banner2019
 
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Chủ nhật, ngày 22 tháng 12 năm 2024
Nhiều vấn đề nóng tại họp báo Bộ Công Thương tháng 4/2015
Cập nhật lúc 08:02 ngày 07/05/2015

Chiều 27/4, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tiến hành họp báo thường kỳ, thông tin về tình hình sản xuất công nghiệp và thương mại trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2015. Cuộc họp báo do thứ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.

Cuộc họp báo do thứ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.

Hoạt động sản xuất công nghiệp

Tháng 4 năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2014, trong đó: ngành công nghiệp khai khoáng tăng 5,8%, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,9%, ngành sản xuất, phân phối điện tăng 6,7% và ngành cung cấp nước và xử lý nước thải, rác thải tăng 5,5% so với cùng kỳ năm 2014.  Tính chung 4 tháng năm 2015, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2014 so với năm 2013 tăng 5,4%). 

Tồn kho sản xuất: Tại thời điểm 01 tháng 4 năm 2015, chỉ số tồn kho của toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 11,3% so với cùng thời điểm năm 2014 (cùng kỳ năm 2014 so với năm 2013 là 13,9). 

Hoạt động thương mại

Xuất khẩu hàng hoá: Tháng 4, kim ngạch xuất khẩu (KNXK) ước đạt 13,8 tỷ USD, tăng 3,4% so với tháng 3 và tăng 6,6% so với tháng 4 năm 2014, trong đó: xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 9,3 tỷ USD, tăng 2,2% so với tháng 3 và tăng 12,9% so với tháng 4 năm 2014.

Nhập khẩu hàng hoá và cán cân thương mại

- Nhập khẩu hàng hóa: Tháng 4, kim ngạch nhập khẩu (KNNK) hàng hoá ước đạt 14,4 tỷ USD, giảm 2,3% so với tháng 3 và tăng 19,3% so với tháng 4 năm 2014, trong đó: kim ngạch nhập khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 8,7 tỷ USD, giảm 2,6% so với tháng 3 và tăng 29,7% so với cùng kỳ năm 2014 (Phụ lục 7).

- Cán cân thương mại: Nhập siêu tháng 4 ước 600 triệu USD, giảm 57% so với nhập siêu của tháng trước, bằng 4,1% kim ngạch xuất khẩu. Tính chung 4 tháng đầu năm 2015, nhập siêu khoảng 2,99 tỷ USD, chiếm 6% kim ngạch xuất khẩu, trong đó, khối các doanh nghiệp trong nước nhập siêu 5,7 tỷ USD, khối các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu gần 2,7 tỷ USD.

Thị trường trong nước: Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 4 ước đạt 255,617 nghìn tỷ đồng tăng 2,48% so với tháng trước và tăng 7,13% so với cùng kỳ.  Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,14% so với tháng 3 năm 2015 và tăng 0,99% so với tháng 4 năm 2014.

Quản lý thị trường: Kết quả thực hiện công tác quản lý thị trường 4 tháng đầu năm 2015 cụ thể như sau:

- Tháng 4 năm 2015: ước thực hiện, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 14.000 vụ, xử lý trên 8.500 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 35 tỷ đồng.

- 4 tháng năm 2015: ước thực hiện, lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra trên 56.500 vụ, xử lý trên 37.000 vụ vi phạm, với tổng số thu nộp ngân sách trên 155 tỷ đồng.

Một số vấn đề báo chí quan tâm tại cuộc họp báo

Trong khuôn khổ họp báo, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và đại diện các đơn vị thuộc Bộ đã trả lời một số câu hỏi của phóng viên báo chí.

1. Phóng viên kênh Truyền hình Nông nghiệp nông thôn: Trong thời gian qua, tình hình xuất khẩu một số mặt hàng nông sản của Việt Nam gặp nhiều khó khăn ở cả chính ngạch và tiểu ngạch. Bộ Công Thương có giải pháp nào để giải quyết tình trạng trên?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc có tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất nhập khẩu của Việt Nam so với các nước trên thế giới. Trên thực tế, quan hệ thương mại này đóng góp rất lớn cho phát triển kinh tế xã hội nói chung và quan hệ thương mại 2 nước nói riêng.

