banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Nội dung cơ bản của Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc
Cập nhật lúc 10:31 ngày 13/04/2015

Ngày 18/11/2009 tại Bắc Kinh, Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn, đại diện Chính phủ Việt Nam và Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Đại Vĩ, đại diện Chính phủ Trung Quốc đã ký Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc đặt cơ sở pháp lý quan trọng cho công tác quản lý, bảo vệ biên giới đất liền 2 nước trong tình hình mới. Hiệp định chính thức có hiệu lực vào ngày 14/7/2010.


1. Nội dung Hiệp định

Hiệp định gồm: Lời nói đầu, 11 Chương, 54 Điều khoản và Phụ lục.

- Phần lời nói đầu: đã thể hiện nguyên tắc, căn cứ và mục tiêu của hai bên trong việc xây dựng Hiệp định...

- Chương 1: chỉ có 1 điều (Điều 1) dành để giải thích thuật ngữ. Việc giải thích thuật ngữ trong Hiệp định 2009 được tách riêng thành một chương, trong đó bổ sung thêm nhiều thuật ngữ mới so với Hiệp định tạm thời về việc giải quyết công việc trên vùng biên giới 2 nước Việt Nam - Trung Quốc năm 1991 như: biên giới, đường biên giới, văn kiện hoạch định đường biên giới, văn kiện phân giới cắm mốc, văn kiện kiểm tra liên hợp, mốc giới, vật đánh dấu đường biên giới, thiết bị bay, sự kiện biên giới, đại diện biên giới, người xuất nhập cảnh trái phép, trường hợp bất khả kháng...

- Chương 2: đề cập đến công tác quản lý, duy trì và bảo vệ hướng đi đường biên giới, mốc giới, và đường thông tầm nhìn biên giới (Điều 2 đến Điều 7), quy định các cơ sở pháp lý và nội dung cơ bản về quản lý, bảo vệ đường biên, mốc giới... Trong đó, Mục 2 Điều 3 đưa nội dung tuyên truyền giáo dục cư dân biên giới, khuyến khích họ ủng hộ và tham gia bảo vệ đường biên, mốc giới; Điều 5 quy định rõ việc sửa chữa, khôi phục, cắm lại mốc giới, trường hợp không thể khôi phục hoặc cắm lại mốc tại vị trí cũ cần lập biên bản nêu rõ lý do và báo cáo lên trên; Điều 6 quy định trong trường hợp cần thiết có thể bố trí thêm vật đánh dấu đường biên giới tại các điểm biên giới có dân cư đông đúc, hoặc khó nhận biết, nhằm làm rõ ràng hơn vị trí của đường biên. Việc này giao Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc phụ trách; Điều 7 quy định về phát quang làm rõ đường biên giới.

- Chương 3 quy định về công tác kiểm tra liên hợp biên giới (Điều 8). Đây là nội dung mới của Hiệp định, nêu rõ việc thành lập, nhiệm vụ của Ủy ban Kiểm tra liên hợp cũng như thời hạn tiến hành kiểm tra đường biên, mốc giới; quy định thời gian, nhiệm vụ, phương pháp... của công tác kiểm tra liên hợp biên giới. Theo đó, cứ 10 năm, Ủy ban Kiểm tra liên hợp tiến hành kiểm tra liên hợp một lần.

- Chương 4 quy định vùng nước biên giới (Điều 9 đến Điều 13), trình bày chi tiết về việc quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng các vùng nước biên giới cũng như quy định về xây dựng các công trình gần và trên vùng nước biên giới...

Điều 10 quy định chi tiết về quyền tiến hành sản xuất nghề cá trong phạm vi vùng nước biên giới thuộc lãnh thổ bên mình và các biện pháp ngăn chặn việc đánh bắt cá trái phép như: dùng chất nổ, xung điện, chất độc...

Điều 11 quy định hai bên không được đơn phương làm thay đổi địa thế của vùng nước biên giới bằng hành vi nhân tạo. Việc xây dựng, dỡ bỏ các công trình bảo vệ bờ tại vùng nước biên giới không được làm thay đổi dòng chảy và không được làm ảnh hưởng tới bờ bên kia. Điều 11 cũng quy định nạo vét đất bùn ở vùng nước biên giới không được làm ảnh hưởng xấu đến lòng sông, bờ sông và môi trường...

