banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 6/5
Cập nhật lúc 07:00 ngày 07/05/2016
Trong ngày 06 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Đề xuất cho nhập khẩu phôi thép theo hạn ngạch; Quỹ bình ổn của Petrolimex giảm tiếp 117 tỷ đồng; Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê than khó vì không vay được ngoại tệ; Gần 50% cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM chưa bán xăng E5; EVN: Sẽ cung cấp đủ điện trong các tháng cao điểm mùa khô.

Thông tin cụ thể như sau:

1.  Đề xuất cho nhập khẩu phôi thép theo hạn ngạch.



Tại phiên tham vấn vụ điều tra áp dụng biện pháp tự vệ đối với một số mặt hàng phôi thép và thép dài nhập khẩu do Cục Quản lý cạnh tranh Bộ Công Thương tổ chức sáng 5/5, một số doanh nghiệp đã đề xuất Bộ Công Thương cho phép nhập khẩu phôi thép dưới dạng có phân bổ hạn ngạch (quota).

Theo đó, việc cấp quota nhập khẩu phôi thép chỉ được áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất thép trực tiếp, với số lượng nhập và thời gian hiệu lực của quota được Bộ Công Thương thể hiện rõ trên giấy phép nhập khẩu.

Được biết, từ ngày 22/3 Bộ Công Thương đã áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời (trong vòng 200 ngày) dưới dạng thu thuế nhập khẩu bổ sung dành cho phôi thép ở mức 23,3% và 14,2% đối với thép dài (thép cây, cuộn), theo đơn khởi kiện trước đó của một số công ty sản xuất thép. 

2. Quỹ bình ổn của Petrolimex giảm tiếp 117 tỷ đồng.

Theo thông tin từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu 15 giờ chiều 5/5, ước Quỹ bình ổn xăng dầu của doanh nghiệp này còn 1.955 tỷ đồng. Như vậy, so với thời điểm công bố gần đây nhất (ngày 20/4/2016) ở mức 2.072 tỷ đồng, Quỹ bình ổn xăng dầu của Petrolimex đã giảm tiếp 117 tỷ đồng.

Đây là lần giảm quỹ bình ổn lần thứ 3 liên tiếp của Petrolimex, với tổng mức giảm 755 tỷ đồng.

Trước đó, tại công văn công bố giá cơ sở mặt hàng xăng dầu ban hành ngày 5/5, Liên bộ Công Thương-Tài chính đã quyết định tăng giá xăng dầu đồng loạt quanh mức 650 đồng/lít. Hiện Petrolimex đang niêm yết giá xăng RON 92 tại tập đoàn này là 15.580 đồng/lít; xăng sinh học E5 là 15.070 đồng/lít, dầu hỏa 9.450 đồng/lít; dầu diesel 0,05S ở mức 11.020 đồng/lít...  

3. Doanh nghiệp xuất khẩu cà phê than khó vì không vay được ngoại tệ.

Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê cho biết đang gặp khó khăn vì không vay được ngoại tệ, ảnh hưởng lớn đến doanh thu và lợi thế cạnh tranh.

Không chỉ doanh nghiệp mất lợi thế cạnh tranh, người nông dân cũng chịu ảnh hưởng chung. Hiện người nông dân thường ký gửi cà phê vào kho của doanh nghiệp rồi ứng trước một khoản tiền với lãi suất từ 6-7%.

Trước áp lực đội chi phí, một số doanh nghiệp hiện buộc phải tăng mức lãi suất ký gửi này lên vài phần trăm.

Trước áp lực ngày càng tăng, nhiều doanh nghiệp đang áp dụng các giải pháp tình thế để cân đối với lãi suất cao, như: mở rộng thị trường, tăng giá bán... Tuy nhiên khi lãi suất cao ảnh hưởng đến cạnh tranh lâu dài, nhiều doanh nghiệp lo ngại phải giảm mục tiêu xuất khẩu trong thời gian tới.   

4. Gần 50% cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM chưa bán xăng E5.

Theo Sở Công Thương TP.HCM, tính đến cuối tháng 4, thành phố chỉ có hơn 50% cửa hàng xăng dầu đang bán xăng E5.

Kết quả trên kém xa so với mục tiêu tất cả các cửa hàng xăng dầu đã phải phân phối xăng E5 từ cuối năm 2015. Theo thống kê, sản lượng tiêu thụ xăng E5 của TP.HCM đã tăng 20% so với thời điểm cuối năm 2015, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu.

Nguyên nhân chủ yếu khiến các cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM chưa quá "mặn mà" với xăng E5 được cho là tỷ lệ chiết khấu của loại xăng này khá thấp, khiến doanh thu không hấp dẫn. Ngoài ra, hiện nhiều cơ sở kinh doanh xăng dầu vẫn tồn tại song song xăng A92, A95 nên xăng E5 bị tiêu thụ chậm.  

5. EVN: Sẽ cung cấp đủ điện trong các tháng cao điểm mùa khô.

Mặc dù nắng nóng và khô hạn đang diễn ra trên diện rộng, tại buổi họp giao ban do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (6/5), lãnh đạo Tập đoàn điện lực Việt Nam đã cam kết sẽ đảm bảo cung cấp đủ điện cho sản xuất và tiêu dùng. Theo ông Đặng Hoàng An, Tổng Giám đốc EVN, trong tháng Năm và tháng Sáu (là 2 tháng cao điểm của mùa khô), tập đoàn sẽ đưa vào vận hành tổ máy số 2 nhà máy thủy điện Huội Quảng và tổ máy số 2 thủy điện Lai Châu, đây sẽ là hai nguồn điện quan trọng bổ sung cho lưới điện trong mùa khô. 

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)