banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 4/5
Cập nhật lúc 10:21 ngày 05/05/2016
Trong ngày 04 tháng 5 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Phải xem xét xử lý hình sự việc cấp phép cho Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam; Công ty đa cấp bán hàng gấp 82 lần giá đầu vào; Quỹ bình ổn còn nhiều tiền, xăng có bớt tăng giá; Thực phẩm bẩn đã tuồn cả vào siêu thị uy tín; Bộ Công Thương vào cuộc điều tra vụ mua bán siêu thị Metro.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Phải xem xét xử lý hình sự việc cấp phép cho Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam.

Sau khi các báo chí phản ánh về việc trùm lừa đảo MB24 Vũ Ngọc Thuyển dù bị TAND tỉnh Bắc Giang tuyên phạt 4 năm tù giam vẫn ngang nhiên tham gia lập và điều hành công ty đa cấp Liên minh tiêu dùng Việt Nam, Sở Công thưởng tỉnh Bắc Giang đã chính thức lên tiếng nhận sai và xin rút kinh nghiệm.

Theo luật sư Vi Văn Diện - Giám đốc Công ty luật Thiên Minh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) nhận định: “Như đã xác định rõ việc Sở công thương tỉnh Bắc Giang đã chỉ căn cứ “Đơn xin xác nhận dân sự” mà không yêu cầu “Lý lịch” của đối tượng Vũ Ngọc Thuyển trong hồ sơ cấp phép kinh doanh đa cấp theo quy định tại Điều 15, Nghị định 110/2005/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý hoạt động bán hàng đa cấp là thiếu trách nhiệm trong thẩm định, xét duyệt hồ sơ chi tiết, chưa đủ điều kiện hoặc không đủ điều kiện nhưng vẫn cấp phép kinh doanh đa cấp cho Công ty Liên minh tiêu dùng gây ra hậu quả. Hậu quả nghiêm trọng ở đây là những thiệt hại về vật chất như tiền, tài sản của người dân hoặc thiệt hại về uy tín của cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân.

Giấy phép kinh doanh đa cấp tại thời điểm do Sở công thương tỉnh Bắc Giang cấp nếu đã xác định là trái quy định thì mọi hoạt động kinh doanh đa cấp theo Giấy phép này chính là hệ quả tiêu cực, tất cả các giao dịch liên quan của doanh nghiệp trong phạm vi hoạt động của Giấy phép cần phải được xem xét về giá trị, hiệu lực pháp lý. Trường hợp các cá nhân, tổ chức đã bỏ tiền tham gia bán hàng đa cấp tại Công ty Liên minh tiêu dùng Việt Nam hoàn toàn có thể yêu cầu công ty và Sở công thương tỉnh Bắc Giang phải giải thích trách nhiệm thậm chí yêu cầu bồi thường thiệt hại, tố cáo buộc chịu trách nhiệm trước pháp luật. Về thẩm quyền hiện nay theo quy định thì Cục quản lý Cạnh tranh Bộ công thương là đơn vị cấp phép kinh doanh đa cấp cũng cần xem xét lại toàn bộ hồ sơ pháp lý của Công ty này, trong trường hợp hồ sơ chưa thể đáp ứng được theo quy định hoặc chỉ sử dụng hồ sơ tương tự “Đơn xin xác nhận dân sự” mà không có Lý lịch đối với chủ và quản lý của doanh nghiệp này thì cần thiết phải thu hồi Giấy phép bán hàng đa cấp tránh hậu quả đáng tiếc tương tự như đã xảy ra tại Sở công thương tỉnh Bắc Giang.”

Việc ông Vũ Ngọc Thuyển được Sở Công Thương Bắc Giang cấp phép là nhờ “Đơn xin xác nhận dân sự”, tuy nhiên, trong công văn số 346, Sở Công thương tỉnh Bắc Giang đã buộc phải thừa nhận “Đơn xin xác nhận dân sự” của Vũ Ngọc Thuyển không thể thay thế được cho Sơ yếu lý lịch hoặc lý lịch tư pháp.

2. Công ty đa cấp bán hàng gấp 82 lần giá đầu vào.



Thanh tra Sở Công Thương thành phố Hà Nội vừa công bố kết luận thanh tra Công ty TNHH Đầu tư và Thương mại Trường Giang Việt Nam (Phúc La, Hà Đông). Theo đó, sản phẩm TruongGiang Liver được công ty này nhập với giá 18.000 đồng và ba sản phẩm khác được nhập với giá 12.000 đồng nhưng được bán cho người tham gia bán hàng đa cấp với giá 990.000 đồng (chưa có VAT). Như vậy, mức chênh lệch giữa giá nhập - xuất bán là từ 50 đến 82 lần.

