Trân trọng giới thiệu nội dung tóm tắt như sau:

I. NHỮNG TÁC ĐỘNG ĐẾN TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM KHI VIỆT NAM PHÊ CHUẨN VÀ THỰC THI TPP

Thứ nhất, người lao động làm việc trong một DN, không có sự phân biệt được thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở theo sự lựa chọn của họ mà không phải xin phép trước. Để được hoạt động, tổ chức này phải đăng ký với TLĐLĐVN hoặc với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tùy theo sự lựa chọn của tổ chức đó.

Thứ hai, tổ chức của người lao động không phải thực hiện các nghĩa vụ và trách nhiệm chính trị mà không trái với những quyền lao động được nêu trong Tuyên bố của ILO, nên tổ chức của người lao động chỉ tập trung vào nhiệm vụ chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền lợi của người lao động.

Thứ ba, nguồn lực đảm bảo cho hoạt động của Công đoàn Việt Nam có nguy cơ bị giảm sút, nguồn thu tài chính của các cấp công đoàn thuộc TLĐLĐVN giảm mạnh (thời kỳ đầu là đoàn phí, sau đó là kinh phí công đoàn).

II. NHỮNG THÁCH THỨC TRONG VIỆC ĐỔI MỚI CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1. Về thực hiện chức năng nhiệm vụ: Theo quy định của Điều lệ Công đoàn Việt Nam, nhiệm vụ của CĐCS được cụ thể hóa từ 3 chức năng của công đoàn (chức năng bảo vệ, chức năng giáo dục và chức năng tham gia quản lý), tuy nhiên, việc triển khai thực hiện nhiệm vụ còn dàn trải chưa thực sự tập trung thực hiện chức năng bảo vệ.

2. Về mô hình tổ chức, bộ máy: Tổ chức bộ máy của cơ quan công đoàn các cấp trong điều kiện hiện nay là tương đối phù hợp. Tuy nhiên, khi thực hiện cam kết của TPP, sẽ bộc lộ những yếu tố bất hợp lý như: 

- Mô hình tổ chức nhiều cấp trung gian sẽ không đủ khả năng tài chính để đảm bảo hoạt động, việc chỉ đạo hoạt động ở cấp cơ sở sẽ không sát và không kịp thời.

- Mô hình tổ chức của Công đoàn ngành bị chia cắt, nhiều ngành, lĩnh vực trong một công đoàn ngành (đa ngành), với đối tượng tập hợp chủ yếu là người lao động trong khu vực nhà nước sẽ chưa thực sự đại diện cho đại bộ phận người lao động thuộc ngành.

- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở là cấp thực hiện nhiều nhiệm vụ có liên quan trực tiếp đến CĐCS và người lao động ở cơ sở nhưng thiếu bộ máy giúp việc chuyên trách hiệu quả, thiếu nhân lực thực hiện nhiệm vụ, vì vậy không đủ điều kiện để thực hiện đầy đủ vai trò của công đoàn cấp trên đối với CĐCS và người lao động.

3. Về công tác cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ

- Số lượng cán bộ chuyên trách công đoàn chưa đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là những nơi có nhiều khu công nghiệp tập trung, có diễn biến quan hệ lao động phức tạp.

- Tỷ lệ CBCĐ chuyên trách ở công đoàn cấp trên đã trải qua thực tiễn phong trào công nhân và hoạt động công đoàn ở cơ sở ngày càng giảm.

III. CÁC NHÓM GIẢI PHÁP CHỦ YẾU 

1. Nghiên cứu sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam và tham gia sửa đổi pháp luật lao động và công đoàn theo hướng:

- Xác định lại và xác định rõ nội dung trọng tâm theo thứ tự ưu tiên của các cấp CĐ, tập trung thực hiện những nhiệm vụ về QHLĐ, giảm hoặc lược bớt các nhiệm vụ khác thuộc lĩnh vực chính trị – xã hội, ít hoặc không liên quan đến QHLĐ.

- Cấp CĐCS tập trung thực hiện những nhiệm vụ liên quan trực tiếp đến QHLĐ và thực hiện nhiệm vụ chăm lo, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động; Chuyển bớt các nhiệm vụ của CĐCS có liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các nhiệm vụ khác không liên quan đến QHLĐ lên công đoàn cấp trên thực hiện.

