banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin công nghiệp và thương mại ngày 28/4
Cập nhật lúc 11:21 ngày 28/04/2016
Trong ngày 28 tháng 4 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Về vấn đề Công ty Formosa Hà Tĩnh; Quản lý an toàn thực phẩm: Cần thay đổi cách tiếp cận; Sau vải, xoài, Australia tiếp tục xem xét nhập khẩu thanh long Việt; Giá bán xăng sinh học E5 sẽ được tính theo công thức riêng; Phát triển điện than của Việt Nam ngược chiều thế giới.

Thông tin cụ thể như sau:

1. Về vấn đề Công ty Formosa Hà Tĩnh


Tại cuộc họp báo ngày 27/4, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường Võ Tuấn Nhân cho hay có hai nhóm nguyên nhân chính có thể gây hiện tượng cá chết hàng loạt là: do tác động của các độc tố hóa học thải ra từ hoạt động của con người trên đất liền và trên biển; do hiện tượng bất thường của tự nhiên kết hợp với tác động của con người, tạo nên hiện tượng “tảo nở hoa” hay thủy triều đỏ. Theo ông Nhân, đến thời điểm này chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa hoạt động của Công ty Formosa và các nhà máy với hiện tượng cá chết hàng loạt. Ngay cả các thông số về môi trường cũng đều nằm trong “quy chuẩn quy định”.

Nhưng theo tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng, từng làm ở Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam và một chuyên gia 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu thủy sản nói: "Không thể có hai nguyên nhân này một lúc, bởi có chất độc thì không có tảo và ngược lại". Nếu do tác động của độc tố hóa học khiến cá to chết nghĩa là cá nhỏ cũng vậy, trong đó có sinh vật phù du, tức là tảo cũng sẽ chết. "Tảo chết rồi thì làm gì nở hoa được", ông nói và khẳng định hiện tượng này đúng ra gây hại với cá tầng mặt chứ không phải tầng đáy. Nếu tảo nở hoa nước sẽ có màu đỏ rực hoặc màu xanh chủ đạo trên cả vùng biển. Khi dạt vào bờ nó sẽ gây mùi hôi thối khó chịu, trong khi các biểu hiện này không có ở khu vực ven biển miền Trung.

Trong chuyên mục “Góc nhìn thẳng” của báo VietNamNet có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Nguyễn Văn Cư, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học và kỹ thuật biển Việt Nam về cá chết hàng loạt với mọi nghi nghi vấn đều đang đổ dồn vào Formosa. Theo ông Cư để xác định được chuyện này, chúng ta phải xác định rõ nguyên nhân cá chết là do đâu và từ đâu. Trước hết phải lấy mẫu cá, mẫu trầm tích đáy, mẫu nước ngay cửa thải của ống dẫn ra biển đó. Và ở các vùng lân cận,chúng ta phải lấy theo các mặt cắt giữa các vuông góc với đường bờ ra những độ sâu khoảng 20 m nữa, và lấy suốt từ vùng biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Trên cơ sở đó chúng ta có thể xác định được nơi nào bị ô nhiễm nặng nhất, nguy hiểm nhất, sau đó nó phát tán dần xuống các vùng càng xa nguồn phát thải đó, từ đó truy tìm được thủ phạm một cách tương đối chính xác.

2. Quản lý an toàn thực phẩm: Cần thay đổi cách tiếp cận.

Nhằm tìm hướng giải quyết vấn đề nhân dân, xã hội đặc biệt quan tâm, bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) cho người tiêu dùng, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường công tác đảm bảo ATTP ngày 27/4 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì. Báo cáo của các bộ, ngành tại hội nghị cho thấy, mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quản lý, bảo đảm ATTP, tuy nhiên, tình hình mất ATTP vẫn diễn biến phức tạp.

Thủ tướng chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề đảm bảo ATTP. Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này. Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách cho quản lý ATTP, đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn. Thủ tướng cũng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ cho công tác này.

