banner2019
 
Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 04/02
Cập nhật lúc 07:54 ngày 05/02/2016
Trong 04 tháng 02 năm 2015, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Hiệp định lịch sử TPP đã được ký kết; Thành lập Ủy ban Hỗn hợp hợp tác kinh tế đầu tư Việt Nam – Mexico; “Bệ đỡ” cho xuất khẩu tăng chậm lại: Xăng Petrolimex gây chết máy, ai chịu trách nhiệm?; Lào sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Việt Nam trong vài tháng tới; Năm 2016 giá thép khó tăng; Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi xuất khẩu Việt Nam.

Thông tin cụ thể như sau:

1.  Hiệp định lịch sử TPP đã được ký kết.



Sau hơn một chục vòng đàm phán kéo dài hơn 5 năm, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) – hiệp định lịch sử của thương mại thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã được 12 quốc gia thành viên chính thức ký kết vào khoảng 5h30 sáng nay 4/2/2016 (giờ Việt Nam), tại Auckland (New Zealand).

Đoàn Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu đã tham gia lễ ký này. Theo thống nhất của các nước thành viên TPP, ngay sau lễ ký kết, mỗi nước sẽ có thời gian khoảng 2 năm để hoàn tất thủ tục nội bộ. Đặc biệt, TPP sẽ chỉ có hiệu lực nếu được ít nhất 6 nước phê chuẩn, chiếm tối thiểu 85% tổng GDP của nhóm 12 nước. Điều này có nghĩa, TPP muốn có hiệu lực phải được Quốc hội của hai nền kinh tế lớn nhất TPP là Hoa Kỳ và Nhật Bản thông qua.

Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, TPP sẽ đem lại nhiều lợi ích cho Việt Nam. ​Cụ thể, TPP sẽ giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm 68 tỷ USD vào năm 2025.

2.Thành lập Ủy ban Hỗn hợp hợp tác kinh tế đầu tư Việt Nam – Mexico.

Ngày 4/2, tại Auckland (New Zealand), bên lề Lễ ký kết Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo Vilareal đã ký Thỏa thuận thành lập Ủy ban hỗn hợp cấp bộ về hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mexico. Ủy ban này sẽ do hai Bộ trưởng đồng chủ trì và sẽ là cơ chế trao đổi, xác định và điều phối các hoạt động hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực kinh tế, thương mại và đầu tư.

Sau 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Mexico đã liên tục phát triển. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa được như mong muốn và chưa xứng đáng với tiềm năng phát triển của hai nước. Chính vì vậy, việc thành lập Ủy ban Hỗn hợp hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư Việt Nam – Mexico là cơ hội để nắm bắt kịp thời và tận dụng hiệu quả những cơ hội to lớn từ Hiệp định TPP mà hai nước cùng là thành viên và vừa tham gia ký kết. 

3. “Bệ đỡ” cho xuất khẩu tăng chậm lại.

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 1 ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước như gạo tăng 62,2%; thủy sản tăng 10,3%; giày dép tăng 7,5%; dệt may tăng 5,8%; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 3,4%; điện thoại và linh kiện tăng 2,4%.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong bức tranh xuất khẩu được bà Nguyễn Thúy Hiền, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho biết là kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp chế biến chỉ tăng trưởng khoảng 2,8% và là mức tăng trưởng khá thấp của lĩnh vực này. Nguyên nhân là do xuất khẩu của nhóm điện thoại, linh kiện và máy tính, linh kiện điện tử có xu hướng tăng trưởng chậm lại.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhìn nhận, việc sụt giảm xuất khẩu một phần là do giá của nhóm mặt hàng quặng và khoáng sản giảm mạnh, với mức giảm lên tới 69,8%. Bên cạnh đó, xuất khẩu điện thoại và linh kiện năm nay chỉ tăng khoảng 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái đã tác động đến bức tranh xuất khẩu chung của ngành. "Điều đáng ngại là mức tăng trưởng thấp hơn rất nhiều so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là nhóm công nghiệp chế biến, chế tạo, do vậy cần có phương hướng điều hành chung nhằm hoàn thành kế hoạch năm" Thứ trưởng lưu ý.

4Xăng Petrolimex gây chết máy, ai chịu trách nhiệm?