Thanh tra Sở cũng công bố nhiều vi phạm của công ty này liên quan đến việc đăng ký hoạt động, báo cáo định kỳ, trả thưởng không đúng, không cấp chứng chỉ đào tạo về bán hàng đa cấp cho người tham gia theo quy định, sai phạm trong việc tổ chức các chương trình khuyến mãi, trao thưởng... Đầu năm 2016, Cục Quản lý cạnh tranh xử phạt Công ty Trường Giang bốn lỗi vi phạm về hoạt động bán hàng đa cấp với số tiền 122 triệu đồng. Khi tiến hành thanh tra, Chánh thanh tra Sở Công Thương thành phố Hà Nội cũng ra quyết định phạt công ty này chín lỗi với tổng cộng 420 triệu đồng. 

3. Quỹ bình ổn còn nhiều tiền, xăng có bớt tăng giá.

Giá các mặt hàng xăng dầu thành phẩm từ 20/4 đến 02/5 tăng khá so với chu kỳ 15 ngày trước đó, gây áp lực tăng giá lên giá bán lẻ trong nước. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp, có khả năng nhà nước sẽ dùng quỹ bình ổn để kìm hãm bớt đà tăng giá xăng dầu bán lẻ.

Từ nay đến ngày điều hành giá lần tiếp theo, dự kiến là ngày 05/5, vẫn còn 04 phiên giao dịch nữa. Nếu giá các mặt hàng thành phẩm vẫn cao thì áp lực tăng giá bán lẻ là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều khả năng cơ quan điều hành tiếp tục cho sử dụng quỹ bình ổn giá để bù đắp phần chênh lệch như lâu nay. Bởi lẽ, số dư quỹ bình ổn giá ở thời điểm hiện tại còn khá lớn.

Còn tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), báo cáo của đơn vị này cũng cho thấy, trước thời điểm tăng giá dầu 500 đồng/lít lúc 16 giờ chiều 05/4 vừa qua, số dư quỹ bình ổn giá là hơn 2.000 tỉ đồng.

4. Thực phẩm bẩn đã tuồn cả vào siêu thị uy tín.

Hiện nay vấn đề thực phẩm bẩn đang là quốc nạn, bởi thực phẩm bẩn không chỉ xuất hiện ở chợ, ở những gánh hàng rong, mà nó đã đi vào cả các siêu thị uy tín – nơi mà rất đông người tiêu dùng gửi gắm niềm tin. Đây là khẳng định của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Trao đổi tại Diễn đàn “Doanh nghiệp (DN) phải làm gì trong cuộc chiến chống thực phẩm bẩn?” vừa được tổ chức sáng nay (4/5) tại Hà Nội.

Cũng theo ông Phú, hiện nay, cơ chế xử phạt đối với DN, thương lái sử dụng chất cấm trong thực phẩm đã có, thậm chí rất nhiều. Tuy nhiên, thực thi chúng đang rất rối và rất nhiều cơ quan nhúng tay vào. Nếu dân ăn phải thực phẩm bẩn, có chờ được DN bồi thường thiệt hại không. Dân mua một miếng thịt bò bẩn về nhưng mới cắt một miếng ăn rồi đi viện, việc bắt đền DN, nhà cung ứng rất khó, thậm chí không thể.

Không chỉ làm hoang mang người tiêu dùng, thực phẩm bẩn, hóa chất trong chăn nuôi đã và đang khiến uy tín của nhiều thương hiệu hàng hóa, sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam bị sụt giảm trên thế giới. Mới đây, theo thống kê của Bộ Công Thương, trong năm 2015, Liên minh châu Âu (EU) đã từ chối 21 sản phẩm đến từ Việt Nam, 17 sản phẩm phải ngừng xuất khẩu để làm rõ thông tin chất lượng.

5. Bộ Công Thương vào cuộc điều tra vụ mua bán siêu thị Metro.

Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa yêu cầu phía công ty mua lại Công ty TNHH Metro Cash&Carry giải trình về quy trình và các thủ tục giao dịch mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam.

Theo đó, Cục Quản lý cạnh tranh đã nhận được yêu cầu của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM đề nghị kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các doanh nghiệp bán lẻ có vốn đầu tư nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật cũng như công bằng trong cạnh tranh.

Theo Cục Quản lý cạnh tranh, năm 2015 TCC Holding (Thái Lan) đã hoàn tất giao dịch mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam. Vào ngày 25/1, Metro Cash&Carry Việt Nam được đổi tên thành Công ty TNHH MM Mega (Việt Nam). Do Metro Cash&Carry Việt Nam là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, họat động tại Việt Nam nên Metro là đối tượng áp dụng của Luật Cạnh tranh Việt Nam. Vì vậy, Cục Quản lý cạnh tranh có văn bản yêu cầu Công ty TNHH MM Mega Việt Nam giải trình về quá trình và các thủ tục giao dịch mua lại Metro Cash&Carry Việt Nam. Đồng thời cung cấp báo cáo thị phần kết hợp của các bên tham gia tập trung kinh tế trong hai năm 2013-2014 theo quy định của Luật Cạnh tranh.  Các giải trình, báo cáo này gửi cho cơ quan quản lý cạnh tranh trước ngày 30/5.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)