banner2019
 
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Thứ ba, ngày 21 tháng 01 năm 2025
Một số quy định về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển
Cập nhật lúc 03:25 ngày 29/06/2015

Nghị định số 161/2003/NĐ-CP ngày 18/12/2003 của Chính phủ về quy chế khu vực biên giới biển quy định cụ thể về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển tại chương IV, cụ thể:

1. Thẩm quyền của các cơ quan nhà nước trong việc quản lý và bảo vệ khu vực biên giới biển

- Chính phủ: Thống nhất chỉ đạo các hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển và duy trì an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển.

- Bộ Quốc phòng chủ trì, Bộ Công an phối hợp, thống nhất hướng dẫn chỉ đạo Ủy ban nhân dân các cấp ven biển tổ chức quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển theo quy định của pháp luật.

- Bộ Ngoại giao: chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện chính sách xây dựng biên giới, các điều ước quốc tế về biên giới mà Việt Nam đã ký kết với các nước hữu quan; phối hợp với Bộ Quốc phòng hướng dẫn Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ đối ngoại và giải quyết công việc liên quan đến hai bên biên giới.

- Bộ Công an: chỉ đạo, hướng dẫn các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp bảo vệ an ninh khu vực biên giới biển; gắn an ninh biên giới với an ninh nội địa. Phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Bộ đội Biên phòng thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự và đấu tranh phòng, chống tội phạm ở khu vực biên giới biển.

- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: thực hiện quản lý nhà nước về biên giới quốc gia; phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo, hướng dẫn Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển theo quy định của pháp luật.

- Ủy ban nhân dân các cấp: thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về biên giới quốc gia theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành chức năng; xây dựng quy hoạch sản xuất gắn với quy hoạch dân cư, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ở khu vực biên giới; kết hợp xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh ở khu vực biên giới biển; Chỉ đạo các lực lượng, ban, ngành ở địa phương phối hợp với Bộ đội Biên phòng trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, giữ gìn an ninh, trật tự ở khu vực biên giới biển thuộc địa phương quản lý; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có biên giới biển căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình quyết định thành lập và quy định nội quy cụ thể các bến, bãi, khu vực neo đậu cho người và tàu thuyền tại địa phương mình.

- Bộ đội Biên phòng: là lực lượng nòng cốt, chuyên trách chủ trì, phối hợp với lực lượng Công an, các ngành hữu quan và chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển.

- Các lực lượng, các ngành chức năng làm nhiệm vụ bảo vệ biên giới quốc gia: được bố trí lực lượng, phương tiện, tiến hành các biện pháp nghiệp vụ, sử dụng các loại phương tiện, vũ khí, khí tài, kỹ thuật quân sự, công cụ hỗ trợ và xây dựng các công trình phục vụ nhằm quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển, giữ gìn an ninh, trật tự an toàn xã hội trong khu vực biên giới biển; phối hợp với Bọ đội Biên phòng quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trên biển.

- Cán bộ, chiến sỹ, nhân viên các ngành chức năng phải mặc trang phục, đeo biển, phù hiệu kiểm soát theo quy định của pháp luật; phương tiện làm nhiệm vụ phải treo quốc kỳ, cờ hiệu.

- Các cơ quan quản lý chuyên ngành thực hiện quyền xử lý các hành vi vi phạm xẩy ra trong khu vực biên giới biển theo thẩm quyền. Những vụ vi phạm xẩy ra trong khu vực biên giới biển chưa rõ thẩm quyền xử lý hoặc liên quan thẩm quyền xử lý của nhiều ngành thì cơ quan đã thụ lý báo cáo Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Các quy định về quản lý, bảo vệ khu vực biên giới biển

- Việc xây dựng các dự án khu du lịch, giao thông, thủy sản, lâm trường và các công trình cảng, bến đậu, khu kinh tế liên doanh với nước ngoài; thăm dò, khai thác tài nguyên trong khu vực biên giới biển, cơ quan chủ quản phải thống nhất với chính quyền địa phương và lấy ý kiến tham gia của các ngành liên quan và Bộ đội Biên phòng trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Việc giám sát, kiểm tra, kiểm soát, bắt giữ và xử lý người, tàu thuyền vi phạm của các cơ quan chức năng phải theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

- Trong trường hợp có căn cứ cho rằng trên tàu thuyền có dấu hiệu buôn lậu, tàng trữ, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma tuý hoặc tàng trữ, vận chuyển trái phép vũ khí, chất nguy hiểm về cháy, nổ, các chất độc hại và tài liệu bí mật của Nhà nước Việt Nam thì lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành được quyền ra lệnh kiểm tra, kiểm soát và bắt giữ để xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập.

- Lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành được phát tín hiệu dừng tàu thuyền để kiểm tra, kiểm soát khi có căn cứ nghi ngờ có hành vi vi phạm pháp luật; khi có tín hiệu dừng tàu thuyền mà người điều khiển tàu thuyền không chấp hành thì lực lượng tuần tra, kiểm soát chuyên ngành được quyền truy đuổi; khi lực lượng truy đuổi đã sử dụng các loại tín hiệu ra lệnh dừng mà tàu thuyền bị truy đuổi vẫn không dừng lại thì người chỉ huy lực lượng truy đuổi được quyền sử dụng các công cụ hỗ trợ và vũ khí theo quy định của pháp luật; trong trường hợp có người bị thương thì phải tổ chức cấp cứu, nếu có người chết thì phải cùng chính quyền địa phương sở tại giải quyết theo quy định của pháp luật. Khi thực hiện quyền truy đuổi, người chỉ huy lực lượng truy đuổi được huy động người, tàu thuyền của các cơ quan nhà nước, tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực biên giới biển để tham gia truy đuổi, trừ tàu thuyền, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ theo quy định của pháp luật Việt Nam. Tổ chức, cá nhân có tàu thuyền, phương tiện, tài sản được cơ quan có thẩm quyền huy động khi thực hiện quyền truy đuổi nếu bị thiệt hại thì được bồi thường theo quy định của pháp luật (người chỉ huy lực lượng truy đuổi phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình).

- Người, tàu thuyền khi ra, vào, hoạt động trong khu vực biên giới biển phải xuất trình những giấy tờ liên quan trực tiếp đến hoạt động của người, tàu thuyền đó với Trạm kiểm soát biên phòng và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của Bộ đội Biên phòng. Tàu thuyền phải đăng ký neo đậu thường xuyên hoặc tạm thời và phải chấp hành nghiêm chỉnh nội quy bến đậu.

- Quy chế hoạt động của người, tàu thuyền của Việt Nam và nước ngoài tại các cảng quân sự, cảng biển do Chính phủ và các Bộ, ngành quy định theo thẩm quyền.

- Tổ chức, cá nhân khi phát hiện những hành vi vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới biển hoặc phát hiện, thu được tài sản chìm đắm, trôi dạt ở biển phải có trách nhiệm thông báo, giao nộp ngay chính quyền địa phương hoặc Đồn biên phòng hoặc cảng vụ hàng hải nơi gần nhất để xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới biển

- Quay phim, chụp ảnh, vẽ cảnh vật, ghi băng hình hoặc đĩa hình, thu phát vô tuyến điện ở khu vực có biển cấm;

- Neo đậu tàu thuyền không đúng nơi quy định hoặc làm cản trở giao thông đường thủy;

- Khai thác hải sản, săn bắn trái với quy định của pháp luật;

- Tổ chức, chứa chấp, dẫn đường, chuyên chở người xuất, nhập cảnh trái phép;

- Đưa người, hàng hoá lên tàu thuyền hoặc từ tàu thuyền xuống trái phép;

- Phóng lên các phương tiện bay, hạ xuống các tàu thuyền, vật thể khác trái với quy định của pháp luật Việt Nam;

- Mua bán, trao đổi, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, chất cháy, chất nổ, chất độc hại, ma tuý, hàng hoá, vật phẩm, ngoại hối;

- Khai thác, trục vớt tài sản, đồ vật khi chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam;

- Bám, buộc tàu thuyền vào các phao tiêu hoặc có hành vi gây tổn hại đến sự an toàn của các công trình thiết bị trong khu vực biên giới biển;

- Thải bỏ các chất độc hại gây ô nhiễm môi trường;

- Các hoạt động khác vi phạm pháp lụât Việt Nam./.

Hương Thảo