banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Tổng hợp thông tin hoạt động công nghiệp và thương mại ngày 22/01
Cập nhật lúc 09:31 ngày 25/01/2016

Trong ngày 22/01, các cơ quan thông tấn báo chí đăng tải nhiều thông tin về hoạt động công nghiệp và thương mại trong nước, như: Phát triển điện sạch; Tháng 1, CPI Hà Nội tăng mạnh; Gian lận trong khâu bán lẻ gas; Bột ngọt bao bì Việt Nam, ruột Trung Quốc; Một vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ; Thương mại điện tử liệu có bùng nổ trong năm 2016.

Thông tin cụ thể như sau:

1.Phát triển điện sạch.


Chưa bao giờ, điện sạch lại được quan tâm như hiện nay. Ngay tại cuộc họp vào ngày 19/1 vừa qua của Thường trực Chính phủ về đề án điều chỉnh quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 có xét đến năm 2030 (điều chỉnh quy hoạch điện 7) và dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển ngành than Việt Nam đến năm 2020, có xét triển vọng đến năm 2030 (điều chỉnh quy hoạch than 60), Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, các tập đoàn: Điện lực, than - khoáng sản khi điều chỉnh, thực hiện quy hoạch phải kiểm soát, bảo vệ tốt vấn đề môi trường, nhất là kiểm soát chặt chẽ các nhà máy điện than. Rà soát, tính toán kế hoạch phát triển tất cả các nhà máy điện than, không phát triển thêm điện than; tiến tới thay than bằng khí. Thực hiện nghiêm túc các cam kết quốc tế trong cắt giảm khí phát thải.

Kinh nghiệm cho thấy, nhà nước chỉ cần có cơ chế, chính sách phù hợp thì sẽ thu hút các nhà đầu tư vào năng lượng sạch. Tất cả các cơ chế, chính sách phải đồng bộ để nhà đầu tư cảm thấy có một sự cam kết, một lộ trình, định hướng dài hạn từ phía Chính phủ, từ đó để các nhà đầu tư có niềm tin, an tâm đầu tư phát triển điện sạch.

2.Tháng 1, CPI Hà Nội tăng mạnh.

Cục thống kê Hà Nội vừa công bố tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố tháng 1/2016. Theo đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thành phố Hà Nội tháng này đã tăng 0,12% so với tháng trước và tăng 1,19% so với cùng kỳ năm 2015.

3. Gian lận trong khâu bán lẻ gas.

Hiện thị trường gas xảy ra thực trạng một số đơn vị thu gom cái vỏ bình gas có thương hiệu lớn, sau đó hoán cải, chiếm đoạt tài sản. Thực tế trên một số địa bàn, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc nhưng thiếu triệt để. Hàng hóa vi phạm sau khi bị phát hiện, tịch thu theo quy định là phải trả lại bình gas cho chủ sở hữu nhưng lại đưa ra bán đấu giá, sung công quỹ. Đề xuất Ban chỉ đạo 389 Quốc gia yêu cầu cơ quan chức năng, các địa bàn phải làm đúng quy định về xử lý vi phạm hành chính. Có như vậy, thị trường gas mới có một sân chơi chung, quyền lợi của doanh nghiệp giống nhau, người tiêu dùng được hưởng quyền lợi giống nhau mới có thể nâng cao ý thức người dân.

Ông Trần Trọng Hữu – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Bắc cho biết: Trên thị trường Việt Nam, lẫn thị trường thế giới không có gas giả. Hoạt động gian lận thương mại diễn ra chủ yếu là thiếu trọng lượng. Lợi dụng sự cả tin của người tiêu dùng, mỗi bình gas thiếu trọng lượng khoảng từ 200 đến 300 gram, nhân với hàng triệu bình gas thì lợi nhuận khủng khiếp. 

4. Bột ngọt bao bì Việt Nam, ruột Trung Quốc.


Chiều 21/1, khi thực hiện kiểm tra tại Công ty TNHH Saigon Ve Wong (Quận 12, TPHCM), Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM đã phát hiện có những dấu hiệu sản xuất, kinh doanh sản phẩm bột ngọt vi phạm nhãn hàng hóa.

Cụ thể, tại xưởng sản xuất bột ngọt, các công nhân đang tiến hành đóng gói bao bì bột ngọt thành phẩm thương hiệu A-One. Mặc dù trên bao bì sản phẩm ghi rõ “sản xuất tại Việt Nam”, nhưng toàn bộ nguyên liệu được nhập khẩu từ Trung Quốc và Thái Lan. Đặc biệt, khu sản xuất bột ngọt có ba tầng tương ứng với ba công đoạn sản xuất.

Ngoài khu vực sản xuất, hàng ngàn tấn nguyên liệu bột ngọt được phủ bạt mới được nhập khẩu về chờ đưa vào đóng gói. Theo quy trình này, nguyên liệu nhập khẩu được đóng gói trực tiếp chứ không sản xuất như công bố. Với những dấu hiệu sai phạm ban đầu, cơ quan chức năng tạm giữ toàn bộ hàng hóa bột ngọt thành phẩm để làm rõ.

5. Một vận hội mới mà Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Tại Diễn đàn Chính sách thương mại: Cơ hội và thách thức của TPP và Hiệp định FTA Việt Nam – EU đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, nhiều chuyên gia kinh tế đều có chung nhận định, sau 30 năm đổi mới và hội nhập, từ một nước có thu nhập trung bình thấp, Việt Nam đã vươn lên trở thành một nước công nghiệp hóa với một nền kinh tế rất mở. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận là chất lượng tăng trưởng của Việt Nam còn thấp.

Đánh giá về tiến trình hội nhập của Việt Nam trong thời gian qua, TS. Võ Trí Thành – Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), Chuyên gia kinh tế cho rằng, thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình” và đạt mức tăng trưởng cao, bền vững vẫn là những thách thức lớn đối với nền kinh tế Viêt Nam.

Vị chuyên gia này cho rằng, với TPP, đằng sau cơ hội là những thách thức không hề nhỏ mà Việt Nam cần phải vượt qua. Bên cạnh đó, không chỉ vượt qua khía cạnh thách thức hội nhập mà còn thách thức từ nhiều yếu tố khác.

6. Thương mại điện tử liệu có bùng nổ trong năm 2016?


Ông Lê Thiết Bảo – Cựu Giám đốc điều hành Deca.vn cho rằng, Việt Nam có đầy đủ điều kiện thuận lợi để thương mại điện tử phát triển như dân số trẻ, tỷ lệ người dùng internet cao, với khoảng 1/3 dân số Việt Nam truy cập internet. Tuy nhiên, trước dự báo về khả năng cất cánh của thương mại điện tử trong năm 2016, thị trường đang chia ra nhiều ý kiến trái chiều. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ cho biết sẽ quay trở lại mô hình mở cửa truyền thống và thương mại điện tử chỉ đóng vai trò là kênh bổ trợ.

LH (Nguồn VP Bộ Công Thương)