banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 25/02
Cập nhật lúc 07:22 ngày 26/02/2016

Trong ngày 25 tháng 02 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Hồ thủy điện miền Trung thiếu nước trầm trọng; Phôi thép nhập ồ ạt, doanh nghiệp “kêu cứu” lên Thủ tướng; Không có việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng; Tiền điện tháng 2 tăng đột biến: Cách giải thích của EVN là phiến diện; Doanh nghiệp kêu khổ, tham tán kêu khó.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Hồ thủy điện miền Trung thiếu nước trầm trọng.



Lượng mưa ít, nên hầu hết các hồ thủy điện tại miền Trung tích nước chưa đạt dung tích phù hợp, càng làm gia tăng khả năng thiếu nước sinh hoạt và nước tưới cho hạ du.

Nhằm đảm bảo nguồn nước cho vùng hạ du, hiện tỉnh Quảng Nam cũng đã xây dựng kịch bản chống hạn cho 10.000 lúa có nguy cơ thiếu nước. Tỉnh cũng vừa hoàn thành đập ngăn mặn tạm thời trên sông Vĩnh Điện. Trong khi đó, tại TP. Đà Nẵng, người dân cũng đang đối phó với tình trạng nhiễm mặn nguồn nước sinh hoạt. Thiếu nước nên bài toán tiết kiệm nước đang đặt ra cho các nhà máy thủy điện và hơn lúc nào hết quy trình vận hành liên hồ mùa khô đang được thực hiện nghiêm túc vì lợi ích chung của cả nền kinh tế.

2.Phôi thép nhập ồ ạt, doanh nghiệp “kêu cứu” lên Thủ tướng.



Công ty Cổ phần thép Hòa Phát vừa có văn bản kêu cứu gửi Thủ tướng trước tình trạng phôi thép nhập khẩu ồ ạt tràn vào Việt Nam.

Với lượng nhập khẩu quá lớn (theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong tháng 1.2016 lượng phôi thép nhập khẩu là 326.000 tấn), công ty này lo ngại ngành sản xuất thép trong nước chắc chắn không thể trụ vững, gặp nhiều khó khăn và có nguy cơ quay trở lại 10 năm trước, hoàn toàn phụ thuộc vào thép nhập khẩu. Doanh nghiệp kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành có biện pháp cần thiết giảm lượng phôi thép nhập khẩu, cứu ngành sản xuất phôi thép trong nước.

3. Không có việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng.

Chiều 24/2, khẳng định với Tuổi Trẻ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nói: “Không có chuyện Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu”.

Ngày 24/2, theo thông tin trên một số báo thì Bộ Tài chính đang nghiên cứu đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo đó, từ ngày 1/4 tới, xăng sẽ chịu thuế mức kịch trần là 4.000 đồng/ lít; dầu diesel là 2.000 đồng/ lít và dầu ma dút là 1.500 đồng/ kg. Sở dĩ có đề xuất này là trong bối cảnh giá xăng dầu giảm sâu, nguồn thu ngân sách nhà nước khó khăn.

4. Tiền điện tháng 2 tăng đột biến: Cách giải thích của EVN là phiến diện.



Tiếp theo thông tin vụ việc tiền điện tăng bất ngờ được báo chí phản ánh ngày 24/2, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã lên tiếng giải thích là do thời tiết lạnh và ngày ghi số điện vừa qua lùi 4 ngày do đúng dịp nghỉ tết.

Tuy nhiên, người dân tại chung cư CT12C Kim Văn – Kim Lũ, quận Hoàng Mai, Hà Nội, không thấy thỏa đáng với lý do EVN Hoàng Mai đưa ra.

5. Doanh nghiệp kêu khổ, tham tán kêu khó.

Báo Hà Nội mới đưa tin, Hội nghị Tham tán - doanh nghiệp năm nào cũng nghe DN "kêu" là thiếu thông tin thị trường xuất khẩu, kể cả năm nay khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng. Tại Hội nghị Tham tán 2016 vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, rất nhiều DN than thở thiếu thông tin thị trường nước ngoài, và thiếu rất nhiều: Giá cả, nhu cầu, văn hóa, tập quán, tiêu dùng... DN kêu khổ, tham tán kêu khó! Bởi Tham tán không thể hỗ trợ cho hầu hết công việc của DN.

Nhiều câu hỏi cho thấy nhiều DN trong nước quá lệ thuộc vào các thông tin từ Tham tán, thậm chí có tâm lý ỷ lại. Và một thực tế, có lẽ chỉ các DN nhỏ và vừa có tâm lý "xin cung cấp thông tin", còn DN thường xuyên xuất khẩu, DN lớn như các Hiệp hội ngành nghề, và ngay cả cơ quan quản lý, đều biết từ lâu rằng phải mua thông tin, không có gì miễn phí. Thậm chí chính các Hiệp hội bỏ tiền ra mua thông tin đã bán lại cho các hội viên của mình.

Trách nhiệm và vai trò của các Tham tán thương mại là giúp DN hiểu rõ thị trường đó có phù hợp với sản phẩm hay không? Còn buôn bán, thanh toán là chuyện của DN nên họ phải chủ động hơn nữa trong tìm kiếm thông tin, thị trường, đối tác. Thêm nữa, Bộ Công Thương cũng nên khẳng định Tham tán thương mại ở một tầm khác. Tham tán thương mại là cánh tay nối dài của Bộ Công Thương, của DN ở nước ngoài, sẽ làm những việc mà DN không làm được. Lực của Tham tán thương mại phải tập trung vào việc dự báo - cảnh báo thị trường, dự báo chính sách và các rào cản thương mại chứ không phải để giải quyết những chuyện vụn vặt của DN. 

LH (Nguồn Bộ Công Thương)