Quan hệ thương mại có rất nhiều loại hình: Chính ngạch theo các hợp đồng mua bán được ký kết giữa các doanh nghiệp đối tác hai bên có các công thức mang tính đặc thù và quan hệ mua bán qua biên giới theo hình thức tiểu ngạch.

Quan hệ thương mại tiểu ngạch được áp dụng với một số sản phẩm, mặt hàng chủ yếu là nông sản hàng hóa ở Việt Nam cũng như các mặt hàng tiêu dùng của các ngành kinh tế trong nước trao đổi với Trung Quốc, đồng thời ngược lại trong nước có nhu cầu nhập khẩu một số mặt hàng nông sản, tiêu dùng từ Trung Quốc phục vụ xã hội.

Trên thực tế, Chính phủ 2 nước đều ủng hộ và tạo điều kiện phát triển tập quán thương mại và quan hệ thương mại, đóng góp tích cực cho kinh tế xã hội của mỗi nước cũng như nhu cầu tiêu dùng của nhân dân. Chính vì vậy, chúng ta có cơ chế hợp tác của Ủy ban hỗn hợp và các Hiệp định thương mại để đảm bảo việc điều chỉnh và hợp tác thương mại ở khu vực biên giới của các đối tác kinh tế 2 bên phát triển bền vững.

Khi thông qua hoạt động thương mại này, chúng ta cũng có nhiều thuận lợi như các loại nông sản xuất khẩu không gặp phải các điều kiện kiểm soát khắt khe trong kiểm dịch chất lượng sản phẩm, đồng thời đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ của các địa phương và người dân Trung Quốc ở khu vực biên giới, thậm chí còn đi sâu vào thị trường nội địa... Tuy nhiên, vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro như sự thay đổi chính sách của chính quyền nước bạn, đặc biệt là của chính quyền địa phương mà ta không dự đoán được dẫn đến tình trạng gây ùn tắc, chưa kế đến nguy cơ thất thoát tài sản.

Thời gian qua, Chính phủ rất quan tâm phát triển thị trường các mặt hàng này trên cơ sở phát triển và mở rộng thị trường; thông qua các đề án tái cơ cấu nền nông nghiệp để đảm bảo năng lực cạnh tranh và sản xuất.

Những ngày gần đây, xuất hiện một số hiện tượng ùn tắc cục bộ đối với mặt hàng dưa hấu, gạo. Nguyên nhân chủ yếu do tính đặc thù trong loại hình thương mại qua biên giới giữa doanh nghiệp và đối tác hai bên.

Mặc dù cơ quan chức năng của hai nước, của các địa phương đã có nỗ lực tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ thông quan nhưng các lối mở, cửa khẩu phụ không có điều kiện phát triển hạ tầng để phục vụ nhu cầu thông quan.

Đã có nghiên cứu đánh giá về diễn biến nguy cơ ách tắc hàng hóa biên giới và có biện pháp để phối hợp với các địa phương, kể cả các địa phương canh tác các mặt hàng nông sản. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa đạt yêu cầu, dẫn đến tình trạng ùn tắc.

Các bộ, ngành đã phối hợp tích cực nhưng điều kiện thông quan ở biên giới không chỉ phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng mà còn phụ thuộc vào việc thông quan từ phía bạn. Vì vậy, một số mặt hàng nông sản, đặc biệt là gạo đang còn vướng mắc. Việc này Bộ Công Thương đã có chỉ đạo các địa phương tích cực đẩy nhanh tiến độ thông quan các mặt hàng nông sản. Hi vọng trong thời gian tới sẽ có tín hiệu tích cực hơn.

Về lâu dài, cần có biện pháp căn cơ, cơ cấu nền nông nghiệp; liên kết khâu lưu thông, tiêu thụ với sản xuất của người nông dân, trong đó tạo điều kiện cho người nông dân thực hiện các mô hình sản xuất mới, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với vùng sản xuất.

