banner2019
 
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Thứ bảy, ngày 18 tháng 01 năm 2025
Tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại 8 tháng đầu năm 2015
Cập nhật lúc 10:26 ngày 01/09/2015

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, sản xuất công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Tháng 8 năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9% so với cùng kỳ năm 2014.

Chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ một số năm gần đây. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,4%, đóng góp 7 điểm phần trăm vào mức tăng chung; ngành khai khoáng tăng 8%, đóng góp 2,1 điểm phần trăm; ngành sản xuất, phân phối điện tăng 11,4%, đóng góp 0,7 điểm phần trăm; ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 6,9%, đóng góp 0,1 điểm phần trăm.


Tình hình tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo duy trì xu hướng tăng trưởng khá, cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2014. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 7 tăng 2,6% so với tháng trước và tăng 14,8 % so với cùng kỳ.Tính chung 7 tháng năm 2015, chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 tăng 8,9%).

Tình hình tồn kho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục duy trì ở mức thấp hơn so với cùng kỳ. Tại thời điểm 01 tháng 8 năm 2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,1% so với cùng thời điểm năm 2014(thấp hơn 3,3 điểm phần trăm của cùng thời điểm năm 2014).

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 2,3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 8 tháng năm 2015, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 106,3 tỷ USD, tăng 9,0% so với cùng kỳ năm 2014. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 31,7 tỷ USD, giảm 2,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 74,6 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ. Nếu không kể dầu thô, kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 71,9 tỷ USD, tăng 20,4% (Phụ lục 5).

Kim ngạch nhập khẩu tháng 8 ước đạt 14,6 tỷ USD, giảm 0,5% so với tháng trước và tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung 8 tháng năm 2015, kim ngạch nhập khẩu ước khoảng 109,9 tỷ USD, tăng 16,4% so với cùng kỳ. Trong đó, khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 44,7 tỷ USD, tăng 7,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,2 tỷ USD, tăng 23,2% (Phụ lục 7).

Nhập siêu tháng 8 ước 100 triệu USD, bằng 0,7% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 8 tháng, cả nước nhập siêu 3,6 tỷ USD, bằng khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu.Khu vực FDI (không kể dầu thô) xuất siêu 6,65 tỷ USD; nếu kể cả dầu thô, khu vực FDI xuất siêu gần 9,4 tỷ USD. Nhập siêu của khu vực doanh nghiệp trong nước ước đạt khoảng 13 tỷ USD.

Thị trường trong nước nhìn chung ổn định, nguồn hàng dồi dào, giá cả ổn định ở nhiều nhóm hàng hóa. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 271,7 nghìn tỷ đồng tăng 11,8% so với tháng 8 năm 2014.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ trong 8 tháng qua ước đạt 2.116,7 nghìn tỷ đồng tăng 10,1% so với cùng kỳ, nếu loại bỏ yếu tố giá thì tăng 9,1%, cao hơn mức tăng 7,8% của cùng kỳ năm 2014. Trong tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng năm 2015, bán lẻ hàng hoá ước đạt 1.608,182nghìn tỷ đồng, tăng 10,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,98%; lưu trú, ăn uống đạt 246,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7%, chiếm tỷ trọng 11,66%; du lịch đạt 19,6 nghìn tỷ đồng, giảm 1,2%, chiếm tỷ trọng 0,93%, dịch vụ khác đạt  242,1 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7%, chiếm tỷ trọng 11,55% (Phụ lục 9).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 8 năm 2015 giảm 0,07% so với tháng trước, tăng 0,61% so với cùng kỳ năm trước; tăng 0,61% so với tháng 12 năm trước; CPI bình quân tám tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,83%

Thông tin chi tiết:

1. Báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động ngành Công nghiệp và Thương mại tháng 8 và 8 tháng năm 2015

2. Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 03/01/2015 của Chính phủ

3. Số liệu

Thanh Hương (Tổng hợp)