banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Nỗi lo sức khỏe lao động nữ
Cập nhật lúc 04:33 ngày 07/07/2015

Các cuộc điều tra về thời gian làm việc của phụ nữ nông thôn cho thấy, thời gian làm việc trung bình của chị em trong ngày là khá cao: 12 giờ/ngày. Và có tới 83,4% trong số 504 nữ công nhân được khảo sát cho biết, họ phải làm thêm từ 10-15 giờ mỗi tuần, có 14% phải làm việc với thời lượng 10giờ/ca…


Hiện nay, phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong lực lượng lao động xã hội của đất nước. Cụ thể: Trong số 40 trên triệu lao động thì phụ nữ chiếm hơn 52%, tỷ lệ lao động nữ chiếm trên 70% ở ngành dệt may, 60% trong ngành chế biến lương thực, thực phẩm, 60% trong lĩnh vực y tế, 70% trong giáo dục phổ thông. Trong nông nghiệp, với gần 10 triệu hộ nông dân, tương ứng với 28 triệu lao động, thì phụ nữ chiếm tới 53,3%, còn ngành công nghiệp là 45%.

Là một lực lượng lao động hùng hậu, làm ra phần lớn của cải vật chất cho xã hội, song hiện trạng sức khỏe của phụ nữ ngày nay thật đáng lo ngại. Các cuộc điều tra về thời gian làm việc của phụ nữ nông thôn cho thấy, thời gian làm việc trung bình của chị em trong ngày là khá cao: 12 giờ/ngày. Con số này chỉ dao động đôi chút vào mùa vụ. Riêng với nữ nông dân ở miền Bắc, Bắc Trung Bộ và miền núi, thường làm việc 14 giờ/ngày. Phụ nữ cô đơn và phụ nữ nghèo là những người có ngày làm việc dài nhất, 16 giờ/ ngày. Cũng từ khảo sát trên còn cho biết chi tiết là phụ nữ nông thôn thường phải dành mất 6 giờ/ngày cho các công việc gia đình (nhiều gấp 12 lần so với nam giới). Do phải làm việc nhiều nên thời gian nghỉ ngơi của phụ nữ rất ít, hậu quả là nhiều phụ nữ bị kiệt sức, mỏi mệt, suy nhược cơ thể, đau yếu, sinh bệnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, thậm chí cả tính mạng.

Bên cạnh thời gian lao động kéo dài, công tác bảo hộ lao động cho phụ nữ cũng chưa được quan tâm đúng mức. Ước tính hiện nay, chỉ có 41,7% doanh nghiệp có cán bộ chuyên trách về bảo hiểm lao động, do đó, gần một nửa phụ nữ hầu như không được huấn luyện định kỳ về bảo hộ lao động và chỉ có 1/3 số công nhân nữ biết các quy tắc an toàn vệ sinh lao động. Đáng lo hơn, gần 70% lao động nữ trong các doanh nghiệp thường xuyên phải tiếp xúc với các yếu tố độc hại. Tuy nhiên, số doanh nghiệp có cán bộ y tế cũng không nhiều. Theo ước tính, có khoảng 44% doanh nghiệp không tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động. Mặc dù chúng ta đã có những chính sách, những văn bản được chế định bằng pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nhưng trên thực tế còn thiếu đồng bộ và chậm được thực thi nếu không muốn nói rằng, nó không được thực hiện chặt chẽ, đầy đủ ở nhiều nơi.

Thiết nghĩ, để bảo vệ sức khỏe, chế độ làm việc cho lao động nữ, cần phải có sự quan tâm hơn nữa của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là sự quan tâm của các cơ quan chuyên trách về vấn đề này như y tế, tổ chức công đoàn, tiền lương, bảo hiểm… Đồng thời, Nhà nước cần nâng cao hơn nữa hiệu lực của Luật Lao động, tăng cường, đầu tư thêm các cơ sở vật chất kỹ thuật cho các cơ quan, xí nghiệp trong phạm vi quản lý để giảm thiểu môi trường làm việc độc hại cho công nhân lao động, có thêm những chính sách, chế độ ưu tiên cần thiết cho công nhân viên chức, đặc biệt là giới nữ khi hoạt động trong môi trường độc hại. Bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ, chính là bảo vệ sức khoẻ cho các bà mẹ - bảo vệ cho con người mà họ là tiền thân của cả một thế hệ tương lai.