2. Phóng viên Nguyễn Hoài Thu Báo điện tử Infonet : Tháng 4 là tháng đầu tiên áp dụng việc tăng giá điện. Theo phản ánh của người dân, hóa đơn tiền điện đã tăng vọt, thậm chí nhiều hộ dân tăng gấp đôi, gấp ba. Điều mà người dân quan tâm và băn khoăn là phương pháp nội suy được sử dụng trong cách tính hóa đơn mang tính đánh đố và làm lợi cho ngành điện hơn là lợi cho người dân. Phải chăng quy định chung chung về cánh tính nội suy trong Thông tư 16 đang làm lợi cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN)?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: Trước hết, tôi khẳng định nguyên tắc là Bộ Công Thương không bao giờ có quan điểm thiên vị hay chỉ bảo đảm lợi ích của doanh nghiệp cũng như EVN. Khi quyết định điều chỉnh tăng giá điện 7,5%, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đã xem xét, đánh giá kỹ lưỡng và được Chính phủ phê duyệt. Dù Bộ Công Thương có quyền quyết nhưng Bộ vẫn xem xét kỹ lưỡng vì điện là mặt hàng nhạy cảm, liên quan đến đời sống người dân.

Phó cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc trả lời: Về hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng vọt và phương pháp tính nội suy: Theo Thông tư 16 có hiệu lực từ ngày 1/6/2014 về thực hiện giá bán điện, cách tính hóa đơn tiền điện sẽ theo phương pháp nội suy. Hiện có khoảng 18 triệu khách hàng dùng điện nên không thể nào tính theo ngày nào điều chỉnh giá điện nên phải dùng phương pháp nội suy.

Phương pháp này căn cứ vào lượng điện tiêu thụ của khách hàng và số ngày tiêu thụ điện để tính giá điện. Phương pháp trên đã được EVN và 5 Tổng công ty Điện lực đăng trên các website.

Ví dụ: khách hàng được ghi chỉ số công tơ ngày 10/3, thì từ 10/3 về trước sẽ tính theo biểu giá tháng 3. Còn từ ngày 10/3 – 10/4 thì tính vào hóa đơn tiền điện tháng 4. Ngày điều chỉnh giá điện là 16/3. Vậy sẽ có 5 ngày (11-15/3) được tính theo biểu giá cũ, còn 26 ngày còn lại (từ 16/3-10/4) sẽ được tính biểu giá mới. Ví dụ, với lượng điện tiêu thụ là 500 KWh, khi đó lấy 500 chia cho 31 ngày, rồi nhân với 5 thì sẽ ra sản lượng điện tiêu thụ trong 5 ngày, tính theo biểu giá cũ. Rồi lại lấy 500 nhân với 26 rồi chia cho 31 thì ra lượng tiêu thụ trong 26 ngày, tính theo biểu giá mới. Trong sản lượng điện tính theo biểu giá cũ có 6 bậc, vậy cũng phải chia ra các bậc tương ứng.

Qua việc theo dõi báo chí, tôi nhận thấy có dư luận cho rằng, tại sao bậc 1 có 50 số, nhưng hóa đơn mới thì bậc 1 lại tính được có 10 số. Bởi vì, bản thân 50 số đầu tiên cũng phải chia ra có 5 ngày tính biểu giá cũ, còn lại 26 ngày theo biểu giá mới. Tức là, lại lấy 50 chia ra để tính. Bậc thứ hai cũng như vậy, từng bậc thang một sẽ bị tánh lẻ ra để tính. Do vậy, biểu giá trong hóa đơn tiền điện tháng 4, cách  tính sẽ dài gấp đôi so với bình thường. Mọi người có thể tham khảo web của EVN hoặc của các Tổng công ty điện lực.

Trong tháng 3, hóa đơn tiền điện tăng còn do thời tiết bắt đầu nắng nóng hơn nên nhu cầu thiết yếu về sử dụng điện cho các thiết bị như điều hòa, tủ lạnh nhiều hơn, cộng hưởng với tăng giá điện nên tăng hóa đơn tiền điện. Cục Điều tiết điện lực đã yêu cầu EVN tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn.