3. Sau vải, xoài, Australia tiếp tục xem xét nhập khẩu thanh long Việt.

Sau phần đánh giá sơ bộ, bao gồm đánh giá dịch hại và bệnh trên quả, Australia vừa chính thức bắt đầu quá trình xem xét để quả thanh long tươi của Việt Nam vào thị trường Australia. Trong những tháng tới, hai bên sẽ tiến hành bước đánh giá rủi ro, trong đó sẽ có nội dung chuyên gia Australia tham quan vùng trồng thanh long và đánh giá quy trình sản xuất và xuất khẩu. Dự thảo báo cáo đánh giá rủi ro sẽ được công bố cho các bên đối tác tham gia đóng góp ý kiến vào khoảng cuối năm 2016.

Australia cũng đang đẩy nhanh tiến độ xét duyệt cho các loại quả tươi khác của Việt Nam vào thị trường Australia. Năm ngoái, đã có 28 tấn vải tươi đầu tiên đã được xuất khẩu sang Australia. Được biết, Australia cũng đã hoàn tất đánh giá rủi ro cho quả xoài Việt Nam vào tháng 11/2015 và công việc còn lại hiện nay là hoàn thiện các thỏa thuận sắp xếp thương mại cho mặt hàng này.

4. Giá bán xăng sinh học E5 sẽ được tính theo công thức riêng.


Bộ Tài chính vừa hoàn thành dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư liên tịch số 39/2014/TTLT-BCT-BTC quy định về phương pháp tính giá cơ sở; cơ chế hình thành, quản lý, sử dụng Quỹ Bình ổn giá và điều hành giá xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Một nội dung quan trọng được Bộ Tài chính bổ sung là công thức tính giá cơ sở đối với mặt hàng xăng E5, theo cách tính này các chi phí đầu vào để tính toán giá cơ sở đối với xăng E5 sẽ thấp hơn các mặt hàng xăng dầu khác.

Dự thảo của Bộ Tài chính cũng quy định: Định kỳ hàng năm, thương nhân đầu mối có trách nhiệm rà soát biến động của các khoản chi phí để đưa xăng dầu từ nước ngoài về đến cảng Việt Nam, chi phí phối trộn xăng sinh học E5 và tổng hợp, báo cáo gửi về Cục Quản lý Giá - Bộ Tài chính và Vụ Thị trường trong nước - Bộ Công Thương chậm nhất trước ngày 31/3 của năm tài chính kế tiếp. Hiện dự thảo này vẫn đang được Bộ Tài chính gửi xin ý kiến các đơn vị liên quan trước khi tiếp thu và chính thức ban hành.

5. Phát triển điện than của Việt Nam ngược chiều thế giới.

Tại Hội thảo “Ngã rẽ năng lượng: thay đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu” do Tổ chức CHANGE/350.org VN và Liên minh Năng lượng bền vững VN (VSEA) tổ chức ngày 27/4 tại TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu tham dự hội thảo đã tập trung phân tích những tác động tiêu cực của phát triển nhiệt điện than đối với môi trường, xã hội; những thay đổi trong điều chỉnh quy hoạch điện lực quốc gia VII và định hướng phát triển bền vững của VN liên quan đến phát triển năng lượng tái tạo; các giải pháp sử dụng năng lượng bền vững...

Các đại biểu cho rằng tại hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu COP21 tại Paris cuối năm 2015, Việt Nam đã tham gia Diễn đàn các nước dễ bị tổn thương, cam kết giữ nhiệt độ không tăng quá 1,50C. Tuy nhiên, thực tế Việt Nam vẫn đang có những bước đi trái chiều với xu thế chung của thế giới trong quy hoạch phát triển ngành điện. Theo quy hoạch điện VII của Việt Nam, các nhà máy nhiệt điện sử dụng than sẽ vẫn chiếm tới 53% tổng cơ cấu nguồn điện trong 15 năm tới.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)