banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Góc nhìn TPP của cố vấn Trương Đình Tuyển
Cập nhật lúc 07:39 ngày 04/03/2016

Thể hiện góc nhìn về TPP từ vị trí khá đặc biệt của chính người viết trong tiến trình Việt Nam hội nhập quốc tế, bài viết được ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, cố vấn cao cấp của Chính phủ trong đàm phán TPP, gửi riêng cho Báo điện tử Chính phủ.

• Phần tiếp theo: Cải cách thể chế là quyết định

Tiếp theo ý kiến của các chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, Huỳnh Thế Du, Phạm Chi Lan, Nguyễn Quang Thái… về bài viết “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, cơ hội và thách thức-Hành động của chúng ta” của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Báo điện tử Chính phủ trân trọng giới thiệu bài viết của ông Trương Đình Tuyển.


TPP: BƯỚC ĐỘT PHÁ MỚI TRONG HỘI NHẬP QUỐC TẾ-CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC ĐỐI VỚI NỀN KINH TẾ VIỆT NAM

Mười hai nền kinh tế chiếm 40% GDP toàn cầu và 30% thương mại thế giới đã đạt được thỏa thuận về một Hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao chưa từng có. Đây cũng là một Hiệp định cân bằng, thể hiện sự nỗ lực của các đoàn đàm phán, sự linh hoạt để có thể thỏa hiệp về những vấn đề gay cấn nhất, vốn rất nhạy cảm với từng nước thành viên.

Riêng đối với Việt Nam, việc chấp nhận tham gia TPP là một quyết định chính trị quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Điều này thể hiện tư duy chiến lược của Đảng và hoàn toàn phù hợp với chủ trương tích cực chủ động hội nhập quốc tế - một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới đồng bộ và toàn diện, khởi nguồn từ Đại hội VI, được khẳng định mạnh mẽ hơn trong các nghị quyết tiếp sau của Đảng.

Kết quả này có được là do có sự  định hướng cụ thể của Bộ Chính trị về những nội dung nhạy cảm nhất đối với nước ta, sự chỉ đạo chặt chẽ, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, sự nỗ lực của tất cả các bộ, ngành tham gia đàm phán, trong đó có vai trò của quan trọng của Bộ Công Thương với trách nhiệm là cơ quan chủ trì đàm phán.

Những ngày qua, các phương tiện truyền thông đã viết nhiều về TPP, phân tích tổng quan về cơ hội và thách thức khi Việt Nam tham gia Hiệp định này.

Với tư cách là người đã từng triển khai đường lối hội nhập của Đảng, trải nghiệm những kết quả và hạn chế của nước ta trong tiến trình thực hiện Hiệp định thương mại Việt Nam-Hoa kỳ, WTO, các Hiệp định ASEAN+… và có tham gia vào cuộc đàm phán TPP dù ở mức khiêm tốn với tư cách cố vấn của đoàn đàm phán, tôi muốn trình bày cái nhìn riêng của mình về TPP, phân tích kỹ hơn về cơ hội và thách thức và làm thế nào để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức khi thực thi các cam kết trong Hiệp định.

I. Tại sao có TPP?

Ngày 1/1/1995, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) ra đời sau một thời gian đàm phán kéo dài 8 năm từ 1986 đến năm 1994 (thường được gọi là vòng đàm phán Urugoay). WTO tạo ra định chế quản lý nền thương mại toàn cầu nhằm giảm thiểu các rào cản về thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ, tạo động lực thúc đẩy thương mại và đầu tư, qua đó, kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm và giúp giảm nghèo bền vững. WTO cũng đặt ra yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu tài sản trí tuệ nhằm khuyến khích sáng tạo khoa học và công nghệ, văn học và nghệ thuật, bảo hộ các sản phẩm mang bản sắc độc đáo của vùng miền ở mỗi quốc gia (chỉ dẫn địa lý). WTO cũng đặt ra những vấn đề quy tắc như hàng rào kỹ thuật (TBT), các tiêu chuẩn, vệ sinh an toàn thực phẩm (SPS) nhằm bảo vệ sức khỏe con người, bảo vệ môi trường sống và các nội dung về thể chế mà các thành viên phải tuân thủ…

Sau khi WTO hình thành, thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và dòng vốn đầu tư toàn cầu đã có bước phát triển ngoạn mục.