3. Phóng viên Hải Vân – Tạp chí Năng lượng: Việc tăng giá điện vừa qua được Bộ Công Thương lý giải là để thu hút đầu tư. Vậy tình hình đầu tư vào ngành điện hiện nay như thế nào? Có ý kiến cho rằng Bộ Công Thương đang có một bộ quy định khá cồng kềnh về việc ra các quyết định đầu tư vào ngành điện. Đây chính là rào cản cho quá trình đầu tư vào các dự án điện. Quan iểm của Bộ Công Thương về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: Các dự án về năng lượng nói chung và ngành điện nói riêng đều là các dự án đòi hỏi quy mô đầu tư lớn. Có thể phân ra các thời kỳ như sau. Thứ nhất, với thời kỳ trước khi tái cơ cấu, phần lớn các dự án được thực hiện từ nguồn vốn vay của Chính phủ và nguồn vốn của Chính phủ. Có 1 số dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài nhưng do môi trường đầu tư trong lĩnh vực năng lượng chưa có điều kiện khả thi với nhà đầu tư về hiệu quả kinh doanh trên mặt bằng giá điện nên khi đầu tư như vậy, cần sự cam kết của Chính phủ trong việc bảo lãnh vay vốn thực hiện dự án hoặc trong đàm phán để ký kết các hiệp định IPP về cung cấp điện năng sau khi đầu tư, tất nhiên có kèm các cam kết về giá.

Thời kỳ sau này, những dự án đầu tư theo hình thức BOT là hình thức đầu tư vào ngành năng lượng khá phổ biến và cũng đòi hỏi vai trò Nhà nước trong các dự án đó. Bởi các dự án điện không chỉ đòi hỏi vai trò của Bộ Công Thương mà còn vai trò của Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Khoa học Công nghệ. Do đó, các dự án này đều phải chờ quyết định của Chính phủ trên cơ sở đóng góp ý kiến của các Bộ ngành.

Thời gian qua, quá trình cải cách thủ tục hành chính của chúng ta cũng đi kèm những nguyên tắc mở cửa và xây dựng nền kinh tế thị trường trong nước. Việc điều hành giá điện cũng đang theo nguyên tắc kinh tế thị trường nhằm cải thiện môi trường đầu tư và tạo điều kiện xây dựng môi trường đầu tư hấp dẫn hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia và nhu cầu phát triển kinh tế rất lớn. Sắp tới, chúng tôi mong chờ nguồn vốn không chỉ từ vốn vay ODA mà còn từ các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Vì vậy, ngoài việc hoàn thiện cơ chế chính sách, các cơ chế liên quan đến thủ tục phê duyệt các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sẽ tiếp tục được thực hiện công khai minh bạch, phân cấp rõ ràng. Tuy nhiên, do là dự án lớn, có liên quan đến nhiều lĩnh vực nên đòi hỏi vẫn phải có những phối hợp chung. Chúng tôi tin rằng thời gian tới môi trường và cơ chế phê duyệt các dự án đầu tư sẽ được cải thiện nhiều hơn so với trước đây. Minh chứng rõ ràng là liên quan cải cách hành chính của Bộ Công Thương nói chung và trong lĩnh vực điện năng nói riêng, trong tiết kiệm điện năng, do sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ nên từ chỗ mất 137 ngày để thực hiện các quy trình thực hiện tiếp cận điện năng nay chỉ còn 36 ngày.

Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Năng lượng Lê Tuấn Phong trả lời: Về đầu tư cho lĩnh vực điện, giá điện là tín hiệu để nhà đầu tư xem xét quyết định đầu tư. Chính phủ và Bộ Công Thương đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, đơn cử như đã thành lập 3 Tổng công ty phát điện. Các công ty này muốn thu hút đầu tư phải tự minh bạch hóa tài chính, lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh. Cổ phần hóa các doanh nghiệp này cũng phải có lộ trình điều chỉnh giá điện sao cho minh bạch, tiếp cận được với giá thị trường. Chính phủ hiện đang tái cơ cấu mạnh mẽ ngành điện, trong đó giá điện là một trong những vấn đề quan trọng nhất bởi giá điện và giá năng lượng là tín hiệu quan trọng giúp thu hút đầu tư vào lĩnh vực điện.   

