banner2019
 
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Thứ hai, ngày 23 tháng 12 năm 2024
Quy định chi tiết về Bảo hiểm xã hội bắt buộc và điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần
Cập nhật lúc 12:37 ngày 19/11/2015

Ngày 11/11/2015, Chính phủ ban hành Nghị định 115/2015/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm Xã hội về Bảo hiểm xã hội bắt buộc.


Theo đó, người lao động theo Khoản 1, 2 Điều 2 của Nghị định 115 mà có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật BHXH mà chưa đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện.

- Sau 01 năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH.

- Ra nước ngoài để định cư.

- Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế.

Mức hưởng BHXH một lần được tính theo số năm đã đóng BHXH, cứ mỗi năm được tính như sau:

- 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014.

02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi.

- Trường hợp thời gian đóng BHXH chưa đủ 01 năm thì mức hưởng BHXH bằng số tiền đã đóng, mức tối đa bằng 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Ngoài ra, Nghị định quy định chi tiết về một số chế độ của BHXH bắt buộc như: Chế độ thai sản lao động nữ mang thai hộ, hưu trí, tử tuất, Quỹ bảo hiểm xã hội...

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này thì có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.

Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 115 có hiệu lực thi hành: 

- Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc;

- Nghị định số 83/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2008 của Chính phủ về điều chỉnh tiền lương, tiền công đã đóng bảo hiểm xã hội đối với người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định;

- Nghị định số 122/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ thực hiện chế độ phụ cấp khu vực đối với người hưởng lương hưu, bảo hiểm xã hội một lần, trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng;

- Quyết định số 107/2007/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc tính thời gian để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân và công an nhân dân thuộc biên chế các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang đã xuất cảnh hợp pháp nhưng không về nước đúng hạn.

Phan Sơn