banner2019
 
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Thứ tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024
Cập nhật tình hình đàm phán vấn đề lao động và công đoàn trong TPP của Việt Nam
Cập nhật lúc 10:37 ngày 14/07/2015

Lao động gắn với thương mại hiện nay đã trở thành một xu thế. Việc tại sao lại gắn lao động, môi trường vào với thương mại đã trở thành chủ đề bàn cãi trên các diễn đàn quốc tế khoảng 30 năm nay.


Tình hình ký kết và áp dụng các cam kết về lao động trong các FTA gần đây

Ngay từ khi Việt Nam đàm phán vào WTO, thì cũng đã có xu thế đưa vấn đề lao động vào. Nhưng vào năm 1995 tại Singapore, các bộ trưởng thương mại đã tuyên bố chắc chắn rằng “không được lấy vấn đề phi thương mại làm rào cản bảo hộ thương mại, nhưng cũng không được hạ thấp các tiêu chuẩn khác, trong đó có tiêu chuẩn lao động, là một lợi thế cạnh tranh”. Và câu chuyện được chuyển sang cho các tổ chức quốc tế chuyên ngành, ví dụ như Tổ chức Lao động quốc tế, và chúng ta chuyển vấn đề lao động sang các diễn đàn như Hội nghị thượng đỉnh về phát triển Copenhagen. Nhưng gần đây, xu thế này bắt đầu quay lại, và vấn đề lao động trở thành một đối tượng, một nội dung đàm phán trong các hiệp định song phương về tự do hóa thương mại.

Về số liệu, nếu như đến năm 1995, trên thế giới mới chỉ có 4 hiệp định FTA có điều khoản về lao động, tiêu chuẩn về lao động thì đến năm 2011, đã có khoảng 40 FTA có điều khoản về tiêu chuẩn lao động.

Về mô hình, có hai mô hình cơ bản. Mô hình thứ nhất là mô hình mà trong đó có các nghĩa vụ, cam kết về lao động mang tính nghĩa vụ pháp lý, được thể hiện chủ yếu trong các FTA do Hoa Kỳ, Canada và EU khuyến khích áp dụng. Ở đây, các quy định về lao động đều tham chiếu đến quyền cơ bản của người lao động, được nêu trong tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế năm 1998 về các quyền cơ bản tại nơi làm việc. Kèm theo các quyền này, có một loạt các điều khoản, nguyên tắc về chế tài áp dụng thực hiện, các thiết chế để giám sát việc thực hiện này. Đặc biệt là có xử phạt nếu như có bên vi phạm. Đây là mô hình mà Canada đã kí với Hoa Kỳ và Mexico.

Ở mô hình thứ hai, người ta cho rằng lao động chỉ là vấn đề hợp tác trong các FTA này, đây là mô hình được khởi xướng đầu tiên trong hiệp định P4, tiền thân của TPP, được kí giữa Chile, Singapore, New Zealand và Brunei. Trong hiệp định này thì chỉ có một thỏa thuận về hợp tác lao động, nằm riêng, không nằm trong hiệp định thương mại, và hoàn toàn mang tính hợp tác, không có chế tài, không có các điều khoản ràng buộc về pháp lý.

Cam kết về lao động trong các FTACam kết về lao động trong các FTA là cam kết như thế nào?

Cam kết về lao động trong FTA là cam kết đối với các tiêu chuẩn lao động quốc tế. Người ta viện dẫn tuyên bố của Tổ chức Lao động quốc tế năm 1998, theo tuyên bố này, thì các nước đã tham gia làm thành viên của Tổ chức Lao động quốc tế, dù đã phê chuẩn hay chưa phê chuẩn, cũng có nghĩa vụ phải thực hiện 8 công ước cơ bản. Trong đó có công ước về quyền tự do hiệp hội, là công ước số 87 - công ước về thương luận tập thể - công ước số 98; công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức – số 29 và 105; công ước về xóa bỏ lao động trẻ em – số 138 và 182; công ước về chống phân biệt đối xử ở nơi làm việc – công ước số 100 và 101.

