banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Quy định mới về tiền lương, BHXH, phụ cấp ưu đãi
Cập nhật lúc 08:22 ngày 04/01/2016

Một loạt chính sách quan trọng về lương tối thiểu vùng; chế độ thai sản, chế độ hưu trí, chế độ hưởng bảo hiểm xã hội một lần, tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo… sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016.


Tăng lương tối thiểu vùng

Theo Nghị định số 122/2015/NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, liên hiệp hợp tác xã, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có sử dụng lao động theo hợp đồng lao động, mức lương tối thiểu vùng áp dụng đối với doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016 như sau: Vùng I: 3.500.000 đồng/tháng; vùng II: 3.100.000 đồng/tháng; vùng III: 2.700.000 đồng/tháng; vùng IV: 2.400.000 đồng/tháng.

Như vậy, mức lương tối thiểu vùng mới cao hơn mức lương theo quy định cũ khoảng 250.000-400.000 đồng/tháng.

Mức lương tối thiểu vùng như trên là mức thấp nhất làm cơ sở để doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận và trả lương, trong đó mức lương trả cho người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường, bảo đảm đủ thời giờ làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận...

Khi thực hiện mức lương tối thiểu vùng, doanh nghiệp không được xóa bỏ hoặc cắt giảm các chế độ tiền lương khi người lao động làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm, làm việc trong điều kiện lao động nặng nhọc, độc hại, chế độ bồi dưỡng bằng hiện vật đối với các chức danh nghề nặng nhọc, độc hại và các chế độ khác theo quy định của pháp luật lao động.

Các khoản phụ cấp, bổ sung khác, trợ cấp, tiền thưởng do doanh nghiệp quy định thì thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc trong quy chế của doanh nghiệp. 

Quy định chi tiết về BHXH bắt buộc

Ngày 11/11/2015 Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đã quy định cụ thể về chế độ thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ; chế độ hưu trí; chế độ tử tuất; quỹ BHXH…

Theo đó, lao động nữ mang thai hộ đang đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sải, trong thời gian mang thai được nghỉ làm việc để đi khám thai 05 lần; khi sẩy thai, nạo, hút thai, thai chết lưu hoặc phá thai bệnh lý được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền; khi sinh con sẽ được hưởng trợ cấp, được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản… (Điều 3).

Đối với người mẹ nhờ mang thai hộ, Điều 4, Nghị định 115/2015 quy định, người mẹ nhờ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc vào quỹ ốm đau và thai sản từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con thì được hưởng các chế độ: trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 02 lần mức lương cơ sở; được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản từ thời điểm nhận con đến khi con đủ 06 tháng tuổi…

Về chế độ hưu chí, Điều 7, Nghị định 115/2015 quy định, mức lương hưu hằng tháng của người lao động được tính bằng tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng nhân với mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng của người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu theo quy định tại Điều 54 của Luật BHXH được tính như sau: Người lao động nghỉ hưu từ ngày 1/1/2016 đến trước ngày 1/1/2018, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2% đối với nam và 3% đối với nữ; mức tối đa bằng 75%; lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1/1/2018 trở đi, tỉ lệ hưởng lương hưu hằng tháng được tính bằng 45% tương ứng với 15 năm đóng BHXH, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng BHXH thì tính thêm 2%; mức tối đa bằng 75%;…

Về bảo hiểm xã hội một lần, Điều 8, Nghị định 115/2015 quy định, người lao động là công dân Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia BHXH bắt buộc mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp: Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn tham gia bảo hiểm xã hội khi nghỉ việc mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện; sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH; ra nước ngoài để định cư; người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc, Điều 17, Nghị định 115/2015 quy định, từ ngày 01/01/2016 đến ngày 31/12/2017, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương và phụ cấp lương theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Từ ngày 01/01/2018 trở đi, tiền lương tháng đóng BHXH là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động ghi trong hợp đồng lao động.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định cụ thể về truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc (Điều 18); hoạt động đầu tư từ quỹ BHXH (Điều 19); phụ cấp khu vực đối  với người hưởng BHXH (Điều 21); chế độ đối với người đang hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày trước ngày 01/01/2016 (Điều 22); chế độ đối với người đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà trước đó có thời gian đóng BHXH chưa được tính hưởng BHXH (Điều 24)…

Quy định mới về phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo

Theo Nghị định số 113/2015/NĐ-CP quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Nhà giáo chuyên trách giảng dạy người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập dành riêng cho người khuyết tật hoặc lớp học dành riêng cho người khuyết tật trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc mức 0,3 so với mức lương cơ sở và phụ cấp ưu đãi giảng dạy người khuyết tật mức 70% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)…

Nhà giáo dạy tích hợp, nhà giáo là nghệ nhân ưu tú trở lên hoặc người có trình độ kỹ năng nghề cao dạy thực hành trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập được hưởng phụ cấp đặc thù mức 10% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)…

Nhà giáo dạy thực hành, dạy tích hợp tại phòng thực hành, xưởng thực hành của cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ với những ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có một trong các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được hưởng phụ cấp theo 4 mức từ 0,1 đến 0,4.