banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Sức khỏe người lao động ở các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ: Ai quan tâm?
Cập nhật lúc 03:41 ngày 02/07/2015

Một cuộc điều tra trên phạm vi toàn quốc gần đây của Viện Dân số các Vấn đề xã hội tại 1.017 sởsảnxuấtvừanhỏ cho hay: Có trên 78% các phân xưởng sảnxuất bị ô nhiễm nhiệt - ẩm. Môi trường ô nhiễm dẫn đến sức khỏe của ngườilaođộng không đảm bảo…

 

Nhiệt độ không khí trong các cơ sở sản xuất này thường cao hơn bên ngoài từ 1,5 - 60C. Độ ẩm trong không khí luôn cao hơn 78%, đặc biệt là khu vực chế biến thủy sản, thực phẩm. Cuộc điều tra cũng phân tích: Các phân xưởng bị ô nhiễm bụi trong các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ của ngành giấy, phân bón, hóa chất, khai khoáng, luyện kim, vật liệu xây dựng đều có tỷ lệ nhiễm bụi cao, trên 20%. Nguy hiểm và khó nhận biết nhất đối với người lao động là ô nhiễm không khí. Ở các môi trường sản xuất hoá chất, luyện kim, thuộc da... đều tồn tại 4 loại khí độc hại là SO2, CO, NO, CO2. Kết quả điều tra ở hơn 200 phân xưởng cũng cho thấy, tỷ lệ các phân xưởng bị hơi khí độc trung bình vào khoảng trên 17%, trong đó, chỉ số ô nhiễm môi trường từ các khí CO, CO2 là lớn nhất.

Môi trường ô nhiễm dẫn đến sức khỏe của người lao động không đảm bảo. Trong số 106.272 người được khám sức khỏe định kỳ tại các cơ sở được khảo sát, có tới 606 người mắc bệnh nghề nghiệp, trong số này, tỷ lệ người mắc bệnh bụi phổi Silic là cao nhất, chiếm 41,7%. Ngoài ra, có 34,2% người mắc bệnh điếc nghề nghiệp do ô nhiễm tiếng ồn. Bệnh thường gặp và có tỷ lệ cao nhất ở người lao động là các bệnh có liên quan đến đường hô hấp như viêm phế quản, viêm xoang, viêm mũi, dị ứng, viêm phổi. Tỷ lệ loại này là 37,75%. Có 9,86% mắc bệnh về xương cơ khớp; 9,34% các bệnh về tiêu hóa, mắt, ngoài da, phụ khoa v.v... Bên cạnh đó, còn một số bệnh khác người lao động cũng dễ mắc phải như sạm da, nhiễm độc hóa chất - những bệnh này chủ yếu xảy ra với người lao động làm việc trong các nhà máy cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng và khai khoáng.

Tai nạn lao động cũng là vấn đề nóng bỏng hiện nay đặt ra đối với người lao động ở khu vực sản xuất vừa và nhỏ. ở 1.017 cơ sở sản xuất vừa và nhỏ trong diện điều tra, trong 5 năm vừa qua đã xảy ra 3.166 vụ tai nạn lao động, trong đó, 135 vụ tai nạn lao động gây chết người, làm cho 146 người chết, 550 người bị tàn tật. Tai nạn cao nhất là ở ngành xây dựng và sản xuất vật liệu.

Vậy, đâu là nguyên nhân của tình trạng đó? Điều có thể thấy ngay là: Hầu hết đầu tư công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều cũ nát, lạc hậu, dây chuyền sản xuất chuyển nhượng hoặc mua lại, dẫn đến chất lượng sản phẩm và môi trường sản xuất kém. Trong khi đó, tốc độ cải tiến công nghệ ở khu vực sản xuất này lại chậm, quá trình đổi mới không đồng đều.

Công tác quản lý sản xuất cũng được xem là nguyên nhân cơ bản của các tai nạn lao động và ô nhiễm môi trường. Nghiên cứu của Viện KHKT Bảo hộ lao động đưa ra kết  luận: Các cơ sở sản xuất đã không tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn vệ sinh lao động, thiếu các biện pháp an toàn, mặt bằng sản xuất chật hẹp, công nghệ chắp vá, không tổ chức huấn luyện kiến thức bảo hộ lao động đầy đủ cho người lao động.

Ngoài ra, việc môi trường lao động độc hại, tai nạn nhiều còn bắt nguồn từ chính người lao động. Đó là ý thức kỷ luật lao động kém. Mặt khác, người lao động trong các khu vực sản xuất vừa và nhỏ, phần lớn xuất thân từ nông nghiệp, chưa quen với môi trường công nghiệp, ý thức về quyền lợi thấp. Phần lớn lao động trong khu vực này còn trẻ, chưa có thâm niên công tác, nhiều người còn bỡ ngỡ, chưa ý thức một cách đầy đủ những quyền lợi mình được hưởng và nghĩa vụ mình phải làm trong các hợp đồng lao động. Vì vậy, ý thức đấu tranh và bảo vệ những nhu cầu phúc lợi xã hội kém. Đa số họ chấp nhận và hài lòng với điều kiện làm việc mà mình đã lựa chọn.

Để cải tiến môi trường làm việc tại khu vực sản xuất này, thiết nghĩ cần có sự quan tâm, hỗ trợ về vốn và kỹ thuật của Nhà nướcthông qua những chính sách cụ thể có lợi cho các doanh nghiệp. Cần có sự đấu tranh, bênh vực cho quyền lợi người lao động của các tổ chức Công đoàn. Phía nhà sản xuất cũng nên hiểu rằng: Việc cạnh tranh trong sản xuất không chỉ đơn giản là việc giảm chi phí sản xuất mà còn là nâng cao cơ sở hạ tầng, chất lượng môi trường làm việc và chất lượng lao động - đấy mới là sự cạnh tranh có tính hiệu quả và bền vững./.

Ngô Đồng