4. Phạm Huyền – Phóng viên Báo điện tử Vietnamnet: Vietnamnet đã đăng bài viết về kiến nghị xin hỗ trợ của Toyota. Trong đó hãng này đưa ra 2 kịch bản: Đi hay ở và việc này phụ thuộc vào việc Chính phủ Việt Nam có tiếp tục hỗ trợ cho ngành công nghiệp ô tô nữa không. Theo đó, Toyota đề nghị Chính phủ Việt Nam hỗ trợ 50% mức chênh lệch giữa giá sản xuất xe trong nước với giá trị của xe nhập khẩu vào năm 2018. Với mức hỗ trợ như đề nghị của Toyota, gói hỗ trợ có thể lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng. Bộ Công Thương đã có phản hồi thế nào đối với ý kiến của Toyota về kiến nghị này?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trả lời: Liên quan đến ý kiến của đại diện Toyota xem xét lại đầu tư tại Việt Nam và chuyển sang nhập khẩu, cũng như ý kiến Chính phủ Việt Nam xem xét có hỗ trợ bù lại chênh lệch cho việc sản xuất tại Việt Nam với số tiền lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng. Chiều nay, B Công Thương đã có buổi tọa đàm về các chính sách phát triển Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam với c bộ ngành liên quan Hiệp hội ô tô Việt Nam. Qua thông tin trao đổi, buổi tọa đàm có tính chất xây dựng với việc tham gia ý kiến của các đại biểu, trong đó có cả ý kiến của Tổng giám đốc Toyota kiêm chủ tịch Hiệp hội ô tô Việt Nam. Trong các thông tin, không thấy có cơ sở để khẳng định Toyota xem xét chấm dứt đầu tư và chuyển sang nhập khẩu tại Việt Nam.

Vấn đề thứ hai, chia sẻ ý kiến của Toyota với Việt Nam và các kiến nghị  về các chính sách tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích cho các doanh nghiệp và các thành phần kinh tế tham gia phát triển Ngành công nghiệp ô tô, trong đó có nội dung đề nghị Chính phủ xem xét về các chính sách thuế nhập khẩu và thuế tiêu thụ đặc biệt để tạo điều kiện khi tham gia phát triển dự án ô tô Việt Nam có quy mô và  hiệu quả.  

Không có cơ sở cụ thể nào để khẳng định Toyota Việt Nam yêu cầu bù lỗ, trợ giá với quy mô hàng ngàn tỷ đồng. Như chúng tôi hiểu trong quá trình làm việc của các bộ ngành và doanh nghiệp ô tô đều có gợi ý và đề xuất của các nhà sản xuất trong đó có Toyota.

Vấn đề này Bộ Công Thương được Chính phủ giao, cùng với Bộ Tài chính nghiên cứu các chính sách cơ chế cụ thể trong đó có vấn đề về chính sách thuế để điều tiết phù hợp, đảm bảo các chính sách của Chính phủ có tính khả thi, thực hiện quy hoạch ngành ô tô Việt Nam phù hợp với đường lối hội nhập và trình độ phát triển.

5. Phóng viên Phạm Huyền – Báo Vietnamnet: Tôi muốn hỏi Cục Xuất nhập khẩu về ùn tắc nông sản, đặc biệt là gạo. Việc Trung Quốc tăng cường kiểm soát chống buôn lậu nhất là qua lối mòn, lối mở, Bộ Công Thương đã nắm rõ nhưng vì sao vẫn có tình trạng ùn tắc xảy ra, thậm chí thương lái Trung Quốc không mua nữa. Phải chăng có sự bị động ở đây?

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trần Thanh Hải trả lời:

Việt Nam là nước có nền sản xuất nông nghiệp lớn nên tiêu thụ nông sản là trọng tâm ưu tiên của Chính phủ. Tuy nhiên, sản phẩm nông sản khác với sản phẩm công nghiệp (SPCN). SPCN có thời gian tồn kho lâu trong khi nông sản thì hư hỏng nhanh, việc bảo quản còn phụ thuộc vào thời tiết. Hơn nữa, SPCN xuất khẩu theo đơn đặt hàng, có đơn rồi mới sản xuất. Nhưng nông nghiệp thì ngược lại, người dân gieo trồng, sản xuất rồi mới tìm người mua.