Theo Hội nghị Liên Hiệp quốc về thương mại và phát triển (UNCTAD), nếu như năm 1995 giá trị xuất nhập khẩu hàng hoá thế giới mới ở mức 10.407 tỷ USD thì đến năm 2010 con số này là 31.000 tỷ USD; năm 1996 thương mại dịch vụ mới ở mức 2.523 tỷ USD (năm 1995 không có số liệu) thì đến năm 2010 giá trị thương mại dịch vụ toàn cầu đã là 7.453,5 tỷ USD; năm 1995 dòng vốn đầu tư toàn cầu là 706 tỷ USD, đến năm 2010 con số này lên đến 2.760 tỷ USD.

Tuy nhiên, như chúng ta đã từng chứng kiến, sự phát triển rất nhanh, rất mạnh của khoa học-công nghệ  đã tạo ra một khối lượng hàng hóa và dịch vụ khổng lồ, nhiều sản phẩm mới xuất hiện, tuổi đời của sản phẩm được rút ngắn. Quá trình này gắn liền với sự phân công lao động quốc tế ngày càng sâu sắc, dựa trên lợi thế so sánh tĩnh và nhất là lợi thế so sánh động của từng quốc gia.

Tình hình đó đòi hỏi việc tổ chức lại thị trường trên phạm vi toàn cầu theo hướng loại bỏ các rào cản hạn chế thương mại và đầu tư, xây dựng bộ quy tắc mới nhằm tạo lập môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng, có tính cạnh tranh cao. Tình hình đó cũng đòi hỏi các quy định mới về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với những sản phẩm công nghệ mới và tác động lan tỏa trong môi trường số…

WTO tuy đã tạo ra bước đột phá khi thiết lập nên cơ chế quản lý nền thương mại toàn cầu nhưng “chiếc áo” này đã trở nên chật chội, không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thế giới đương đại… Các thành viên WTO quyết định phát động một vòng đàm phán mới, gọi là vòng Doha nhằm mục tiêu tiếp tục loại bỏ các rào cản về thương mại hàng hóa (cắt giảm sâu hơn và nhanh hơn thuế xuất nhập khẩu hàng công nghiệp, loại bỏ trợ cấp và cắt giảm thuế xuất nhập khẩu nông sản) mở cửa sâu rộng hơn thương mại dịch vụ.

WTO cũng đặt ra các nội dung đàm phán mới chưa có trong thỏa thuận của vòng Urugoay như: thuận lợi hóa thương mại, mở cửa thị trường đầu tư, mua sắm công, chính sách cạnh tranh và doanh nghiệp nhà nước (còn được gọi là “4 vấn đề Singapore” do các yêu cầu này được đặt ra tại hội nghị Bộ trưởng WTO tại Singapore) với kỳ vọng là đạt được thỏa thuận vào năm 2005, bằng một nửa thời gian của vòng Urugoay.

Tuy nhiên, do tham vọng của vòng Doha là quá lớn, trong khi số lượng thành viên đàm phán quá nhiều (trên dưới 150 nền kinh tế vào thời điểm phát động đàm phán), hàng loạt mâu thuẫn xuất hiện mà tổng thể là mâu thuẫn giữa các nước phát triển với các nước đang phát triển, mâu thuẫn giữa các nước phát triển và mâu thuẫn giữa các nước đang phát triển với nhau.

Năm 2003, trong cuộc gặp song phương với Trưởng Đại diện thương mại Hoa Kỳ, Robert Zoellick để thảo luận về đàm phán song phương Việt Nam-Hoa kỳ về việc Việt Nam gia nhập WTO, chúng tôi đã nói với ông ta là: Các ngài đặt ra 4 vấn đề Singapore trong đàm phán Doha là quá tham vọng. Tôi cho rằng, may lắm các ngài chỉ có thể thỏa thuận được một nội dung là thuận lợi hóa thương mại. Dự báo này là hoàn toàn chính xác. Mặc dầu vậy, phải 10 năm sau, vào năm 2013 trong cuộc họp của các Bộ trưởng Thương mại các thành viên WTO vào tháng 12/2013 tại Bali, Indonesia, các nước mới thỏa thuận được đúng điểm này.