Điều 12 quy định việc đi lại trên sông; Điều 13 quy định việc phòng ngừa thiên tai, lũ lụt.

- Chương 5 quy định việc hoạt động và sản xuất tại vùng biên giới (Điều 14 đến Điều 21), trình bày chi tiết các hoạt động, sản xuất, bảo vệ rừng, khai thác khoáng sản, bay, chụp ảnh... Trong đó có một số điều đáng chú ý là:

Điều 15 quy định về các hoạt động sản xuất tại vùng biên giới; trong đó Mục 3 quy định các biện pháp bảo vệ môi trường sinh thái tại vùng biên giới, nghiêm cấm lắp đặt các thiết bị lưu giữ chất hóa học nguy hiểm và xây dựng nơi xử lý chất thải nguy hiểm trong phạm vi 1000m tính từ đường biên giới về mỗi bên. Mục 6 nghiêm cấm việc khai khoáng trong phạm vi 500m tính từ đường biên giới về mỗi bên, trừ phi hai bên có thỏa thuận khác. Mục 7 nghiêm cấm việc nổ súng săn bắn trong phạm vi 1000m tính từ đường biên giới về mỗi bên và nghiêm cấm bắn vào lãnh thổ bên kia (đây là nội dung mới so với Hiệp định tạm thời năm 1991).

Điều 16 quy định việc xây dựng các công trình qua biên giới.

Điều 18 quy định các biện pháp xử lý khi có dịch bệnh tại vùng biên giới.

Điều 19 quy định về việc phối hợp xử lý khi xảy ra thiên tai tại vùng biên giới.

Điều 21 quy định việc xây dựng các công trình vĩnh cửu trên biên giới. Sau khi Nghị định thư phân giới cắm mốc có hiệu lực (ngày 14/7/2010), trong phạm vi 30m về mỗi bên tính từ đường biên giới, hai bên không được xây dựng mới các công trình vĩnh cửu. Quy định này không áp dụng đối với đường tuần tra biên giới, hàng rào dây thép gai, thiết bị giám sát, khống chế và ngăn chặn; các công trình cửa khẩu; các công trình khác mà hai bên bàn bạc, thỏa thuận.

- Chương 6 quy định việc qua lại biên giới và duy trì, bảo vệ trật tự vùng biên giới (Điều 22 đến Điều 27), trình bày cụ thể về các thủ tục, địa điểm qua lại biên giới, biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự biên giới...

- Chương 7 đề cập quy chế liên hệ và hợp tác kinh tế tại vùng biên giới (Điều 28 đến Điều 30), quy định về quy chế liên hệ đối đẳng giữa các địa phương hai bên biên giới (tỉnh, huyện, khu); quy chế hợp tác phát triển thương mại hai bên biên giới (mở các khu thương mại, điểm chợ biên giới); phối hợp bảo vệ động vật hoang dã, quý hiếm.

- Chương 8: xử lý sự kiện biên giới (Điều 31 đến Điều 37), quy định về các sự kiện biên giới và thủ tục, biện pháp phối hợp xử lý các sự kiện này của các cơ quan hữu quan hai bên biên giới... Trong đó có một số điều đáng chú ý là:

Điều 31 thống kê chi tiết các sự kiện cần xử lý ở vùng biên giới.

Điều 34 nghiêm cấm việc sử dụng vũ khí đối với người xuất nhập cảnh trái phép.

Điều 35 quy định việc xử lý khi phát hiện thi thể người, xác súc vật... (thời gian cần thiết để xử lý đối với xác người là 48 giờ).

Điều 37 quy định việc xử lý thiết bị bay vượt biên trái phép.

- Chương 9 đề cập đến Đại diện biên giới và chức năng, quyền hạn của Đại diện biên giới (Điều 38 đến Điều 49), quy định thủ tục, cơ cấu của Đại diện biên giới cũng như nhiệm vụ, quyền hạn của Đại diện biên giới... Đây là nội dung mới của Hiệp định so với Hiệp định tạm thời năm 1991.

