banner2019
 
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Thứ tư, ngày 22 tháng 01 năm 2025
Chính phủ nhất trí kiến nghị sửa đổi Luật BHXH: Không đủ thời gian, vẫn được hưởng BHXH một lần
Cập nhật lúc 09:41 ngày 02/04/2015

Ngày 1.4, tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3.2015, Chính phủ đã nhất trí kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần.

Chính phủ kiến nghị sửa luật

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về báo cáo của các bộ, cơ quan chức năng đối với kiến nghị của công nhân về Điều 60 Luật BHXH 2014 (có hiệu lực vào 1.1.2016). Trong đó, có quy định người tham gia BHXH không được hưởng BHXH một lần như luật hiện hành. Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN, UBND TPHCM đã kiến nghị việc sửa đổi luật cho phù hợp với tình hình thực tiễn và nguyện vọng của công nhân.

“Sau khi nghe báo cáo và các ý kiến thảo luận, Chính phủ đã nhất trí với kiến nghị của các bộ, cơ quan, địa phương nêu trên và kiến nghị Quốc hội sửa đổi Điều 60 Luật BHXH 2014 theo hướng nếu người lao động không đủ thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu thì được hưởng BHXH một lần” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên cho biết.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên, những ngày qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất sốt ruột chỉ đạo các ngành chức năng phối hợp với Tổng LĐLĐVN và TPHCM làm hết sức mình để vận động, thuyết phục bà con, người lao động đang có những phản ứng về Điều 60 của Luật BHXH. Chính phủ ngày 1.4 cũng đưa nội dung này vào bàn bạc, dành thời gian một cách thỏa đáng để bàn bạc kỹ và có hướng xử lý.

Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 3.2015. Ảnh: TTXVN 

Đề nghị của công nhân là chính đáng

Cũng tại cuộc họp, Chính phủ đã nhận được kiến nghị của lãnh đạo TPHCM có một số đề xuất trùng hợp với ý kiến trong lời kêu gọi của Chủ tịch Tổng LĐLĐVN Đặng Ngọc Tùng gửi cho toàn thể người lao động trong cả nước. Sau khi bàn bạc, trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ LĐTBXH và Tổng LĐLĐVN có sự đồng tình, ủng hộ của Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ đi đến thống nhất đánh giá Điều 60 của Luật BHXH là một bước tiến, lo cho người lao động ổn định lâu dài. 

Tuy nhiên, khi lấy ý kiến chuẩn bị cho hướng dẫn triển khai đưa luật vào cuộc sống thì gặp phải sự không đồng thuận của đa số người lao động, trước hết là tại một Cty ở TPHCM. Sau khi bàn bạc, thống nhất, Chính phủ thấy rằng ý kiến, đề nghị của đa số công nhân đưa ra những ngày qua là chính đáng. 

Vì lẽ đó, Chính phủ sẽ kiến nghị với Quốc hội xem xét lại Điều 60, sửa một phần của Điều 60, để cho người công nhân được chọn lựa giải quyết hưởng bảo hiểm một lần như hiện nay. Bởi vì, thực tế có một bộ phận lớn công nhân thấy rằng điều kiện để thực hiện theo Điều 60 là không phù hợp với cuộc sống của họ.

Như vậy, từ nay đến ngày 31.12.2015, mọi chế độ đang thực hiện không có gì thay đổi. Chính phủ đã thống nhất sẽ kiến nghị Quốc hội xem xét lại điều này vào kỳ họp giữa năm dự kiến khai mạc vào ngày 20.5 tới đây. 

“Chúng tôi thấy rằng đề nghị của Chính phủ thể theo nguyện vọng chính đáng của đa số người lao động là hợp lý, phù hợp trong tình hình hiện nay. Trên cơ sở đó, chúng tôi cũng sẽ báo cáo, các báo sẽ thông tin kịp thời và kêu gọi tất cả những người lao động hiện nay còn đang có những lo lắng, vướng mắc vấn đề này hãy yên tâm trở lại làm việc bình thường, hết sức bình tĩnh để không nghe những lời kích động, xúi giục làm trái đi nguyện vọng chính đáng của người lao động chúng ta” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên kêu gọi: ”Hãy tin tưởng rằng Chính phủ sẽ đề xuất, kiến nghị một cách đầy đủ theo nguyện vọng chính đáng của người lao động hiện nay cũng như đề xuất của lãnh đạo TPHCM và Tổng LĐLĐVN ngay tại cuộc họp Chính phủ ngày 1.4. Tinh thần đó, tôi đề nghị các báo hãy thuyết phục, vận động người lao động yên tâm lao động trở lại, đảm bảo hoạt động bình thường của doanh nghiệp” - Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên đề nghị. 

Nguồn Báo Lao động điện tử