Đến năm 2005, năm dự định kết thúc đàm phán vòng Doha như kỳ vọng đặt ra lúc đầu nhưng vòng Doha vẫn không có mấy tiến triển trên hầu hết các mục tiêu đàm phán. Trước tình hình đó, 4 nước trên vành đai Thái Bình Dương gồm Singapore, Brunei, New Zealand, Chile vốn là những nước có nền kinh tế tự do hóa khá cao cùng nhau thỏa thuận thiết lập một khu vực Mậu dịch tự do (MDTD) mới, gọi là Hiệp định P4.

Năm 2006, tại Hội nghị Liên bộ trưởng Kinh tế và Ngoại giao trước thềm Hội nghị cấp cao APEC mà Việt Nam là chủ nhà, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc đề xuất thành lập khu vực MDTD ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc). Bộ trưởng METI Nhật Bản đề xuất thành lập khu vực MDTD ASEAN+6 (thêm Ấn Độ, Úc và New Zealand).

Chúng ta và cả Hoa Kỳ đều biết vị thế của các nước trong khu vực sẽ thay đổi thế nào khi một trong các phương án này được chấp nhận. Trước tình hình đó, Trưởng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Susan C.Schwab đề xuất thành lập khu vực MDTD xuyên Thái Bình Dương, bao gồm 21 nền kinh tế thành viên APEC. Lúc đó, tôi là Bộ trưởng Thương mại, đồng chủ trì hội nghị (cùng với Phó Thủ tướng, Bộ trưởng ngoại giao Phạm Gia Khiêm) đã nêu quan điểm: Hãy coi khu vực MDTD bao gồm các thành viên APEC là mục tiêu dài hạn; còn khu vực MDTD ASEAN+3 hay ASEAN+6 nên để các chuyên gia độc lập nghiên cứu và báo cáo lại các Bộ trưởng. Là nước chủ nhà, chúng ta đã xử lý vấn đề này một cách hợp lý, được hội nghị đánh giá cao.

Và cuối cùng, như chúng ta đã biết, Phương án ASEAN+6 đã được chấp nhận (chính là Khu vực MDTD RCEP đang đàm phán) còn Hiệp định MDTD bao gồm 21 thành viên APEC là mục tiêu dài hạn nhưng dài hạn đến bao giờ vẫn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

Vì vậy, tháng 9/2008, Hoa Kỳ tham gia vào P4 và chủ động nắm giữ vai trò dẫn dắt cuộc đàm phán, đồng thời kêu gọi các nước trên vành đai Thái Bình Dương tham gia Hiệp định này với tên gọi “Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương” (TPP) hiện tại gồm 12 thành viên. Nhưng đây là một Hiệp định mở, tạo điều kiện cho các thành viên APEC có thể tham gia.

II. TPP với Hoa Kỳ và Việt Nam

Với Hoa Kỳ:

Hoa Kỳ là nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là nước khởi xướng mở rộng P4 và là nước cầm trịch trong quá trình đàm phán TPP.

Với Hoa Kỳ, TPP nhằm hai mục tiêu lớn:

Một là, mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, điều chỉnh cán cân thương mại vốn thường xuyên bị nhập siêu. Tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng đi đôi với tăng cường bảo hộ tài sản trí tuệ cho những tập đoàn công nghệ của Hoa Kỳ hiện đang thống lĩnh thị trường.

Trong TPP, Nhật Bản nền kinh tế lớn thứ ba thế giới sẽ là nước tạo ra giá trị gia tăng lớn nhất cho Hoa Kỳ. Sau Nhật, Việt Nam với 90 triệu dân (đứng thứ 4 trong TPP) phần lớn dân số trẻ, thích mua sắm, lại có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đang trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong tương lai không xa sẽ là nước đem lại giá trị gia tăng lớn thứ hai cho Hoa Kỳ.

