banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 23/02
Cập nhật lúc 08:50 ngày 24/02/2016

Trong ngày 23 tháng 02 năm 2016, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Bộ Công Thương họp bàn đầu ra cho hạt gạo; Giày mũ da Việt Nam gặp thuận lợi trong vụ kiện ở châu Âu; Doanh nghiệp xuất khẩu: “Đói” thông tin thị trường, đối mặt nhiều rủi ro; Việt Nam cần làm gì để tránh tụt hậu; Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa; Doanh nghiệp khai khoáng cần bỏ cách cũ, làm cách mới.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Bộ Công Thương họp bàn đầu ra cho hạt gạo.


Chiều 22/2, Bộ Công Thương tổ chức hội nghị tham tánThương mại năm 2016 với chủ đề Đổi mới phương thức hoạt động thương vụ và công tác thị trường trong bối cảnh mới về hội nhập kinh tế quốc tế. Tham dự cuộc họp có các tham tán thương mại Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ với các doanh nghiệp xuất khẩu, hiệp hội các doanh nghiệp lương thực Việt Nam.

Theo dự báo, xuất khẩu gạo của Việt Nam 2016 diễn biến sẽ khó lường do tác động của do hiện tượng El Nino, tình hình xâm nhập mặn, cạnh tranh từ các quốc gia như Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan… Vì vậy, thị trường xuất khẩu của Việt Nam trong năm nay  chủ yếu vẫn là Trung Quốc. Gạo của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 54% thị phần của thị trường này. Sản lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với số lượng lớn sẽ nhiều rủi ro. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam sẽ mở rộng ra  thị trường mới như Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc… Tuy nhiên, các thị trường này sử dụng  gạo cao cấp, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất khẩu khoảng 27% gạo chất lượng cao và hạt gạo của Việt Nam chưa có thương hiệu, công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế… Vì vậy, việc nâng chất lượng hạt gạo từ hạt giống, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, hỗ trợ vốn để đầu tư cánh đồng mẫu lớn… là những yếu tố rất quan trọng.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công thương cho biết, trong các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại, các doanh nghiệp cần sự định hướng của cơ quan Nhà nước về thị trường, đặc biệt của Hiệp hội lương thực để hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong xúc tiến và phát triển thị trường với các mô hình, hình thức cho phù hợp.

2.Giày mũ da Việt Nam gặp thuận lợi trong vụ kiện ở châu Âu.

Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) cho biết Tòa án Tư pháp Liên minh Châu Âu (CJEU) ra thông báo vô hiệu một phần quyết định áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm giày mũ da nhập khẩu từ VN. Ủy ban Châu Âu (EC) đã tiến hành điều tra và thấy không phù hợp với quy định liên quan đến đối xử như nền kinh tế thị trường và đối xử riêng rẽ đối với một số DN xuất khẩu của VN.

3. Doanh nghiệp xuất khẩu: “Đói” thông tin thị trường, đối mặt nhiều rủi ro.

“Đói” thông tin về thị trường xuất khẩu và đối mặt với nhiều rủi ro là tình trạng chung của các doanh nghiệp (DN), được phản ánh tại cuộc gặp giữa các tham tán thương mại với các DN khu vực phía Nam, ngày 22/2, tại TPHCM.

Đại diện một số doanh nghiện kiến nghị rút ngắn thời gian cấp chứng nhận xuất xứ (C/O). Để xin C/O thường mất 3 ngày. Thêm 5 ngày chuyển phát nhanh nữa thì tổng cộng mất 8 ngày mới đến tay khách hàng. Với những thị trường xa như châu Âu, Mỹ, tàu đi 20 ngày thì không thành vấn đề vì C/O đến trước. Nhưng với thị trường Nhật, Hong Kong thì hàng đi chỉ mất 5-7 ngày chạy tàu mà 8 ngày mới gửi được C/O đến khách hàng.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú thừa nhận hầu hết các tham tán chưa đáp ứng được nhu cầu thông tin cho DN. Theo ông, cái khó và cũng là lý do dẫn đến tình trạng trên là thiếu nhân lực cũng như tài chính để thực hiện, trong khi nhu cầu của DN thì hết sức đa dạng và phức tạp.

4. Việt Nam cần làm gì để tránh tụt hậu.


Chuyên gia trong và ngoài nước phát đi thông điệp, các thể chế hiện tại đã bộc lộ những nhược điểm. Nếu những thể chế đó không được xử lý quyết đoán, kịp thời, Việt Nam có thể tụt hậu. Dự kiến, sáng 23/2, Báo cáo Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ sẽ được công bố. Báo cáo do Bộ KH&ĐT phối hợp cùng Ngân hàng Thế giới (WB) thực hiện, với sự tham gia của hàng chục chuyên gia hàng đầu trong và ngoài nước.