Theo ông Trần Quốc Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hoá chất lượng xăng dầu được kiểm soát rất chặt chẽ từ khâu sản xuất đến lưu thông ra thị trường. Tuy nhiên, trên thị trường xuất hiện tình trạng một số lượng xăng dầu nhập lậu hoặc có hiện tượng gian lận xăng dầu nên đã ảnh hưởng đến chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường.

Vừa rồi, một số hiện tượng về chất lượng xăng đã xảy ra ở địa phương ở phía Nam, TPHCM và Tiền Giang. Ông Tuấn cho biết: Nếu có bằng chứng khẳng định rõ ràng và tất cả các kết luận cho thấy, doanh nghiệp đã bán xăng dầu không đạt chất lượng. Như vậy, doanh nghiệp này sẽ vi phạm quy định trong các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đo lường chất lượng. Ví dụ, trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu có Nghị định 97 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, Nghị định 80 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng. Doanh nghiệp mà bán sản phẩm xăng dầu không đảm bảo chất lượng phải xử lý theo quy định của pháp luật. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính và các biện pháp xử phạt bổ sung, doanh nghiệp có trách nhiệm thực hiện bồi hoàn thiệt hại của người tiêu dùng theo quy định pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng.

5Lào sẽ tăng cường xuất khẩu điện sang Việt Nam trong vài tháng tới.

Báo Vientiane Times dẫn lời ông Daovong Phonekeo, Cục trưởng Cục Kế hoạch và Chính sách Năng lượng, Bộ Năng lượng và Khai mỏ Lào cho biết trong năm nay, Lào sẽ bắt đầu xuất khẩu điện của nhà máy thủy điện Xekaman 1 sang Việt Nam. Ông Daovong nói: “Theo kế hoạch, tổ máy đầu tiên của nhà máy thủy điện Xekaman 1 (gồm ba tổ máy), sẽ bắt đầu phát điện vào tháng tới, tổ máy thứ hai dự kiến sẽ phát điện sau đó 3 tháng và tổ máy cuối cùng dự kiến sẽ vận hành sau tổ máy số 1 khoảng 6 tháng.”

Dự kiến tới năm 2017, khu vực Nam Lào sẽ có thêm 4 nhà máy điện nữa đi vào hoạt động gồm các nhà máy Xekaman 4, Xekaman Sanxay, Xekong 3 và Xekong 3 Ha (phần lớn lượng điện do các nhà máy này sản xuất dự kiến sẽ được xuất khẩu sang Việt Nam). 

6. Năm 2016 giá thép khó tăng.

Trong tháng 1 so với cùng kỳ 2015, sản lượng sắt thép thô ước đạt 364,5 nghìn tấn, giảm 7,1%; thép cán ước đạt 393,2 nghìn tấn, tăng 16,4%; thép thanh, thép góc ước đạt 385,5 nghìn tấn, tăng 21,3%. Cũng trong tháng 1, lượng thép nhập khẩu các loại ước tăng 33,9% so với cùng kỳ. Dự báo năm 2016, cung sẽ nhiều hơn cầu và quốc gia có sản lượng thép lớn như Trung Quốc tiếp tục thực hiện các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu, vì vậy thép xây dựng sẽ khó có khả năng tăng giá. Trước tình hình đó, các doanh nghiệp thép trong nước cần liên kết chặt chẽ để gia tăng tính cạnh tranh, bảo vệ sản xuất trong nước trước sự cạnh tranh của hàng nhập khẩu.

7. Ấn Độ điều tra chống bán phá giá sợi xuất khẩu Việt Nam.

Cục Quản lý cạnh tranh (VCA - Bộ Công Thương) cho biết, Tổng vụ chống bán phá giá và trợ cấp Ấn Độ (DGAD) vừa khởi xướng điều tra chống bán phá giá (AD) đối với sản phẩm sợi spandex nhập khẩu từ Việt Nam và ba quốc gia khác. Giữ vai trò nguyên đơn là Công ty Indorama Industries Ltd - cáo buộc sản phẩm sợi spandex nhập khẩu bán phá giá vào Ấn Độ với giá thấp hơn so với giá tại chính thị trường nội địa của các nước bị điều tra, gây ra thiệt hại đáng kể đến ngành công nghiệp sản xuất sợi của Ấn Độ.

Giai đoạn điều tra được xác định từ 1/10/2014 đến 30/9/2015, trong khi giai đoạn xem xét thiệt hại được tính tháng 4/2011 đến tháng 3/2015. 

LH (VP Bộ Công Thương)