- Chương 10 quy định cơ chế thực hiện (Điều 50), nêu rõ việc thành lập Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc nhằm triển khai thực hiện các quy định của Hiệp định sau khi Hiệp định có hiệu lực.

- Chương 11: các điều khoản cuối cùng (Điều 51 đến Điều 54), quy định về hiệu lực, trình tự và thủ tục để Hiệp định có hiệu lực; thủ tục gia hạn, hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung của Hiệp định...

Hiệp định có 18 Phụ lục quy định về một số loại giấy tờ trao đổi giữa hai bên trong quá trình xử lý các công việc trên vùng biên giới (Mẫu công hàm trao đổi giữa Đại diện biên giới; Mẫu thẻ qua lại biên giới của nhân viên dưới quyền Đại diện biên giới; Mẫu giấy thông hành xuất nhập cảnh biên giới; Danh sách các đơn vị hành chính vùng biên giới, v.v... và Điều lệ của Ủy ban Liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc).

2. Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban liên hợp biên giới, của Đại diện biên giới

Chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban liên hợp

Theo Điều lệ của Ủy ban liên hợp biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, Ủy ban triển khai công việc theo quy định của Hiệp định với các chức năng, nhiệm vụ sau:

- Các vấn đề sửa chữa, khôi phục, xây dựng lại tại vị trí cũ và xây dựng mốc giới tại vị trí mới.

- Xác nhận, sửa chữa, xây dựng và duy trì, bảo vệ các vật đánh dấu đường biên giới.

- Đánh giá, thẩm định và giám sát các công trình, dự án tại vùng nước biên giới.

- Thẩm định, giám sát các công trình cắt qua đường biên giới.

- Tiến hành sửa đổi hoặc bổ sung các Phụ lục về đoạn quản lý của đại diện biên giới, biên bản bàn giao thư của đại diện biên giới, biên bản bàn giao người xuất, nhập cảnh trái phép; biên bản bàn giao gia súc (gia cầm) vượt qua đường biên giới; biên bản bàn giao thi thể người và biên bản bàn giao tài sản được đính kèm Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

- Giải quyết những bất đồng nảy sinh trong việc giải thích các điều khoản của Hiệp định trong quá trình thực hiện Hiệp định.

- Nghiên cứu giải quyết các sự kiện biên giới mà Đại diện biên giới chưa giải quyết được.

- Giám sát tình hình thực hiện Hiệp định.

- Trao đổi và giải quyết các vấn đề quan trọng khác liên quan đến việc duy trì, bảo vệ Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc.

Đến nay, Ủy ban liên hợp đã tiến hành 3 vòng họp và 1 phiên họp đặc biệt cấp Chủ tịch, kịp thời xử lý các vấn đề liên quan nhằm duy trì đường biên giới hòa bình, ổn định và hợp tác.

Chức năng, nhiệm vụ của Đại diện biên giới

- Hai bên thiết lập Đại diện và Phó Đại diện biên giới tại các đoạn biên giới tương ứng. Hai bên có trách nhiệm thông báo cho nhau việc bổ nhiệm Đại diện và Phó Đại diện biên giới.

-  Đại diện biên giới hai bên tiến hành công việc theo pháp luật mỗi nước, quy định của Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và các điều ước song phương khác liên quan đến biên giới giữa hai bên.

- Khi Đại diện biên giới vắng mặt, phải uỷ quyền cho một Phó Đại diện biên giới thực thi quyền hạn và trách nhiệm của Đại diện biên giới.

-  Đại diện biên giới có thể bổ nhiệm trợ lý và những nhân viên công tác khác như thư ký, phiên dịch, chuyên gia, nhân viên liên lạc… để tạo thuận lợi cho công việc.

- Đại diện biên giới có nhiệm vụ xử lý các sự kiện biên giới, duy trì việc thực hiện Hiệp định về quy chế quản lý biên giới, tạo thuận lợi trong việc duy trì nghiêm túc các văn kiện pháp lý về biên giới; Phối hợp với các lực lượng chức năng hai bên giải quyết các vấn đề phát sinh trên biên giới nhằm giữ ổn định biên giới, tạo điều kiện để địa phương hai bên biên giới giao lưu phát triển kinh tế - xã hội.