Ngoài ra, trong một số FTA gần đây, người ta đưa ra một khái niệm gọi là “các điều kiện lao động có thể chấp nhận được”, chính là những điều kiện tối thiểu: an toàn vệ sinh lao động, tiền lương tối thiểu, thời giờ làm việc và nghỉ ngơi...

Quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề lao động và công đoàn

Hoa Kỳ là một đối tác rất lớn, rất quan trọng. Thứ nhất, quan điểm đàm phán của Hoa Kỳ được thành lập dựa trên luật mà Quốc hội Hoa Kỳ thông qua. Luật căn bản là Luật xúc tiến Thương mại năm 2002, luật này cho phép chính phủ đàm phán nhanh, nhưng phải đạt được một số yêu cầu, trong đó có yêu cầu về lao động, và khi đem về trình quốc hội, thì quốc hội hoặc là thông qua, hoặc là bác bỏ toàn diện. Sau khi luật này hết thời hạn, đến năm 2007, có một thỏa thuận lưỡng đạt về chính sách thương mại, theo đó, quốc hội Hoa Kỳ đề ra một khuôn mẫu về rất nhiều vấn đề khi đàm phán tự do thương mại, trong đó có vấn đề lao động.

Chính phủ Hoa Kỳ khi đàm phán, nếu như không đạt được, hoặc về trình Quốc hội mà chưa đạt được yêu cầu của Quốc hội, thì chính phủ phải đi đàm phán lại, cho đến khi nào đạt được. Điều này xảy ra với 4 hiệp định tự do thương mại mà Hoa Kỳ đã kí với Panama, Columbia, với Hàn Quốc, và Peru. 4 hiệp định này được đàm phán gần như cùng một lúc, nhưng Peru đáp ứng được đầu tiên và Quốc hội Hoa Kỳ phê chuẩn năm 2007, còn sau đó, 3 hiệp định còn lại thì Quốc hội đòi hỏi Chính phủ Hoa Kỳ phải làm việc lại với tất cả các nước. Khi các nước đã chấp nhận thì Quốc hội Hoa Kỳ mới phê chuẩn. Và tới gần đây thì Hàn Quốc mới kí hiệp định tự do thương mại với Hoa Kỳ.

Đặc điểm cơ bản của những điều khoản lao động trong các FTA mà Hoa Kỳ đã ký

Về kết cấu trong các FTA đều có một chương riêng về lao động. Chương này có 8 điều, điều đầu tiên là tuyên bố về những cam kết chung, điều thứ hai là những quyền lao động cơ bản, viện dẫn đến 8 công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế. Điều thứ ba là việc áp dụng và thực hiện các chế tài thực hiện luật lao động, điều thứ tư là các đảm bảo mang tính thủ tục và thông tin công khai, điều thứ năm là các thu xếp mang tính thiết chế, điều thứ sáu là hợp tác về lao động, điều thứ bảy là tham vấn lao động, và cuối cùng là các định nghĩa và các khái niệm được dùng trong hiệp định này. Về nội dung của cả phần lao động, theo quy định, tất cả các hiệp định thương mại tự do được chính phủ Hoa Kỳ đàm phán và kí kết đều bắt buộc phải bao gồm sáu nội dung.

Nội dung thứ nhất là đảm bảo quyền tự do hiệp hội, ở đây chính là quyền thành lập và gia nhập công đoàn, cũng như quyền tổ chức đại diện để thương lượng với giới sử dụng lao động, đảm bảo quyền tự do thương lượng tập thể, cụ thể là thương lượng giữa đại diện của người lao động và người sử dụng lao động ở cấp donah nghiệp và cấp ngành về những vấn đề liên quan đến lao động thôi. Điểm thứ ba là xóa bỏ lao động cưỡng bức, thực chất là không được ép buộc người lao động trong quá trình tuyển mộ và sử dung lao động bằng cách lừa đảo, dụ dỗ, cưỡng chế, ép buộc, hoặc buôn bán người. Đểm thứ tư là xóa bỏ lao động trẻ em, nghiêm cấm các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất, như cấm sử dụng lao động trẻ em trong các nghê liên quan đến xuất khẩu, các ngành nghề nặng nhọc, độc hại. Và điểm thứ năm, là xóa bỏ phân biệt đối xử giữa nam và nữ trong nghề nghiệp và trả công lao động. Gần đây, Hoa Kỳ đưa thêm một điểm thứ sáu, là đảm bảo các điều kiện làm việc ở mức độ chấp nhận được về tiền lương tối thiểu, thời lượng làm việc, và an toàn vệ sinh lao động. Đấy là nội dung của cam kết lao động trong hiệp định này.