Đối với các trường hợp xuất khẩu, hiện chúng ta có hai con đường là qua thương mại quốc tế (hay còn gọi là chính ngạch) và qua thương mại biên giới (hay còn gọi là tiểu ngạch). Chính ngạch tức là qua hợp đồng lớn. Ví dụ như gạo vẫn xuất khẩu qua các thị trường tập trung, theo thỏa thuận giữa các Chính phủ và giao cho doanh nghiệp (DN) thực hiện. Bên cạnh đó có nhiều hợp đồng thương mại do DN tự tìm kiếm khách hàng và thực hiện.

Với tình hình thương mại biên giới Việt - Trung, do đặc thù hai nước có biên giới tiếp giáp nên hoạt động thương mại qua biên giới (TMBG) là tất yếu khách quan. Giao dịch đó có quy luật khác không như giao dịch thương mại bình thường. Hoạt động TMBG tại Trung Quốc do cơ quan địa phương điều tiết chứ không phải trung ương.

Đối với mặt hàng gạo, 2/3 lượng xuất khẩu vẫn qua chính ngạch, chỉ có 1/3 qua lối mòn, cửa phụ.

Hiện nay, tại Lào Cai có các xe xếp hàng chờ đợi. Tại đây, có đặc thù là ban ngày các xe xếp hàng chờ làm thủ tục xuất đi. Nếu không kịp xuất thì ban đêm sẽ về tập kết tại kho. Thời hạn bảo quản của gạo cũng khác dưa. Theo báo cáo, đến hôm nay, số xe tồn đọng không còn nhiều, chỉ còn vài chục xe, tình hình đã không còn căng thẳng. Các xe này xuất khẩu qua cửa khẩu nhỏ nên năng lực tiếp nhận và xử lý hàng còn hạn chế. Vấn đề gạo thì tùy thời điểm sẽ có các phương án cụ thể.

Bộ Công Thương đã phối hợp với các bộ, ngành, các địa phương để tập trung giải quyết ở tầm vĩ mô trong dài hạn. Tuy nhiên trong quan hệ với Trung Quốc, chúng ta vẫn nên tận dụng hình thức TMBG để đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng.

6. Phóng viên Báo Nông thôn ngày nay: Sản lượng điện mua của Trung Quốc trong tháng 4 là bao nhiêu? Hiện nay, tình hình hạn hán ở các tỉnh miền Trung khiến nhiều hồ thủy điện khô cạn. Tình trạng này liệu có khiến lượng điện mua từ Trung Quốc tăng lên? Việc điều hành giá xăng dầu lần này có tính đến những ngày nghỉ lễ 30/4 không? Xin ông chia sẻ về diễn biến giá xăng dầu những ngày vừa qua?

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc trả lời: Sản lượng điện mua Trung Quốc trong tháng 4 chưa có số liệu thống kê chính thức. Tuy nhiên, sản lượng điện mua từ Trung Quốc trong tuần vừa qua của tháng 4 chiếm khoảng 1% tổng lượng điện thương phẩm của nước ta. Tỷ lệ này cũng tương đương với các tuần còn lại trong tháng 4.

Hiện nay, đúng là các nhà máy điện của miền Trung đang ít nước do từ đầu năm đến nay mưa ít, lượng thủy văn về các hồ hạn chế. Các nhà máy điện phải phát cầm chừng bởi EVN đang phối hợp với UBND và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tính toán lượng điện phát nhằm đảm bảo từ giờ đến hết mùa khô duy trì lượng nước tối thiểu ở hạ du để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt người dân.

Tuy có tình trạng đó nhưng lượng điện mua của Trung Quốc trong năm nay sẽ không tăng lên do các nguồn phía Bắc hiện khác tốt, dự phòng cao. Lượng điện của các nhà máy Miền Trung tuy phát ít nhưng EVN sẽ tăng cường lượng điện phát của các nhà máy thủy điện phía Bắc để chuyển vào phía Nam. Lượng điện mua Trung Quốc sẽ duy trì ở mức thấp theo hợp đồng mua bán điện đã ký.