- Đại diện biên giới có con dấu riêng theo mẫu của Thủ tướng Chính phủ quy định và có quy chế hoạt động riêng (đã được cấp từ ngày 5/11/2011). Phương thức hoạt động của Đại diện biên giới là thông qua hình thức hội đàm, trao đổi thư hoặc các hình thức khác để tiến hành công tác liên hợp với Đại diện biên giới đoạn biên giới tương ứng của phía Trung Quốc. Các cuộc hội đàm này có thể diễn ra định kỳ hoặc đột xuất.

- Đại diện biên giới trong quá trình hoạt động phải tuyệt đối tuân thủ chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước cũng như những quy định tại Hiệp định về quy chế quản lý biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận song phương khác.

Hiện nay, hai bên đã thành lập 8 Đại diện biên giới quản lý 8 đoạn biên giới tương ứng, duy trì cơ chế hội đàm thường xuyên và kịp thời xử lý các sự kiện phát sinh trên biên giới hai nước.

3. Nội dung hoạt động kinh tế tại khu vực biên giới

Hai bên thúc đẩy triển khai thương mại biên giới và hợp tác du lịch ở vùng biên giới, khuyến khích hợp tác thương mại biên giới dưới nhiều hình thức, đồng thời có thể ký các thỏa thuận liên quan về vấn đề này.

Hai bên căn cứ pháp luật của nước mình để triển khai hoạt động thương mại biên giới. Phương pháp cụ thể cho việc thực hiện thương mại biên giới do Chính phủ hai nước bàn bạc, xác định theo pháp luật hiện hành của mỗi nước và các điều ước liên quan giữa hai bên.

Đồng thời, hai bên có thể mở các khu thương mại, cặp chợ biên giới (điểm, chợ thương mại biên giới) ở các xã (trấn) trên tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc. Địa điểm cụ thể của khu thương mại, cặp chợ biên giới (điểm, chợ thương mại biên giới) do chính quyền địa phương cấp tỉnh hai bên thỏa thuận theo pháp luật hiện hành của hai nước. Việc kiểm tra, quản lý người, hàng hóa, vật phẩm và phương tiện giao thông vận tải xuất, nhập cảnh qua biên giới do ngành chủ quản hai bên thỏa thuận theo pháp luật mỗi nước.

Hàng hóa thương mại xuất, nhập khẩu và phương tiện giao thông vận tải xuất - nhập cảnh của hai bên phải phù hợp với quy định pháp luật của mỗi bên về ngoại thương, hải quan, kiểm nghiệm, kiểm dịch và các quy định của các cơ quan kiểm tra, kiểm nghiệm khác.

Mặt khác, hai bên tiến hành thu thuế và các lệ phí liên quan khác đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu theo đúng quy định của pháp luật mỗi nước.

Ngoài ra, hai bên căn cứ các quy định pháp luật của nước mình nghiêm cấm xuất, nhập cảnh hàng cấm, vật phẩm cấm; đồng thời kiểm tra, ngăn chặn tình trạng buôn lậu.

Hai bên áp dụng các biện pháp cần thiết bảo vệ động, thực vật hoang dã, quý hiếm, đồng thời nghiêm cấm buôn bán trái phép các loại động, thực vật hoang dã.

Ngành chủ quản hai bên cần tăng cường hợp tác, trong đó công tác phòng, chống, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại; nếu cần thiết có thể thiết lập cơ chế liên hệ.

Như vậy, có thể nói Hiệp định về quy chế quản lý biên giới đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để các ngành chức năng tiến hành quản lý, bảo vệ biên giới cũng như phát triển kinh tế, xã hội vùng biên được thuận lợi. Trên thực tế, mọi sự kiện xảy ra ở biên giới đòi hỏi phải giải quyết nhanh, đúng luật. Do đó, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành chức năng là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý biên giới phải thường xuyên thông báo cho nhau tình hình đường biên, mốc giới và các sự kiện xảy ra trên biên giới cũng như kết quả giải quyết các sự kiện. Đặc biệt, mọi vấn đề xảy ra trên biên giới phải được giải quyết trên cơ sở phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành quản lý biên giới thông qua Đại diện biên giới./.

 

TH (Theo UBBG)