banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Những tiếng ồn gây hại sức khỏe
Cập nhật lúc 03:50 ngày 13/08/2015

Trong hoàn cảnh kinh tế xã hội nước ta hiện nay, tất cả các tiếng ồn sinh hoạt đều gây hại cho sức khỏe con người. Tuy nhiên, rất ít người quan tâm. Điều trước tiên là phải nhận biết và phân loại tiếng ồn gây hại để phòng bệnh hoặc điều trị kịp thời.


 

Những thủ phạm

Không ở đâu xa, tiếng ồn có hại luôn ở quanh ta. Sáng sớm bước ra đường đã bị "tra tấn" bởi những tiếng còi xe inh tai, tiếng động cơ xe ầm ào kèm theo bụi bặm đến nỗi việc nói chuyện với nhau trên đường là không dễ.

Đến nhà máy làm việc là tiếng ồn từ động cơ nổ, các thiết bị máy móc. Đặc biệt, tại những công trường xây dựng là tiếng các loại máy khoan, trộn bê tông, cần cẩu, xe xúc...

Chiều về nhà, màng nhĩ vẫn chưa được yên bởi âm thanh từ hàng xóm hoặc trong gia đình như tivi, radio, máy hát đĩa, máy nghe nhạc cá nhân, máy vi tính, trò chơi điện tử…

Và những đối tượng dễ tiếp xúc với tiếng ồn nhất và chịu tác hại nhiều nhất là công nhân, người dân di chuyển nhiều trên đường, trẻ em hay chơi đồ chơi, xem tivi.

Và hệ quả

Theo bác sĩ Phạm Công Nhân (Trung tâm Sức khỏe lao động, môi trường), mỗi tần số âm thanh có cường độ cho phép như sau:

Theo đó, lấy tiếng ồn của âm thanh có tần số 1.000 Hz làm chuẩn thì tiếng ồn được chia làm bốn loại chính gồm tiếng ồn cố định, tiếng ồn dao động, tiếng ồn gián đoạn và tiếng ồn theo nhịp. Trong đó, loại tiếng ồn nào cũng có bốn yếu tố gây hại: cường độ tiếng ồn, tần số tiếng ồn, thời gian tiếp xúc tiếng ồn trong ngày, thời gian tiếp xúc tiếng ồn nhiều ngày, nhiều năm…

Theo Hội chống tiếng ồn thế giới, trung bình 1/3 đến ¼ người lao động phải làm việc trong môi trường tiếng ồn. Còn trong gia đình, mọi thành viên, nhất là trẻ em và thanh thiếu niên đang tiếp xúc với ngày càng nhiều loại tiếng ồn trong sinh hoạt.

Tiếng ồn quá mức gây ra cảm giác mệt mỏi, suy nhược toàn thân, khó chịu như ù tai, sau đó là những thay đổi sinh lý như thay đổi nhịp tim, huyết áp; biến đổi tâm lý như gắt gỏng, cáu giận… dẫn đến giảm hiệu quả trong công việc và ảnh hưởng đến thính giác.

Ảnh hưởng lâu dài lên cơ quan thính giác là: Chấn thương âm thanh do một hoặc vài tiếng nổ lớn có cường độ quá giới hạn sinh lý của cấu trúc tai trong. Tổn thương có thể rách màng nhĩ, hư hại các xương con và phá hủy tai trong.

Điếc tạm thời: chưa xác định được yếu tố ảnh hưởng, thường xảy ra với tiếng ồn có tần số từ 2.000 đến 6.000 Hz, cường độ từ 60 đến 80 dB A và liên tục. Tuy nhiên có thể phục hồi sau vài phút đến vài tuần.

Điếc vĩnh viễn: xảy ra chủ yếu ở những người làm việc lâu dài trong môi trường tiếng ồn lớn, thời gian tiếp xúc với tiếng ồn càng lâu thì khả năng điếc vĩnh viễn càng tăng. Điếc tăng nhanh nhất là khi tiếp xúc với âm thanh có tần số 4kHz trong 10-15 năm đầu.

Phòng bệnh bằng giảm thiểu tiếng ồn

Làm việc trong các tòa nhà cao ốc, xây nhà có các vật liệu cách âm là biện pháp hữu hiệu để giảm tiếng ồn nhưng phương pháp này vẫn còn khá xa xỉ đối với số đông người dân. Vì vậy, đối với người lao động nên nút tai; chụp tai; xen kẽ lao động và nghỉ ngơi ngắn; bố trí các phòng yên tĩnh cạnh nơi lao động để nghỉ ngơi. Nếu quá mệt mỏi thính giác có thể yêu cầu được nghỉ ngơi vài ngày hoặc vài tuần…

Kiểm tra sức khỏe cho công nhân bằng cách khám nghiệm mệt mỏi thính giác, đo thính lực sơ bộ định kỳ, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động…

Giảm tiếng ồn từ nguồn phát sinh bằng cách cách ly nguồn phát sinh tiếng ồn, bố trí máy móc và sắp xếp dụng cụ hợp lý.

Tại gia đình nên kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần, đặc biệt trẻ em cần hạn chế xem ti vi.

Minh Tuấn