banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Tháng Công nhân 2015: Công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp
Cập nhật lúc 09:57 ngày 19/05/2015

Tháng Công nhân năm 2015 có chủ đề là “Công đoàn đồng hành vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, vì việc làm, đời sống của người lao động”.Tổng LĐLĐ VN nhận rõ trách nhiệm đồng hành, phát triển bền vững cùng doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế rộng lớn.

Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải trao đổi với báo chí nhân Tháng Công nhân 2015.

Đồng hành vì người lao động

Đánh giá vai trò của nguồn nhân lực trong doanh nghiệp, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải cho rằng, bên cạnh nhiều yếu tố quan trọng, sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực.

Phó Chủ tịch Trần Thanh Hải giải thích: “Doanh nghiệp muốn phát triển, trước hết người lao động phải yêu quý đơn vị và cảm thấy hạnh phúc khi làm việc, cảm thấy luôn tự hào khi sản phẩm của mình ngày càng có chất lượng hơn, trên cơ sở đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, làm việc hiệu quả càng cao hơn”.


Người lao động có lợi hơn khi công đoàn cùng đồng hành với doanh nghiệp

Phân tích khái niệm “đồng hành” của tổ chức công đoàn, vị đại diện ngành công đoàn Việt Nam cho biết, công đoàn phải động viên người lao động nỗ lực làm việc tốt hơn, gắn bó với doanh nghiệp.

Đặc biệt, công đoàn mong muốn ngày càng có nhiều doanh nghiệp quan tâm, chăm lo tốt hơn tới người lao động của mình. Công việc của người lao động có ổn định được hay không là nhờ sự phát triển của doanh nghiệp.

Trên cơ sở doanh nghiệp phát triển tạo ra nhiều việc làm hơn, tạo cơ hội cho đời sống của người lao động nâng cao hơn. 

“Trong tháng công nhân 2015, Tổng LĐLĐ VN hy vọng các cấp công đoàn căn cứ vào tình hình thực tiễn để tổ chức các hoạt động phù hợp, hướng vào các hoạt động thiết thực cho sự phát triển của doanh nghiệp, chăm lo thiết thực đến đời sống của người lao động” - Phó Chủ tịch thường trực Trần Thanh Hải cho biết.

Theo Tổng LĐLĐ VN, một điểm mới trong tháng công nhân 2015 là chủ trương được thực hiện xuyên suốt tại các cấp công đoàn là “Ở đâu công nhân khó, ở đó có công đoàn”.

Theo khảo sát của Tổng LĐLĐ VN, toàn quốc hiện có cả nước có 295 KCN, KCX. Trong đó, 212 KCN, KCX đă đi vào hoạt động, thu hút gần 2,2 triệu công nhân lao động. Hầu hết người lao động tại KCN- KCX đều làm việc trên 8 tiếng/ngày, một số nơi lên tới trên 12 tiếng/ngày. Mức thu nhập phổ biến hiện nay là từ 3-5 triệu đồng/người/tháng, trong đó 80% người lao động thuê nhà trọ… 

Đây là thực tế được đúc kết và được nhiều công đoàn cấp huyện triển khai có kết quả. Đối với những người lao động còn khó khăn, tổ chức công đoàn cần kịp thời quan tâm và hiểu tâm tư, nguyện vọng và có giải pháp hỗ trợ kịp thời họ.

Ngoài ra, một nội dung quan trọng nữa cần được tập trung trong tháng công nhân 2015 là việc triển khai phương thức học tập suốt đời.

Căn cứ vào quyết định của Chính phủ phê duyệt về đề án học tập suốt đời dành cho công nhân lao động, nhất là ở các KCN, KCX. Quyết định này đề cập tổng thể để phát triển được chất lượng của đội ngũ công nhân hiện đại, bao gồm nâng cao trình độ học vấn, tay nghề, kỹ năng nghề nhiệp, kiến thức chính trị, pháp luật, kỹ năng sống.

Tăng cường bảo vệ quyền lợi hợp pháp

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải, thời gian tới ngành công đoàn sẽ tăng cường hơn nữa công tác đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động.

Nhiệm vụ này được thể hiện ở 2 lĩnh vực: Các cấp công đoàn tham gia cùng chính quyền, các ngành chức năng để tổ chức và triển khai những thiết chế. Đồng thời, công đoàn tập trung tham gia hoàn thiện các chính sách pháp luật để bảo vệ quyền lợi cho người lao động ngày càng tốt hơn.

Trước mắt, công đoàn cần tập trung tham gia ý kiến đối với các dự án luật tại kỳ họp Quốc hội tới đây, nhất là các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người lao động.

Bên cạnh đó, các cấp công đoàn cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật để người lao động nắm vững quyền lợi đã được luật pháp quy định, từng bước tạo điều kiện cho người lao động có đủ khả năng chủ động bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Mặt khác, các cấp CĐ phải thẳng thắn phát hiện những đơn vị cố tình vi phạm quyền lợi hợp pháp của người lao động để cùng ngành chức năng thực hiện tốt nhiệm vụ tham gia kiểm tra, giám sát, thanh tra như Hiến pháp quy định.

Một trăn trở của Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN là việc khẩn trương nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ công đoàn theo hướng chuyên nghiệp hóa, đặc biệt là cán bộ công đoàn chuyên trách ở công đoàn cơ sở và cán bộ công đoàn cấp huyện trở lên.

“Tư duy của cán bộ công đoàn phải là tư duy hành động, phải hướng mọi hoạt động về cơ sở, phục vụ cho cơ sở, vì đoàn viên và người lao động” - Phó Chủ tịch Trần Thanh Hai cho biết.

Đồng thời, công tác phát triển cán bộ công đoàn cần phát triển. Theo đó, tại những doanh nghiệp đủ điều kiện cần xúc tiến thành lập cán bộ chuyên trách công đoàn, để làm sao vừa đào tạo, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, vừa phát triển đội ngũ đội ngũ cán bộ công đoàn ngày càng vững mạnh và gần hơn với người lao động. 

Thời gian tới, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Trần Thanh Hải nhấn mạnh nhiệm vụ trung tâm của các cấp công đoàn là phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở. Phấn đấu hết năm 2015, Tổng LĐLĐVN đạt được mốc 9,1 triệu đoàn viên công đoàn. Nhiệm vụ này là thực tiễn để thực hiện mục tiêu năm 2016 là năm “Phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở”, làm nền tảng đến hết nhiệm kỳ này đạt 10 triệu đoàn viên.

Hoàng Mạnh