Về mức độ cam kết và tính ràng buộc, chế tài của các điều khoản lao động mà Hoa Kỳ đã kí và sẽ kí phụ thuốc vào mối quan hệ và tương quan lực lượng trên bàn đàm phán, nhưng Hoa Kỳ bắt buộc phải đạt được những mức tối thiểu như sau:

- Các tiêu chuẩn lao động tối thiểu phải bao gồm tất cả các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, chứ không chỉ dừng lại ở 8 công ước cơ bản. Quốc hội họp thì mục tiêu đặt ra là 8 công ước cơ bản, nhưng Hoa Kỳ muốn nhiều hơn. Mức độ cam kết sẽ cao hơn. Các kì FTA trước đây chỉ ghi là “các nước tôn trọng và bảo đảm thực hiện các cam kết này”, nhưng trong lời văn của hiệp định do Hoa Kỳ kí với Peru và Hàn Quốc, Panama, Columbia thì ghi rằng “thông qua và duy trì trong pháp luật và trong thực tiễn các nguyên tắc và các quyền cơ bản của người lao động được thể hiện ở trong tuyên bố của Tổ chức Lao động Quốc tế”, như vậy là cam kết ở mức rất cao.

- Nghĩa vụ tuân thủ cũng cao hơn, luật pháp lao động quốc gia phải thể hiện đầy đủ, toàn diện các tiêu chuẩn lao động quốc tế, không cho phép các trường hợp châm trước hoặc sai phạm. Ví dụ, trong các hiệp định trước đây Chile đã kí với Hoa Kỳ thì cho rằng vì nguồn lực của quốc gia hạn chế, nên việc phân bổ nguồn lực, dành ưu tiên cho ngành nào đó là một lý do để giải thích cho sự không chấp hành hoặc không tuân thủ vấn đề này trong Hiệp định. Nhưng gần đây Hoa Kỳ nói rằng cái đó cũng không phải là lý do. Họ cũng không cho phép Việt Nam có giai đoạn chuyển tiếp, vì cho rằng, đã là quyền con người thì phải được phổ cập cho tất cả các quốc gia, tất cả mọi người, hoặc chỉ nhân nhượng cho các nước đang phát triển, chỉ có sự hỗ trợ, sự hợp tác để cùng tuân thủ tốt điều này nhưng mức độ cam kết thì phải giữ ở mức cao.

- Quy trình giải quyết tranh chấp mang tính cưỡng chế, bắt buộc, và kèm theo xử phạt. Gần đây Hoa Kỳ đưa ra một yêu cầu, đó là quy trình để xử lý tranh chấp theo tuần tự từ tham vấn, gặp mặt, trao đổi, sau đó mới đi đến xử phạt. Nhưng Hoa Kỳ cho rằng có thể đưa vấn đề ra theo cơ chế giải quyết tranh chấp thương mại, và giải quyết tranh chấp trong lao động cũng áp dụng như trong tranh chấp thương mại, tạo thành một cơ chế chung trong hiệp định, chứ không tách biệt ra. Với chế tài, như trong hiệp định của NAFTA, có quy định mức xử phạt khoảng 15 triệu USD, nhưng số tiền này không phải là sẽ đưa về nước khiếu kiện, mà để lại cho nước bị kiện, để họ khắc phục những khiếm khuyết.

- Cơ chế tham vấn rộng, Hoa Kỳ đòi hỏi phải tham vấn từ trong quá trình đàm phán, trong quá trình thực hiện, và không chỉ là với các đối tác liên quan mà sự tham gia của công chúng là rất rộng rãi.

