banner2019
 
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thứ bảy, ngày 21 tháng 12 năm 2024
Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn về TPP
Cập nhật lúc 08:29 ngày 07/02/2016

Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

 

Ảnh minh họa

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ nhận được chất vấn của các Đại biểu Quốc hội Võ Kim Cự, Trương Trọng Nghĩa, Trần Ngọc Vinh về vấn đề lao động trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Trả lời chất vấn trên, Thủ tướng Chính phủ cho biết, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế về lao động là nội dung luôn đề cập đến trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Cũng như các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về “Những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động, mà tất cả các nước thành viên TPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi với tư cách thành viên ILO.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, vấn đề bảo đảm quyền lợi của người lao động ngày càng được coi trọng trên cơ sở coi người lao động là trực tiếp làm ra sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả của quá trình này, cụ thể họ phải được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản. Việc đưa nội dung về lao động vào các hiệp định thương mại tự do còn có mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Một nước duy trình tiêu chuẩn lao động thấp, tiền lương và các điều kiện lao động không được xác lập trên cơ sở thương lượng được cho là sẽ có chi phí sản xuất thấp hơn so với nước thực hiện những tiêu chuẩn cao hơn để bảo vệ tốt hơn quyền lợi chính đáng của người lao động. Do đó, để tránh cạnh tranh không bình đẳng thông qua việc không bảo đảm các điều kiện làm việc cơ bản cho người lao động, các nước tham gia Hiệp định TPP đưa ra những cam kết riêng về lao động trong một chương riêng của Hiệp định.

Các tiêu chuẩn lao động của ILO được áp dụng tại Hiệp định TPP

Hiệp định không đưa ra các tiêu chuẩn mới về lao động. Những tiêu chuẩn được đề cập trong Hiệp định TPP chính là các tiêu chuẩn lao động được nêu tại Tuyên bố năm 1998 của ILO, bao gồm:

- Quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động (theo Công ước số 87 và số 98 của ILO);

- Xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc (theo Công ước số 29 và 105 của ILO);

- Cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất (theo Công ước số 138 và Công ước số 182 của ILO);

- Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (theo Công ước số 100 và số 111 của ILO).

Việt Nam là thành viên của ILO từ năm 1992. Với tinh thần bảo đảm điều kiện lao động tốt nhất cho người lao động, Việt Nam đã chủ động phê chuẩn 05 công ước cơ bản của ILO, bao gồm các Công ước số 29, 100, 111, 138 và 182. Với 03 công ước cơ bản còn lại là Công ước số 87, 98 và 105, Việt Nam đã và đang tiến hành nghiên cứu và chuẩn bị để trình cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn. Theo Tuyên bố năm 1998 của ILO, các nước thành viên ILO dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn các công ước cơ bản nêu trên đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện 04 tiêu chuẩn lao động được đề cập trong các công ước đó.

Do đó, có thể thấy các yêu cầu về lao động trong Hiệp định TPP cũng chỉ là yêu cầu đặt ra đối với các quốc gia thành viên của ILO. Là thành viên có trách nhiệm của ILO, Việt Nam luôn khẳng định cam kết tôn trọng thúc đẩy và thực hiện các tiêu chuẩn cơ bản của tổ chức này.

Nội dung chính về lao động trong Hiệp định TPP

- Đối với những nội dung liên quan đến xóa bỏ lao động cưỡng bức, lao động trẻ em, xóa bỏ phân biệt đối xử trong lao động, về cơ bản, hệ thống pháp luật Việt Nam đã phù hợp với tiêu chuẩn của ILO và cam kết của Hiệp định TPP. Việt Nam đã và đang triển khai một số chương trình hành động quốc gia để thực thi các tiêu chuẩn trên trong thực tiễn. Để tương thích với các tiêu chuẩn của ILO và cam kết TPP, cũng như để bảo đảm tốt hơn các quyền cơ bản của người lao động, Việt Nam khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện pháp luật và các cơ chế liên quan như: áp dụng chế tài hình sự đối với hành vi sử dụng lao động cưỡng bức hoặc lao động bắt buộc; cấm phân biệt đối xử về mọi khía cạnh của việc làm và nghề nghiệp; bảo đảm quyền tiếp cận việc làm bình đẳng của phụ nữ, bãi bỏ quy định cấm phụ nữ tham gia vào một số ngành nghề, công việc cụ thể.

- Đối với cam kết về bảo đảm điều kiện lao động liên quan tới lương tối thiểu, giờ làm việc và an toàn lao động, hệ thống pháp luật Việt Nam, về cơ bản đã quy định đầy đủ về những nội dung này nên không có yêu cầu về việc sửa đổi, bổ sung.