Báo cáo Việt Nam 2035 đi vào phân tích chi tiết các thách thức Việt Nam đang gặp phải, như năng suất lao động thấp; doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp “thân hữu” chiếm tỷ trọng lớn “chèn ép” lên khu vực tư nhân; các yếu tố kinh tế thị trường chưa hình thành đầy đủ (đặc biệt với quyền tài sản, đất đai và cơ chế xin - cho…); thị trường vốn còn nhiều hạn chế; vấn đề môi trường… 3 yếu tố thách thức hiện nay cần phải cải cách, gồm: Tình trạng tham gia quá nhiều của nhà nước vào hoạt động kinh tế, quyền lực nhà nước bị cát cứ, manh mún; thiếu cơ chế kiểm soát quyền lực hữu hiệu trong bộ máy chính quyền; và hạn chế về trọng lượng tiếng nói của dân chúng cũng như sự tham gia rất hạn chế của người dân trong quá trình hoạch định và thực thi chính sách.

5. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ đóng cửa.

“2-3 tháng nữa khi các hợp đồng cung ứng sản phẩm cho khách hàng “cạn”, không có hợp đồng mới ký kết thì Nhà máy Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa. Cho tới lúc này Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động ổn định với 100% công suất, nhưng sắp tới nếu chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi dành cho sản phẩm của nhà máy không thay đổi, nguy cơ đóng Dung Quất là có thật”, ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch HĐTV Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) nói.

Hiện xăng của Dung Quất chịu áp lực cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại nhập từ Hàn Quốc. Song với mức thuế suất mà xăng của Dung Quất đang bị áp là 20%, trong khi theo Thông tư 201/2015/TT-BTC thực hiện Hiệp định thương mại tự do - FTA Việt Nam - Hàn Quốc sản phẩm nhập từ Hàn Quốc chỉ phải chịu 10%, dẫn tới tình trạng khách hàng nhập khẩu sản phẩm từ Hàn Quốc với chi phí và phụ phí cao. Còn sản phẩm của Dung Quất dù đã giảm giá đến 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015 nhưng vẫn khó cạnh tranh nổi.

6. Doanh nghiệp khai khoáng cần bỏ cách cũ, làm cách mới.

Bộ Công Thương dự báo trong năm nay ngành khai khoáng tiếp tục gặp khó khăn. Đáng lo nhất là giá bán thấp, điều kiện khai thác càng khó khăn, chi phí sản xuất tăng. Việc tìm hướng đi mới phù hợp, hướng đến chế biến sâu là yêu cầu cấp thiết với các doanh nghiệp khai khoáng trong lúc này.

Nhận định chung cho thấy bức tranh toàn cảnh ngành khai khoáng Việt Nam trong năm 2016 vẫn chưa hết u ám, kinh doanh sụt giảm, thuế phí gắt gao. Điều đáng nói là chi phí không chính thức của doanh nghiệp khoáng sản cao hơn 73% so với các loại hình doanh nghiệp khác.

Theo số liệu của Bộ Công Thương, về giá trị xuất khẩu, so với cùng kỳ năm 2015, trong bối cảnh các mặt hàng đều giảm thì giảm mạnh nhất là mặt hàng quặng và khoáng sản (giảm đến 69,8%). Đặc biệt, hai mặt hàng trong nhóm nhiên liệu và khoáng sản có lượng xuất khẩu tăng mạnh lại là xăng dầu và quặng khoáng sản (tăng lần lượt là 105,5% và 65,9%). Riêng ngành than, ngay từ những ngày đầu năm nay đã tổ chức triển khai kế hoạch năm 2016, đề ra nhiều giải pháp để đẩy mạnh sản xuất, đáp ứng than tối đa cho nền kinh tế.

Cần lưu ý, trong đề án điều chỉnh quy hoạch than 60 (quy hoạch phát triển ngành than đến năm 2020 có xét đến năm 2030), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phát triển ngành than bền vững trên cơ sở khai thác, chế biến, sử dụng có hiệu quả và tiết kiệm nguồn tài nguyên than của đất nước, đóng góp tích cực vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, ưu tiên đáp ứng nhu cầu than trong nước, giảm xuất khẩu than. Trong khi đó, chỉ tiêu kế hoạch của Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) trong năm 2016 dự kiến cao hơn so với năm 2015. Cụ thể, dự kiến sản lượng than sạch đạt 35,9 triệu tấn (tăng 6,5%), than tiêu thụ đạt 36 triệu tấn (tăng 2,9%).

Trong năm 2016, các công ty chế biến của Vinacomin tiếp tục mua than chất lượng thấp của tập đoàn để chế biến thành than chất lượng cao. Việc điều hành tiêu thụ than năm 2016 sẽ linh hoạt từ phương án thấp đến phương án cao, tập trung sản xuất than đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất điện, đặc biệt là các nhà máy miền Trung và miền Nam.

Riêng với quặng sắt, theo dự báo giá bán trong năm nay sẽ không cao, sẽ ở mức thấp nhất trong quý I hoặc quý II năm 2016 nên ảnh hưởng lớn đến giá trị xuất khẩu của các loại quặng sắt ở Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Trung Quốc đi xuống, nên các nhà máy thép Trung Quốc đang phải xử lý khối tích trữ quặng sắt để nhằm tạo ra vài dòng tiền mặt. Và việc bán quặng sắt nhập khẩu tồn kho đang làm cho giá quặng sắt càng giảm thêm. Điều này khiến các doanh nghiệp khai thác quặng sắt ở Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi ngành thép trong nước đang phải nỗ lực cạnh tranh với thép nhập khẩu từ Trung Quốc.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)