- Có một cơ chế hợp tác để nâng cao năng lực thực thi cam kết này, và thông thường là trong đó có nêu mục tiêu, nguyên tắc, phương thức hợp tác.

Cơ hội và thách thức đối với Việt Nam

Vấn đề về lao động và công đoàn đã xuất hiện từ trước khi tham gia TPP. Trên các diễn đàn quốc tế, Việt Nam cũng đang phải có các giải trình với các tổ chức quốc tế và các tổ chức nhân quyền. Nên vấn đề này không phải là từ khi tham gia TPP mới có. Việt Nam cũng có rất nhiều nỗ lực để giải quyết vấn đề này trên các diễn đàn quốc tế.

Đối với doanh nghiệp, có một số điểm như sau. Thứ nhất, liên quan đến tự do hiệp hội, hiện có các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động. Trong quyết định của Thủ tướng Chính phủ và Nghị định 145 quy định rất rõ Phòng Thươgn mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) là đại diện cho giới sử dụng lao động trong quan hệ lao động. Vậy vấn đề là làm thế nào để tăng cường tiếng nói và vai trò của VCCI.

Thứ hai là ở cấp ngành, làm sao có được các đại diện ở cấp ngành để có thể tiến hành thương lượng tập thể theo ngành, đối với doanh nghiệp, ở doanh nghiệp, vai trò và hoạt động của tổ chức công đoàn cũng là một vấn đề. Các tổ chức công đoàn còn yếu và còn thiếu, còn bị chi phối bởi nhiều yếu tố, mà đặc biệt là người sử dụng lao động cần lưu ý: Không được can thiệp có tính chất hạn chế quyền thành lập của các công đoàn, không được phép quy định việc từ bỏ hoặc tham gia công đoàn thành điều kiện để tuyển dụng người lao động vào làm việc, không được phương hại người lao động với lý do người đó gia nhập công đoàn hoặc tham gia đình công.

Về mặt kinh tế, nếu Việt Nam tham gia TPP thì sẽ tạo được thế để thu hút đầu tư nước ngoài, cụ thể là các doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn với công nghệ cao hơn, tăng cường đơn hàng xuất khẩu, tạo điều kiện việc làm có chất lượng cao hơn, đảm bảo cuộc sống tốt hơn cho người lao động. Thêm vào đó, hàm lượng chất xám trong lao động cũng sẽ cao hơn. Đây cũng là động lực để đẩy mạnh công tác đào tạo nghề.

Hiện nay muốn đào tạo lao động chất lượng cao cũng không thu hút được, vì ra trường không có nơi để làm việc. Nếu tăng cường đầu tư vào những lĩnh vực sử dụng tay nghề cao hơn thì sẽ là động lực để thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực. Tuy nhiên, tất cả những thách thức về vấn đề an toàn lao động, tiền lương, giờ làm việc, vệ sinh lao động, cấm lao động cưỡng bức, cấm lao động trẻ em, cùng cơ chế giám sát và chế tài đặt ra trong hiệp định này sẽ tạo ra không ít thách thức đối với doanh nghiệp khi tham gia vào các chuỗi cung ứng xuất khẩu, vì nếu vi phạm, có thể bị điều tra, bị kiện và bị phạt.

Tóm lại, triết lý ở đây là “Không sử dụng tiêu chuẩn lao động làm rào cản thương mại, nhưng cũng không được hạ thấp tiêu chuẩn lao động để giành được lợi thế cạnh tranh trong thương mại”. Việc đưa các tiêu chuẩn lao động vào các FTA thế hệ mới bao hàm các thách thức và cơ hội. Do đó, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa để nâng cao năng lực, để hội nhập tốt hơn.

Con tàu hội nhập thì đang chạy, Việt Nam là nước kém, chậm phát triển, muốn lên tàu thì phải chạy, chứ không thể nói là chờ đoàn tàu dừng lại, chờ Việt Nam lên rồi mới chạy tiếp. Ông Nguyễn Kim Phương, vụ phó vụ Hợp tác Quốc tế - Bộ Lao động – TB – XH(Phát biểu tại hội thảo “Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương và Ý nghĩa đối với doanh nghiệp”

Nguyễn Kim Phương