- Về quyền thành lập tổ chức đại diện của người lao động theo Hiệp định TPP, Việt Nam cũng như tất cả các nước tham gia Hiệp định TPP phải tôn trọng và bảo đảm quyền của người lao động trong việc thành lập và gia nhập tổ chức của người lao động tại cơ sở. Tổ chức của người lao động tại cơ sở có thể lựa chọn gia nhập Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hoặc đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được chính thức hoạt động và sẽ chỉ được hoạt động sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp nhận đăng ký theo một quy trình minh bạch và được quy định cụ thể trong các văn bản quy phạm pháp luật. Tổ chức của người lao động, sau khi hoàn thành việc đăng ký, sẽ có một số quyền tự chủ phù hợp với quy định của ILO và pháp luật Việt Nam. ILO cũng như Hiệp định TPP luôn nhấn mạnh việc tất cả các tổ chức của người lao động phải tuân thủ Hiến pháp, pháp luật của nước sở tại cũng như phải hoạt động phù hợp với tôn chỉ, mục đích và phương thức hoạt động đã được đăng ký.

- Tôn chỉ, mục đích hoạt động của tổ chức của người lao động phải bảo đảm theo đúng các tiêu chuẩn của ILO là để đại diện, bảo vệ cho các quyền và lợi ích của người lao động tại các doanh nghiệp mà họ làm việc thông qua các hình thức tương tác được quy định trong pháp luật, bao gồm đối thoại, thương lượng tập thể, đình công và các hoạt động tập thể khác trong quan hệ lao động. Tổ chức của người lao động không được phép tiến hành bất cứ hoạt động nào có khả năng xâm hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội cũng như không được tham gia bất cứ hoạt động này ngoài tôn chỉ mục đích phù hợp với quy định của ILO và đã đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

- Để bảo vệ một cách hiệu quả quyền và lợi ích của người lao động như đã nêu trên, Hiệp định TPP cũng bao gồm các nội dung nhằm bảo vệ tổ chức của người lao động để không bị người sử dụng lao động can thiệp và phân biệt đối xử nhằm vô hiệu hóa hoặc làm suy yếu khả năng đại diện, bảo vệ cho quyền lợi của người lao động; bảo đảm nghĩa vụ thương lượng thiện chí của người sử dụng lao động khi tiến hành thương lượng tập thể với tổ chức của người lao động về tiền lương và các điều kiện lao động khác cho người lao động.

- Sau thời gian 5 năm, kể từ ngày Hiệp định TPP có hiệu lực đối với Việt Nam (nghĩa là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định TPP), các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng quy trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập các tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam, không trái với các tiêu chuẩn của ILO. Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật, cũng như tổ chức bộ máy để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động. Việc các nước dành một khoảng thời gian hợp lý để Việt Nam chuẩn bị là việc chưa từng có trong tiền lệ, thể hiện uy tín của Việt Nam trong việc thực thi nghiêm túc các cam kết quốc tế, trong đó có các cam kết về bảo đảm điều kiện làm việc tốt nhất cho người lao động.

- Để bảo đảm thực thi có hiệu quả các nội dung nêu trên, cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề quan hệ lao động nói chung và công đoàn nói riêng; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần có kế hoạch cụ thể để đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của công đoàn các cấp, nhất là cấp cơ sở; Chính phủ cũng sẽ triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hoàn thiện tổ chức bộ máy, tăng cường sự lãnh đạo của các thiết chế có liên quan như Thanh tra lao động, cơ quan quản lý nhà nước về công đoàn và quan hệ lao động.

Thời gian tới, ban Cán sự đảng Chính phủ sẽ xây dựng đề án, trình Ban Chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết về thực hiện hiệu quả tiến trình hội nhập quốc tế trong bối cảnh nước ta gia nhập các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, trong đó có vấn đề lao động và hoạt động công đoàn.

Các bước triển khai tiếp theo

Nội dung về lao động trong Hiệp định TPP cần được các nước thông qua theo quy trình phê chuẩn Hiệp định riêng của mỗi nước. Thời gian khoảng 02 năm để phê chuẩn Hiệp định là khoảng thời gian để tất cả các nước tham gia chuẩn bị các điều kiện cần thiết để Hiệp định có thể được thực thi hiệu quả. Riêng Việt Nam sẽ có thêm 05 năm đối với một số nghĩa vụ vì cần có sự chuẩn bị chu đáo.

Ngay sau khi các cấp có thẩm quyền phê chuẩn Hiệp định TPP và đề ra các chủ trương thực hiện, Việt Nam sẽ sửa đổi hoặc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo điều kiện cho việc thực thi các nội dung về lao động trong Hiệp định TPP, phù hợp với các quy định của ILO. Trên cơ sở các nguyên tắc được đề ra khi phê chuẩn, Chính phủ sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để bảo đảm các nội dung về lao động trong Hiệp định TPP được triển khai đồng bộ với sự phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các cơ quan quản lý nhà nước, bảo đảm phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các tiêu chuẩn của ILO.

Việc bảo đảm thực thi các nội dung của Hiệp định TPP được bảo đảm bằng nhiều cơ chế khác nhau, trong đó hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật là cơ chế chủ đạo. Với sự hỗ trợ của các đối tác TPP, Việt Nam và ILO sẽ xây dựng các chương trình hỗ trợ kỹ thuật nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung về lao động được đề cập trong Hiệp định TPP./.

Nguồn Chính phủ