banner2019
 
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Thứ sáu, ngày 20 tháng 12 năm 2024
Hoạt động công đoàn phải tạo niềm tin cho người lao động
Cập nhật lúc 08:56 ngày 11/03/2016

Sáng ngày 10/3/2016, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả phối hợp giữa các công đoàn ngành trực thuộc Tổng Liên đoàn trong Bộ Công Thương. 

Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) Nguyễn Thị Thu Hồng và Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đã đến tham dự và phát biểu tại Hội nghị.

Được coi là ngành kinh tế đa lĩnh vực, ngành Công Thương có vị trí đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Về tổ chức công đoàn, trong cùng Bộ Công Thương hiện có 5 công đoàn là: Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Dầu khí Việt Nam, Công đoàn Dệt may Việt Nam, Công đoàn Điện lực Việt Nam và Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam. 5 Công đoàn này đang quản lý gần 1.200 công đoàn cơ sở với trên nửa triệu đoàn viên công đoàn. Do vậy, việc thống nhất phối hợp hoạt động giữa các công đoàn trong cùng Bộ là cần thiết, nhằm tập hợp đội ngũ công nhân lao động, đại diện và bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, đồng thời xây dựng phong trào công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn lớn mạnh, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kinh tế, chính trị của Ngành nói chung và của từng đơn vị nói riêng.

Nghị quyết Đại hội lần thứ II Công đoàn Công Thương Việt Nam và Nghị quyết Đại hội các Công đoàn trong cùng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2013 - 2018 đã nêu rõ nhiệm vụ quan trọng là đẩy mạnh phong trào công nhân viên chức và nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn. Quy chế phối hợp trong nhiệm kỳ 2013 - 2018 của 5 công đoàn ngành đã được ký kết hồi năm 2015. Sau 1 năm thực hiện Quy chế, hoạt động công đoàn trong ngành Công Thương đã thực sự góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ của từng đơn vị và toàn ngành. Tuy nhiên, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng cũng thẳng thắn nhìn nhận, hoạt động phối hợp của 5 công đoàn ngành còn 3 điểm hạn chế. Một là, sự phối hợp giữa các công đoàn ngành trong Bộ với nhau còn thiếu chặt chẽ; Hai là, chưa có kế hoạch công tác phối hợp cụ thể; Ba là, sự phối hợp giữa tổ chức công đoàn và lãnh đạo chuyên môn của 4 tập đoàn chưa thật sự chặt chẽ.


Lãnh đạo Bộ Công Thương và lãnh đạo TLĐLĐVN chụp ảnh lưu niệm cùng 5 công đoàn ngành

Nhìn nhận những hạn chế trong việc phối hợp triển khai Quy chế, bà Nghiêm Thùy Lan - Chủ tịch Công đoàn Dầu khí Việt Nam cho rằng, để việc phối hợp được tốt hơn trong thời gian tới, các công đoàn ngành nên có kế hoạch hành động từ đầu năm, từ đó có thể bố trí tham dự giao lưu với nhau tránh bị chồng lấn. Bên cạnh đó, các công đoàn cần tăng cường trao đổi thông tin để cùng học tập, giao lưu, rút kinh nghiệm trong hoạt động của từng ngành. Chung quan điểm này, Chủ tịch Công đoàn Dệt May Việt Nam Nguyễn Tùng Vân, Chủ tịch Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Lê Thanh Xuân, Chủ tịch Công đoàn Điện lực Việt Nam Khuất Quang Mậu đều cho rằng, cần đẩy mạnh công tác thông tin giữa các công đoàn ngành trong Bộ Công Thương, các công đoàn ngành cần chủ động hơn trong hoạt động với những nội dung cụ thể, thiết thực; đồng thời mong muốn Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức các hoạt động chung để 5 công đoàn ngành có thể cùng tham gia giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của từng ngành đặc thù, nâng cao hiệu quả của Quy chế phối hợp.

Lắng nghe ý kiến của các công đoàn ngành về thực tế phối hợp triển khai Quy chế hoạt động trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa cho rằng, sự tăng trưởng của ngành Công Thương trong những năm khó khăn vừa qua có sự đóng góp quan trọng của tổ chức Công đoàn. Việc xây dựng Quy chế phối hợp giữa 5 công đoàn ngành là hết sức cần thiết và đang phát huy hiệu quả, nhưng cần phải cụ thể hơn để đạt hiệu quả cao hơn. Bộ luôn ủng hộ tổ chức công đoàn hoạt động và đánh giá cao vai trò của công đoàn trong sự phát triển chung của toàn ngành. Thứ trưởng nhấn mạnh đến việc ngành Công Thương đang hội nhập sâu rộng, vì thế, trong thời gian tới, tổ chức công đoàn của 5 ngành cần có các hoạt động chung hướng tới lễ kỷ niệm 65 năm thành lập ngành Công Thương Việt Nam. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn cần tham gia tích cực và hiệu quả hơn vào chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Mặt khác, khi các hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết có hiệu lực thì công đoàn chính là tổ chức phải tuyên truyền giáo dục để người lao động nâng cao nhận thức, đạt sự đồng thuận, hài hòa giữa lợi ích của người chủ doanh nghiệp và người lao động. Không những vậy, trong giai đoạn này, tổ chức công đoàn còn phải đổi mới hoạt động của mình một cách mạnh mẽ để tạo niềm tin, thu hút người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn một cách tự nguyện chứ không phải dùng biện pháp hành chính. Tổ chức công đoàn cũng phải nâng cao vai trò của mình thông qua việc tham gia tích cực, đóng góp xây dựng điều lệ mới cho các tập đoàn đang tái cơ cấu, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến người lao động.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lý Quốc Hùng đưa ra 5 vấn đề cần triển khai ngay trong năm 2016, gồm:

+ Thống nhất cao việc phối hợp thực hiện các vấn đề đã nêu trong Quy chế;

+ Ban Tổ chức Công đoàn Công Thương Việt Nam phối hợp với 4 công đoàn ngành khẩn trương triển khai kế hoạch hành động của năm 2016 và các năm tiếp theo;

+ Liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc trao đổi thông tin, thông qua việc link các website để cập nhật thông tin;

+ Tham gia cùng cơ quan chuyên môn xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp liên quan đến cán bộ công đoàn và người lao động;

+ Tích cực phát động các phong trào thi đua hiệu quả, thiết thực và phù hợp với người lao động của từng ngành nghề;

+ Đổi mới hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ, thông qua việc tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề với nội dung chuyên sâu cụ thể cho từng lĩnh vực.