Hai là, mục tiêu chiến lược. Về mục tiêu này, Hoa Kỳ nhắm tới hai yêu cầu:

- Tạo động lực cho vòng Doha. Tình trạng có nhiều FTA song phương và khu vực với nội dung cam kết khác nhau từ quy tắc xuất xứ, lộ trình cắt giảm thuế, đến mở cửa thị trường dịch vụ và đầu tư, v.v… dẫn đến sự chồng chéo, phức tạp và “rắm rối” trong việc thực thi ngay trong một quốc gia, tạo nên cái gọi là “ Hiệu ứng đĩa mỳ Spagetty” (của Ý). Nền thương mại toàn cầu cần được quản lý bằng những định chế thống nhất.

TPP bao gồm những nước có trình độ phát triển rất khác nhau, trong đó có những nền kinh tế lớn bậc nhất thế giới (Hoa Kỳ, Nhật Bản…) và những nước có trình độ phát triển thấp hơn nhiều. TPP cũng đã có đủ ba loại mâu thuẫn có trong vòng Doha, trong đó Việt Nam là nước có trình độ phát triển thấp nhất, lại đang trong quá trình chuyển đổi mà vẫn tham gia được một Hiệp định toàn diện, chất lượng cao sẽ là một hình mẫu cho các nước khác. Từ đó, Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy mở rộng TPP tiến tới một Hiệp định bao trùm 21 nền kinh tế thành viên APEC.

Hơn nữa, Hoa Kỳ và EU lại đang đàm phán một Hiệp định tiêu chuẩn cao xuyên Đại Tây Dương (gọi tắt là TTIP). TPP (nếu bao trùm các nền kinh tế APEC) và TTIP sẽ là cơ sở để trong tương lai, Hoa Kỳ ‘đẩy” những nội dung này vào vòng Doha, hy vọng làm “sống” lại vòng đàm phán này vốn đang bị “chết yểu”. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này sẽ còn rất khó khăn và chắc chắn sẽ mất rất nhiều thời gian.

- TPP sẽ là cơ sở “địa kinh tế” mà không chỉ là địa kinh tế cho chiến lược “xoay trục’ của Hoa Kỳ. Đây còn là một trong ba di sản đối ngoại của Tổng thống Obama trước khi rời Nhà Trắng vào đầu năm 2017.

Với những tính toán của Hoa Kỳ nêu trên, chúng ta đến bàn đàm phán không hề ở vào vị thế non yếu. Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh “giá trị Việt Nam” với Đại sứ M.Forman, Trưởng Cơ quan đại diện thương mại Hoa Kỳ trong các lần tiếp xúc riêng với ông này.

Với Việt Nam:

- Mở rộng thị trường thu hút đầu tư, nhất là thu hút đầu tư từ các nước có công nghệ cao như Hoa Kỳ, Nhật Bản…

- Đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường hiện là những nước nhập khẩu hàng đầu của Việt Nam như Hoa Kỳ, Nhật Bản. Tạo thế cân bằng mới trong quan hệ thương mại với các nước. Lưu ý rằng, tác động tích hợp của TPP với các FTA mà chúng ta đã ký hoặc đang đàm phán, nhất là tác động tích hợp của TPP với FTA Việt Nam-EU và FTA Việt Nam –Hàn Quốc về hai lợi thế này còn lớn hơn nhiều.

- Tạo dựng khuôn khổ cho cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh-yếu tố quan trọng nhất của phát triển. Qua đó, thúc đẩy tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng mà chúng ta đang thực hiện.

- Triển khai sâu rộng hơn chủ trương “đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế” của Đảng, hướng tới xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với tất cả các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp quốc; nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, nhất là vị thế trong việc giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong một khu vực hết sức nhạy cảm và phát triển rất năng động của thế giới, nơi đang diễn ra cuộc cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Trương Đình Tuyển

Nguồn baochinhphu.vn

Trong phần tiếp theo, tác giả sẽ phân tích về những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi tham gia TPP và Việt Nam phải làm gì để cải cách thể chế-yếu tố có vai trò quyết định trong sự phát triển của một nền kinh tế?

Xem tiếp phần tiếp theo của bài viết tại đây: Cải cách thể chế là quyết định