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền trả lời: Theo Thông tư 39 của Liên bộ Tài chính, Công Thương, nếu sau ngày 15 trùng vào ngày nghỉ thì ngày đầu tiên sau ngày nghỉ lễ sẽ là ngày công bố giá cơ sở. Do đó, chúng tôi sẽ công bố giá cơ sở vào ngày 4/5, sau kỳ nghỉ lễ.

Về tình hình diễn biến giá xăng dầu, có thể nói là sau tháng 2 vừa rồi, giá xăng dầu thế giới có sự biến động rất phức tạp. Ví dụ ngày thứ 6 (24.4.2015) vừa qua, giá xăng đã tăng trên 4 USD/thùng. Việc giá xăng dầu thế giới biến động sẽ dẫn đến giá cơ sở trong nước chịu nhiều tác động của giá thế giới. Biến động giá xăng dầu đang được Liên bộ theo dõi sát. Kể cả trong những ngày nghỉ lễ, Liên bộ Công Thương – Tài chính cũng vẫn sẽ bố trí trực thường xuyên để cập nhật giá xăng dầu.

Hiện nay, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đang bù chênh lệch giữa giá cơ sở với giá bán trong nước gần 1.000 đồng/lít đối với mặt hàng xăng, từ trên 100 đồng – gần 400 đồng/lít, kg đối với các mặt hàng dầu để đảm bảo giá bán xăng dầu ổn định. Tất nhiên việc điều hành giá xăng dầu phải đảm bảo tăng giảm theo giá thế giới, theo đúng nguyên tắc đã quy định tại Nghị định 83 nhưng phải đảm bảo làm sao việc tăng hay giảm đó không gây sốc, ảnh hưởng đến lạm phát hay an sinh xã hội...

7. Phóng viên Nguyên Long – VOV Online: Xin hỏi Bộ Công Thương về tiến trình đẩy nhanh việc điều hành thị trường xăng dầu theo cơ chế thị trường?

Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Võ Văn Quyền trả lời: Lộ trình của chúng ta là kiên quyết chuyển kinh doanh xăng dầu theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Bản chất của cạnh tranh là phải có nhiều người tham gia, giá bán không phải do ai quyết định mà chính do thị trường quyết định. Hiện thị trường xăng dầu của chúng ta mới đang tiến đến thị trường cạnh tranh và Nghị định 83 đang thiết lập các điều kiện để thúc đẩy tiến tới nhanh thị trường cạnh tranh đó.

Chính vì lẽ đó, mà hiện nay, khi chúng ta đang trong quá trình quá độ tiến tới thị trường cạnh tranh vẫn phải có sự quản lý, kiểm soát của nhà nước (nhất là về giá) nhưng trên cơ sở, nguyên tắc hình thành cơ chế thị trường và dần tập dượt cho các doanh nghiệp thực hiện theo cơ chế thị trường. Ví dụ: Những quy định về điều hành về giá dưới 3% thì doanh nghiệp được phép làm gì; điều chỉnh từ 3 - 5 % thì bộ ngành được phép làm gì và trên 7% thì Chính phủ can thiệp cái gì...

8. Phóng viên Vũ Hân - Báo Công an Nhân dân: Chính phủ đã có chính sách để cư dân biên giới được mua 2 triệu tiền hàng miễn thuế/ngày. Tuy nhiên, chính sách này đã tạo điều kiện cho hoạt động buôn lậu. Chính phủ đã chỉ đạo phải xem xét sửa chính sách này. Xin hỏi quy định đang sửa theo hướng nào? Đối với những hộ dân chỉ dùng 140 kWh thì tại sao hóa đơn lại chia nhỏ ra 6 bậc thang mà không phải là 3 bậc thang?