- Tiếp tục tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật lao động, trong đó cần xác định rõ các hành vi phân biệt đối xử về quyền CĐ và thao túng, can thiệp chống CĐ của người sử dụng lao động; Có chế tài đủ mạnh xử lý các vi phạm về pháp luật lao động và công đoàn.

2. Đổi mới nội dung và phương thức hoạt động công đoàn

2.1. Đổi mới phương thức chỉ đạo của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đối với CĐCS:

- Chuyển đổi từ phương thức chỉ đạo hành chính, sang phương thức trực tiếp và thường xuyên hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện  để CĐCS chủ động thực hiện nhiệm vụ; cùng với CĐCS giải quyết các vấn đề khó khăn, vướng mắc của CĐCS (nhưng không làm thay CĐCS).

- Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở cần căn cứ vào yêu cầu của CĐCS để xác định chương trình kế hoạch công tác, giải quyết các vấn đề do CĐCS yêu cầu.

2.2. Đổi mới quy trình, cách thức tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS:

- Chuyển đổi cách thức phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS theo cách từ dưới lên: Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở hỗ trợ, giúp đỡ và tổ chức cho người lao động chủ động thành lập tổ chức CĐCS tại nơi làm việc, không làm thay người lao động trong việc thành lập CĐCS.

- Gắn việc thành lập CĐCS, thiết lập cơ cấu tổ chức của CĐCS với thương lượng tập thể, phục vụ thương lượng tập thể.

2.3. Đổi mới phương thức hoạt động của CĐCS theo hướng:

- Xây dựng cơ chế trao đổi thông tin hai chiều giữa Ban Chấp hành CĐCS với đoàn viên, người lao động thông qua việc củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả hoạt động từ tổ công đoàn trở lên.

- Xây dựng cơ chế đối thoại thường xuyên giữa BCH CĐCS với người sử dụng lao động để kịp thời giải quyết các vấn đề có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động tại nơi làm việc.

- Thúc đẩy việc tham gia chủ động, tích cực của đoàn viên và tập thể người lao động trong quá trình xây dựng, thương lượng và ký kết TƯLĐTT ở nơi làm việc.

- Giảm bớt hoặc loại bỏ những hoạt động của CĐCS không có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.

- Tăng cường nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của đoàn viên, người lao động.

3. Đổi mới công tác cán bộ theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan công đoàn cấp trên xuất thân từ công nhân trực tiếp sản xuất, có kinh nghiệm hoạt động thực tiễn, có đủ năng lực đáp ứng yêu cầu hoạt động công đoàn theo phương thức mới.

4. Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn

- Nghiên cứu, xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn chuyên trách ở cơ quan công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên có kiến thức chuyên sâu về quan hệ lao động, có đủ các kỹ năng cần thiết để tổ chức, hướng dẫn, hỗ trợ người lao động gia nhập và tham gia hoạt động công đoàn, có đủ khả năng hoạt động độc lập trong việc hướng dẫn, hỗ trợ CĐCS thực hiện nhiệm vụ.

- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng hoạt động công đoàn đối với cán bộ công đoàn không chuyên trách ở cơ sở trong đó chú trọng bồi dưỡng các kỹ năng thương thuyết, đàm phán với người sử dụng lao động, tuyên truyền, vận động phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn trong doanh nghiệp.

5. Tập trung nguồn lực nâng cao năng lực hoạt động của công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở theo hướng:

- Bố trí cán bộ công đoàn chuyên trách đủ về số lượng, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

- Ưu tiên bố trí nguồn tài chính đáp ứng hoạt động của Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở.

- Tập trung xây dựng công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực sự mạnh, trong đó đầu tư trọng tâm, trọng điểm về cán bộ, nguồn tài chính cho công đoàn các khu công nghiệp và công đoàn cấp huyện có nhiều khu công nghiệp tập trung.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước về kinh nghiệm, kiến thức hoạt động công đoàn và tài chính bổ sung nguồn tài chính cho hoạt động công đoàn.

- Tăng tối đa nguồn chi cho CĐCS đối với những nội dung có liên quan trực tiếp đến các vấn đề về QHLĐ.

- Tăng mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn; công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS; công tác tư vấn pháp luật; công tác xây dựng pháp luật lao động, công đoàn ở công đoàn cấp trên.

CIRD