Phó Vụ trưởng Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi Lê Biên Cương trả lời: Chính phủ đã có Quyết định 254/2006/QĐ-TTg ngày 7/11/2006 về việc quản lý hoạt động thương mại biên giới với các nước có chung biên giới và Quyết định số 139/2009/QĐ-TTG ngày 23/12 /2009 về việc sửa đổi bổ sung một số điều của Quyết định 254/2006/QĐ-TTg.

Như chúng ta đã biết trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2009, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển  thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng, trong đó có Quyết định 254 và Quyết định 139 có điều khoản quy định định mức miễn thuế của cư dân biên giới.

Tuy nhiên, đến năm 2012, quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước láng giềng, đặc biệt là quan hệ thương mại biên giới đã phát triển nhanh cả về quy mô lẫn tốc độ phát triển. Để phù hợp với thực tế phát triển thương mại biên giới giữa Việt Nam với các nước láng giềng. Năm 2012 Chính phủ đã có công văn số 3795/VPCP cho phép Bộ Công Thương nghiên cứu dự thảo để sửa đổi một số nội dung thay thế cho Quyết định 254 và Quyết định 139 nói trên cho phù hợp với thực tế phát triển thương mại biên giới. Sau một thời gian nghiên cứu, soạn thảo và Bộ Công Thương đã lấy ý kiến của các địa phương biên giới, các Bộ, ngành, các chuyên gia và tổ chức các cuộc Hội thảo. Qua các cuộc Hội thảo, lấy ý kiến của các địa phương, Bộ, ngành và các chuyên gia Bộ Công Thương đã tổng hợp và dự thảo Quyết định mới để trình và báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Mới đây, tại cuộc họp ngày 17/4/2015 khi họp bàn và trao đổi nội dung dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 254 và Quyết định 139, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Công Thương sớm hoàn thành dự thảo Quyết định thay thế Quyết định 254 và Quyết định 139 theo hướng giữ nguyên định mức miễn thuế cho cư dân biên giới nhưng có điều chỉnh lại một số mặt hàng cư dân biên giới được hưởng ưu đãi miễn thuế trên cơ sở đảm bảo phục vụ cuộc sống sinh hoạt của cư dân biên giới và vẫn phù hợp với luật pháp của mỗi nước.

Hiện dự thảo Quyết định đã cơ bản hoàn thành nội dung và hy vọng sẽ sớm trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 5/2015 tới.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực Đinh Thế Phúc trả lời: Quay lại với ví dụ phóng viên đưa ra, nếu tính giá điện từ ngày 11/3 đến ngày 10/4, 5 ngày sử dụng biểu giá cũ, còn 26 ngày sử dụng biểu giá mới. Với khách hàng sử dụng 140 kWh điện trong 1 tháng thì 23 kWh tính theo giá cũ, tương ứng 5 ngày, (tức là 140x5:31). Còn 26 ngày còn lại sử dụng 117 kWh, tính theo biểu giá mới.

Ở đây, đúng là 140 kWh thì tính theo 3 bậc thang giá. Nhưng trong mỗi bậc thang giá đó thì lại chia ra theo 2 biểu giá. Với bậc thang thứ nhất, 50  kWh phải chia 5 ngày sử dụng giá cũ, còn 26 ngày giá mới. Với 50 kWh, tức là 50x5:31= 8 kWh sử dụng mức giá cũ, 42 kWh sử dụng theo biểu giá mới. Tương đương từ kWh thứ 51 – 100, cũng tính như vậy thì 8 kWh đầu tiên sử dụng theo biểu giá cũ và 42 kWh theo biểu giá mới. Bậc thang thứ 3 có 7 kWh tính biểu giá cũ, 33 kWh tính theo biểu giá mới.

Tức là dù sử dụng 140 kWh có 3 bậc thang nhưng mỗi bậc thang tính theo cả 2 biểu giá cũ và mới. Với bậc thang thứ nhất, giá cũ là 1.388 đồng/kWh, giá mới là 1.484 đồng/kWh. Bậc thang thứ 2, giá cũ là 1.433 đồng/kWh, giá mới là 1.533 đồng/kWh… Chi tiết về cách tính giá có thể xem trên website của EVN Hà Nội.

Xem chi tiết tại đây

LQH